Chiến tranh Ukraine cho thấy rõ xu hướng vũ khí không người lái (drone) và tiềm năng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển hàng đàn drone, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra chiến tranh tiêu hao khi phương Tây đầu tư vũ khí và tài chính vào chiến trường còn chính quyền Kyiv đầu tư nhân mạng. Theo Reuters đưa tin hôm 21/7, chính quyền của bà Thái Anh Văn đã đang đầu tư phát triển các thiết bị không người lái, với mối quan ngại rằng một ngày nào đó Đài Loan sẽ phải đối mặt với cuộc xâm lược của Trung Quốc Đại Lục. Tuy nhiên, Reuters bình luận rằng nếu so với phát triển kỹ thuật drone của quân đội Trung Quốc Đại Lục, thì Đài Loan đã chậm hơn khá nhiều.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhận ra vai trò của vũ khí không người lái (drone) ít nhất từ mùa Hè năm ngoái, theo Reuters, khi bà mở cuộc họp với các quan chức cao cấp, mà trong đó có đề cập tới bài học từ chiến tranh Ukraine.
Bà đã nhận được một tài liệu nội bộ khá dài —77 slide trình chiếu PowerPoint— về chủ đề này, đặc biệt khi quân ta thua xa quân địch về số lượng chiến binh.
“Chúng ta thua xa về số lượng,” tài liệu viết, Reuters cho hay họ có được 1 bản sao của tài liệu này.
Chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine cho thấy vũ khí không người lái mang chất nổ mạnh tỏ ra hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu đây là chuyển hướng cách thức chiến tranh tương lai.
Theo một báo cáo chi tiết của Reuters hôm 18/7, quân Ukraine sau 1 năm phát triển đã có được một lực lượng đáng kể các xuồng không người lái (USV). Ukraine hiện nay coi như đã không còn lực lượng thủy quân, cho nên Hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú ở Crimea đã áp đảo vùng biển này. Không cách nào trực tiếp đối đầu với Nga, các USV tự sát của Ukraine với giá 250.000 USB/chiếc, theo Reuters báo cáo, đã khiến hạm đội Biển Đen khá lúng túng và buộc Nga phải triển khai nhiều biện pháp ở cảng biển Sevastopol như rải thủy lôi và lưới, cũng tăng cường đội cá heo thuần dưỡng, một đặc sản của hải quân Nga.
Kể từ khi Ukraine dùng USV tấn công cầu Kerch nối bờ Đông bán đảo Crimea với đất liền hôm 17/7, tình hình khu vực Biển Đen trở nên căng thẳng cho tới nay, trong đó Ukraine dùng máy bay không người lái UAV tấn công các cơ sở của Nga tại Crimea. Trong khi tình hình giao tranh ở Biển Đen còn đang tiếp diễn, nhưng thực tế cho thấy USV là có hiệu quả, nhưng không lớn, chủ yếu là vì Ukraine không có hải quân, và vũ khí không người lái như UAV và USV chưa thể hoàn toàn thay thế quân đội truyền thống.
Tại mặt trận trên bộ, các UAV của Nga phát huy hiệu quả mạnh mẽ đặc biệt khi tấn công các xe tăng tối tân đắt tiền của NATO. Một chiếc UAV Lancet của Nga giá chỉ có khoảng 35.000 USD, lại có khả năng công phá xe tăng đắt tiền như Challenger 2 (Anh), Leopard 1 và 2 (Đức), và Abrams (Mỹ).
“Một chiếc UAV nhỏ có thể làm nổ tung một chiếc xe tăng trị giá hàng chục triệu USD” — Hawk Yang, trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển drone của tập đoàn Thunder Tiger Group (Đài Loan).
Chỉ trong 2 tuần đầu của chiến dịch phản công vào tháng trước, theo báo cáo của New York Times, quân Ukraine đã mất tới 20% xe tăng và thiết giáp mà đồng minh Âu Mỹ dày công cung ứng. Chủ yếu là vì UAV của Nga và bãi mìn.
Sau đó chiến dịch phản công của Ukraine đã chậm lại, và các hình ảnh cho thấy quân Ukraine tạm không triển khai các xe tăng và thiết giáp ồ ạt như trước. Theo dự kiến ban đầu, xe tăng là mũi nhọn của chiến dịch phản công.
Reuters báo cáo, hiện nay Đài Loan có 4 loại drone, thua xa Trung Quốc Đại Lục, nơi có khoảng 50 loại: Từ loại dùng động cơ phản lực, trinh sát với khoảng cách hoạt động xa, cho đến các loại quadcopter (máy bay không người lái nhỏ 4 cánh quạt kiểu trực thăng).
Bà Thái Anh Văn tin rằng giải pháp cho sự thua kém này là tìm cách thu hẹp khoảng cách. Bà “nhấn nút” cho một chương trình “Nhóm Quốc gia UAV” với các thành viên chọn từ các nhà sản xuất drone thương mại cũng như các công ty hàng không và vũ trụ của Đài Loan.
