Tết năm nay chúng ta nhận được một món quà quý báu: Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) sẽ họp thượng đỉnh ở Hà Nội. Đây là thành quả của chính sách làm bạn với mọi quốc gia mà chúng ta theo đuổi từ chục năm nay. Còn gì vinh quang hơn là tạo điều kiện để hai người bạn của mình làm lành với nhau?
Nhân đó, nhiều người khuyên Bắc Triều Tiên nên theo mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng thực ra thì bí thư thứ nhất Kim Chính Ân và tổng thống Donald Trump gặp nhau đâu phải là để bàn về kinh tế hay về xã hội chủ nghĩa mà để bàn về vũ khí hạt nhân (VKHN) và khi tổng thống Trump khuyên bí thư Kim nên noi theo gương Việt Nam là ông muốn nói về chính sách phát triển công nghệ hạt nhân của ta.
Năm 1953, tổng thống Eisenhower đề nghị chương trình Atom for Peace (Nguyên tử Vì Hòa bình) về hợp tác quốc tế trong ngành khoa học – kỹ thuật hạt nhân dân dụng dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Đề nghị được cả thế giới hưởng ứng và năm 1957 LHQ thành lập cơ quan IAEA (International Atomic Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) với chức năng nghiên cứu – phát triển và phổ biến các kiến thức liên quan đến hạt nhân dân dụng. Cùng lúc, các nước Tây Phương đề nghị cấm chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự giữa các nước. Đề nghị này cũng được hưởng ứng nhiệt tình và năm 1967 tất cả các thành viên của LHQ tán thành hiệp ước NNPT (Nuclear Non Proliferation Treaty, Hiệp ước không Phổ biến VKHN) gọi tắt là hiệp ước NPT. Năm 1970, hiệp ước này có hiệu lực ở khắp nơi trừ các nước Ấn Độ, Israel và Pakistan.
Hiệp ước NPT quy định1:
– chỉ có năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHP (Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc), gọi là NWS (Nuclear Weapon States, Cường quốc Có VKHN), mới có quyền khai triển, sản xuất, thử nghiệm và tàng trữ VKHN,
– sau khi thông qua hiệp ước NPT hay sau khi hiệp ước này đi vào hiệu lực thì các nước không phải là NWS phải hủy các chương trình nghiên cứu và thử nghiệm VKHN, phá hủy các VKHN đã được hay đang được sản xuất, phá hủy tất cả các nguyên liệu và thiết bị dùng để sản xuất VKHN,
– một nước, kể các một nước NWS, không được chuyển giao công nghệ VKHN cho một nước khác, bán cho một nước khác VKHN, nguyên liệu và thiết bị có thể dùng để sản xuất chúng.
Thực thi hiệp ước NPT thay đổi theo thời gian theo hướng mỗi ngày mỗi kiềm chế hơn sự tăng sinh của VKHN:
– ngoài chức năng khoa học – kỹ thuật thì IAEA có thêm quyền kiểm tra các nước bị nghi ngờ đang khai triển hay tàng trữ vật liệu có thể dùng để sản xuất VKHN,
– năm nước NWS cam đoan sẽ không dùng VKHN để tấn công một nước đã thông qua hiệp ước NPT,
– hơn thế nữa, năm cường quốc này còn cam đoan sẽ đến cứu một nước đã thông qua hiệp ước NPT nếu nước đó bị một nước khác tấn công bằng VKHN,
– năm vùng lãnh thổ cùng với Mông Cổ tự nguyện tuyên bố là vùng không có VKHN: Mỹ Châu Latinh và Caribean, Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Phi Châu và Trung Á,
– kể từ năm 2004 một cá nhân có thể bị truy tố hình sự trước Tòa Án Quốc tế về tội phổ biến công nghệ VKHN.
Việt Nam đã ký tất cả các thỏa hiệp chống vũ khí sát hại đại trà2. Đặc biệt về VKHN thì chúng ta đã ký hiệp ước NPT từ năm 1982 và, chỉ vài tháng sau khi gia nhập tổ chức ASEAN, chúng ta đã ký và thông qua hiệp ước Bangkok về Đông Nam Á là một vùng không có VKHN3.
Chúng ta đã chứng minh chúng ta thực thi các hiệp ước đã ký.