Doanh nhân hàng không vũ trụ Max Lo, điều phối viên của nhóm nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi cần nhanh chóng bắt kịp, với hàng ngàn drone (vũ khí không người lái). Chúng tôi đang cố gắng hết sức để phát triển drone với các thông số kỹ thuật thương mại cho mục đích quân sự. Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng xây dựng năng lực của mình dựa trên công nghệ hiện có để có thể giống như Ukraine.”
Mục tiêu, theo một tài liệu kế hoạch của chính phủ mà Reuters được xem, là chế tạo hơn 3.200 drone quân sự vào giữa năm 2024. Chúng sẽ bao gồm các máy bay không người lái mini có trọng lượng dưới 2 kg cũng như tàu giám sát lớn hơn với tầm hoạt động 150 km.
Để tăng tốc sản xuất, lần đầu tiên chính phủ mời các công ty tư nhân tham gia vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển của một chương trình vũ khí. Ít nhất 9 công ty tư nhân đã tham gia nỗ lực này.
Tập đoàn Thunder Tiger, nổi tiếng với việc chế tạo máy bay mô hình điều khiển bằng sóng vô tuyến cho mục đích giải trí và thương mại, là điển hình của loại công ty được chính phủ tuyển dụng. Những người tham gia có chuyên môn từ hàng không đến viễn thông đến sản xuất linh kiện điện tử cho các ứng dụng như định vị GPS.
Hawk Yang, người đứng đầu bộ phận R&D của Thunder Tiger, nói với Reuters rằng công ty của ông hiện đang phát triển UAV cho quân đội Đài Loan, trong đó có loại máy bay trực thăng giám sát trên biển hoặc đất liền với cánh quạt dài 4 mét có tầm hoạt động 400 km và có thể ở trên không trong tối đa 6 giờ liên tục.
Tập đoàn Thunder Tiger đã được các quan chức Bộ Quốc phòng lựa chọn vào năm ngoái để biến máy drone thương mại thành phương tiện quân sự.
“Một chiếc UAV nhỏ có thể làm nổ tung một chiếc xe tăng trị giá hàng chục triệu USD,” ông nói, đồng thời nhấn mạnh chiến tranh hiện đại đang thay đổi nhanh chóng như thế nào với sự gia tăng của vũ khí phi đối xứng — nghĩa là dùng những khí nhỏ, rẻ tiền có thể bù đắp cho các hệ thống lớn, đắt tiền.
“Đối với các thế hệ tương lai, drone sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong cả ứng dụng dân sự và quân sự,” văn phòng tổng thống cho biết, qua những gì chứng kiến ở chiến trường Ukraine. “Là một quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến, Đài Loan không thể vắng mặt.”
Nỗ lực của Đài Loan là một phần trong cạnh tranh quân sự, với một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ cùng các đồng minh. Các phương diện trong cuộc chạy đua này có công nghệ quân sự & dân sự, trí tuệ nhân tạo, vũ khí tự trị, công nghệ chip, siêu thanh, tính toán lượng tử, và chiến tranh mạng thông tin.
“Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan bằng lời nói và quân sự,” văn phòng của bà Thái Anh Văn tuyên bố. “Kẻ thù càng khiêu khích, chúng ta càng phải bình tĩnh. Chúng ta sẽ không cho bên kia bất kỳ lý do không phù hợp nào để gây ra xung đột”, và Đài Loan sẽ “có hành động cần thiết và mạnh mẽ” để bảo vệ không phận của mình.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khi được phỏng vấn rằng “các nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm ‘từ chối thống nhất bằng vũ lực’ và ‘tìm kiếm độc lập với người nước ngoài’ chắc chắn sẽ thất bại.”
“Quân đội Hoa Kỳ hiện có phi đội máy bay không người lái lớn nhất và tinh vi nhất thế giới, phần còn lại của thế giới chỉ mới bắt đầu bắt kịp,” Teal Group, một công ty nghiên cứu quốc phòng và hàng không vũ trụ đã kết luận như vậy trong một báo cáo 2022/2023.
Trong tình huống bị Trung Quốc Đại Lục tấn công, thì trong khi đợi lực lượng của Mỹ điều động từ bên ngoài tới, Đài Loan cần có năng lực phòng thủ bằng lực lượng tại chỗ trên đảo, ít nhất là trong giai đoạn đầu, theo các nhà phân tích quân sự mà Reuters phỏng vấn. Các máy bay không người lái giám sát và tấn công tầm xa của Mỹ và đồng minh có thể được triển khai từ các căn cứ ở Nhật Bản và Thái Bình Dương nếu Washington và các đồng minh quyết định can thiệp vào một cuộc xung đột.
Trung Quốc hiện nay cũng đầu tư vào phát triển vũ khí không người lái, theo Mỹ.