Liên Xô đã biếu ta lõi lò phản ứng Đà Lạt để thay thế cái lõi mà các chuyên gia Mỹ đã gỡ đi và mang về nước. Lõi này dùng nguyên liệu có hàm lượng U-235 cao hơn 20 %. Khi có quy định cấm loại nguyên liệu này thì ta đã xin Liên Xô và Hoa kỳ thay cho một cái lõi khác và đã nộp cho IAEA những vật liệu cấm. Có lần tình cờ tìm thấy một vài miligram đồng vị Mỹ bỏ quên khi tháo chạy năm 1975 thì ta cũng đã tự nguyện nộp cho IAEA. Chúng ta đang xây một lò phản ứng thứ hai tuân thủ tất cả các quy định của IAEA. Cơ quan này được thoải mái thanh tra những cơ sở hạt nhân của ta. Nhân mỗi chuyến thanh tra thì các chuyên gia của IAEA đã tận tâm cố vấn chuyên gia của ta, đúng theo nghĩa vụ của cơ quan này.
Nhận thấy chúng ta hợp tác trung thực với IAEA, tổng thống Obama đã hứa Hoa Kỳ sẽ giúp ta rất hào phóng xây dựng ngành công nghệ hạt nhân dân dụng. Có lẽ do đó mà tổng thống Trump đã khuyên Bắc Triều Tiên nên noi gương Việt Nam4.
Thời chiến, có vài tướng lãnh Mỹ muốn ném bom nguyên tử xuống nước ta nhưng không được cấp chính phủ của họ cho phép. Ném xuống Điện Biên Phủ hay Khe Sanh thì lính Việt Nam chết nhưng lính Pháp và lính Mỹ cũng chết theo. Một quả bom nguyên tử trung bình 150 kT (15 lần quả bom ném xuống Hiroshima) sẽ tàn phá trong vòng bán kính 800 mét và chiếu xạ trong vòng bán kính 20 cây số5. Đường Trường Sơn của ta dài cả nghìn cây số, rộng vài trăm mét ở nơi có bãi đậu xe. Bom nguyên tử không thể dùng được để phá hủy một mục tiêu dài và rất hẹp như vậy.
Công nghệ quân sự đã thay đổi nhiều từ thời chiến tranh lạnh.
Khi xưa, ném một quả bom từ một tàu bay thì không chính xác6. Để chắc chắn phá được mục tiêu thì họ gửi cùng một lúc hai ba trăm oanh tạc cơ ném bừa bãi vài nghìn quả bom lớn. Dù trúng đích hay không mỗi trận ném bom trải thảm như thế thì vài chục phi cơ bị của phi đội tấn công bị địch bắn rơi và cả vạn dân oan ở dưới đất thương vong và tử vong. Lâu dần giết dân của địch không còn là một tội ác cần thiết nữa mà trở thành một mục tiêu chiến lược nhằm bẻ gẫy ý chí kháng cự của địch7. Vì đó mà người ta nghĩ đến thay thế một trận đánh bom trải thảm bằng một phi vụ ném một quả bom nguyên tử duy nhất với sức tàn phá giết chóc ngang nhau.
Bây giờ thì người ta có những phi đạn bắn rất chính xác. Người ta không cần đến chiến thuật ném bom trải thảm mà cũng không cần đến ném bom nguyên tử nữa. Khi Mỹ tấn công Irak năm 2003 thì họ bắn những hỏa tiễn với độ chính xác một hai mét làm cho tướng lãnh Mỹ khoe khoang là đã đánh bom như giải phẫu (surgical strike). Để phá hủy một tổng hành dinh, một đài truyền thông, một phi trường hay bất cứ một mục tiêu quân sự nào thì người ta chỉ cần bắn vài hỏa tiễn là xong.
VKHN chỉ còn là một công cụ răn đe như những siêu chiến hạm của đầu thế kỷ trước8: tốn kém và vô dụng. Các cường quốc NWS chỉ biết dọa nhau và dọa các nước khác sẽ tiêu diệt kẻ thù bằng VKHN nếu bị tấn công9. Tùy theo cách tính, nhân loại đã sản xuất từ năm đến mười vạn quả bom nguyên tử, trong số đó chỉ có hai quả đã được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Tỷ lệ sử dụng là 0,002 đến 0,004 phần trăm nếu tính số quả bom. Còn nếu tính tỷ lệ TNT chứa trong mỗi quả bom thì tỷ lệ đó còn thấp nhiều hơn nữa. Ở cao điểm chiến tranh lạnh tổng số các quả bom nguyên tử có thể tàn phá quả đất tới bốn năm lần. Chưa có một sản phẩm công nghiệp nào mà có tỷ lệ sử dụng tồi tệ đến vậy và đã được sản xuất thừa thãi đến thế10.
Pakistan và Ấn Độ là hai nước duy nhất không phải là NWS chính thức có VKHN. Người ta nghi ngờ Israel cũng có, nhưng nước này không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Người ta cũng nghi ngờ Iran khai triển VKHN và bị LHQ trừng phạt về kinh tế mặc dù nước này tuyên bố làm giầu uranium chỉ vì mục đích hòa bình. Các nước Nam Phi, Argentina, Brasil, Thụy Điển và Libya một dạo đã có khai triển thử VKHN nhưng sau đó đã bỏ kế hoạch của họ và ký hiệp ước NPT. Khi tuyên bố độc lập thì các nước Bielorussia, Kazakhstan và Ukraina đã trả lại Nga những bom nguyên tử lưu trữ trên lãnh thổ họ. Khi xưa Bắc Triều Tiên có ký hiệp ước NPT, nhưng năm 2003 thì họ rút khỏi hiệp ước. Hiện nay chỉ còn có họ là công khai tiếp tục khai triển VKHN. Pakistan và Ấn Độ được coi là chuyện đã rồi.
Bắc Triều Tiên muốn có khả năng tự vệ phòng khi bị Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản tấn công. Đối với họ, khả năng này có xác suất cao vì tình trạng chiến tranh vẫn còn ở bán đảo Triều Tiên. Hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) chỉ là một hiệp ước đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Họ lo ngại chiến tranh sẽ tái diễn khi thấy quân đội Hoa Kỳ vẫn đóng ở Nam Triều Tiên và quân đội Nam Triều Tiên và quân đội Nhật được trang bị hùng hậu bằng các vũ khí hiện đại nhất. Để đạt mục đích tự vệ của mình thì Bắc Triều Tiên đã chọn khai triển VKHN, phương án tốn kém nhất về tài chính và rủi ro nhất về kỹ thuật.
Về phía Hoa Kỳ thì họ nghĩ rằng các nước NWS phải giữ độc quyền về VKHN để trật tự thế giới được ổn định và tìm đủ mọi cách để hai nước Iran và Bắc Triều Tiên hủy bỏ chương trình VKHN. Họ lo ngại nếu để hai nước này có bom nguyên tử thì các nước khác sẽ muốn làm theo và kế hoạch chống tăng sinh VKHN của LHQ sẽ thất bại. Xâm chiếm Bắc Triều Tiên không còn là mục đích của Hoa Kỳ từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Họ tiếp tục làm áp lực quân sự và kinh tế lên Bắc Triều Tiên chỉ để bắt nước này tuân theo những quy định của hiệp ước NPT.
Tổng thống Trump là một người rành về thương thuyết. Ông biết rõ lập trường của mỗi bên. Ông sẽ không đe dọa đối tác của ông mà sẽ:
– chứng minh Bắc Triều Tiên không cần đến VKHN để tự vệ,
– cam đoan Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ sẽ không có lý do gì để tấn công Bắc Triều Tiên nếu nước này từ bỏ VKHN,
– và ông sẽ đề cao chính sách phát triển công nghệ hạt nhân của Việt Nam để hứa Hoa Kỳ sẽ giúp Bắc Triều Tiên xây dựng một ngành công nghệ hạt nhân bền vững.
Xin thành thật chúc Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đạt được một thỏa thuận hai bên cùng có lợi (win win agreement) ở thượng đình Hà Nội sắp tới.
Đặng Đình Cung
Đăng lại từ bài viết “Vấn đề vũ khí và công nghệ hạt nhân”
Đăng trên Forum Diễn Đàn (Diendan.org) (Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.)
Chú thích:
1. Treaty on the Non Proliferation of Nuclear Weapons
http://disarmament.un.org/treaties/t/npt/text
2. Bạn đọc có thể tham khảo danh sách các hiệp ước Việt Nam đã ký ở trạm thông tin của tổ chức Global Security
Introduction to Special Weapons
http://www.globalsecurity.org/wmd/intro/index.htm
3. Protocol to The Treaty on Southeast Asia Nuclear Weapon Free Zone
http://disarmament.un.org/treaties/t/bangkok_protocol/text
4. Những thông tin về chính sách hạt nhân của Việt Nam chúng tôi gom từ các trang mạng đăng trong nước từ hai chục năm nay.
5. Bruno Tertrais: “L’Arme Nucléaire”, PUF (Paris,2008)
6. Có khi một quả bom bị ném trật tới hai cây số !
7. Xem lý thuyết chiến tranh trên không của Giulio Douhet.
8. Những siêu chiến hạm
http://www.diendan.org/phe binh nghien cuu/nhung sieu chien ham
9. Hai quân-sư Pháp giảng nghĩa rất rõ lý thuyết răn đe bằng VKHN.
Andre Beaufre: “Disuasion et strategie”, A. Colin (Paris,1964)
Pierre-Marie Gallois: “Strategie de l’Age Nucleaire”, Calmann-Levy (Paris, 1960)
10. Tùy quan điểm, đây là một điều đáng mừng hay đáng trách.
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…