Tai Ming Cheung, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đại học California San Diego (UCSD), cho rằng Mỹ đang duy trì lợi thế về năng lực UAV, thì trong khi đó Trung Quốc đang rõ ràng trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt nhờ vào chính sách đầu tư công nghệ lưỡng dụng (dân dụng và quân dụng).
“Hệ sinh thái UAV ở Trung Quốc liên quan đến rất nhiều công ty trong lĩnh vực đó,” ông Cheung nói. “Vì vậy, nó có khả năng cạnh tranh cao và UAV là một trong những lĩnh vực mà họ xuất khẩu rất mạnh.”
Như chứng kiến trong chiến tranh Ukraine, cả hai bên đều phụ thuộc rất nhiều vào nhiều loại máy bay không người lái để do thám, giám sát, và tấn công các mục tiêu. Các cảnh quay từ UAV, đặc biệt là từ phía những người ủng hộ phe Ukraine, được thấy rất nhiều trên mạng xã hội. Trong đó các UAV thả bom hay lựu đạn vào xe tăng và chiến binh của đối phương. Một số trường hợp các cảnh quay từ các xuồng không người lái USV của Ukraine tấn công chiến hạm của Nga, v.v.
Trong bối cảnh đó, cả phe Âu Mỹ và Nga đều phát triển các phương án chống lại vũ khí không người lái, đặc biệt là gây nhiễu điện tử, súng và tên lửa chống máy bay không người lái điều khiển bằng radar.
Những biện pháp này đã dẫn đến tổn thất thiết bị nặng nề. Ukraine hiện mất khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, theo một báo cáo hồi tháng 5 về cuộc xung đột từ Viện Royal United Services, một cơ quan nghiên cứu quốc phòng có trụ sở tại London.
Theo các chuyên gia quân sự, một bài học cho các quân đội nước ngoài là cần phải đầu tư thêm vào loại UAV/USV rẻ tiền và có thể sản xuất theo lượng lớn. Một phương án nữa là dùng AI điều khiển các đám (swarm) các UAV.
Trung Quốc có lịch sử phát triển vũ khí không người lái từ lâu. Chương trình phát triển máy bay không người lái của PLA bắt đầu từ những năm 1960, khi Trung Quốc phát triển Chang Kong-1 (Vast Sky), một máy bay mục tiêu không người lái điều khiển bằng sóng vô tuyến phỏng theo các mẫu do Liên Xô cung cấp trước đó.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh “sự phát triển của các năng lực chiến đấu thông minh, không người lái.”
Ông Tập bắt đầu hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc PLA sau khi lên nắm quyền hơn một thập kỷ trước. Theo nhà phân tích Cheung của UCSD, hàng trăm chuyên gia công nghệ, bao gồm cả chuyên gia về AI, đã được tuyển dụng vào quân đội. Điều này đã dẫn đến những tiến bộ trong máy bay không người lái cũng như máy bay chiến đấu, tên lửa và vệ tinh.
Ông Cheung nói với Reuters: “[Chủ tịch] Tập Cận Bình rất ủng hộ những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi này, những người trẻ tuổi lấy công nghệ làm trung tâm.”
Ngày nay, Trung Quốc gần như đã thống lĩnh thị trường máy bay không người lái thương mại toàn cầu, chiếm khoảng 80% doanh số bán hàng, theo một số ước tính của ngành. Đây là một lợi thế quan trọng đối với PLA, lực lượng có thể dựa vào ngành công nghiệp máy bay không người lái thương mại rộng lớn này để được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thiết bị và các mẫu có sẵn.
“Ở một số khía cạnh, quân đội Trung Quốc đã tiến bộ nhanh hơn quân đội Mỹ trong việc áp dụng và thử nghiệm máy bay không người lái, đồng thời thực sự tận dụng các công nghệ và doanh nghiệp thương mại để khám phá nhiều loại thiết kế và khả năng,” Elsa Kania, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và là chuyên gia về công nghệ quân sự Trung Quốc, nói với Reuters.
Tuy nhiên, có rất ít thông tin công khai về đóng góp của máy bay không người lái hiện nay đối với các hoạt động của PLA. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bao giờ công bố số liệu về quy mô phi đội máy bay không người lái của nước này.
Trong một báo cáo năm 2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trích dẫn các ước tính rằng PLA sẽ sản xuất tới 40.000 máy bay không người lái vào cuối năm 2023. Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc năm ngoái cho biết PLA hiện đang triển khai các máy bay không người lái “tinh vi hơn bao giờ hết”.
Một trọng tâm của quân đội Trung Quốc là khả năng tung ra “bầy đàn (swarm) máy bay không người lái” – số lượng lớn máy bay không người lái được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo AI và hành động phối hợp lẫn nhau khi chúng tấn công mục tiêu. Trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép những bầy đàn này bay hoàn thành nhiệm vụ mà không cần con người điều khiển từng chiếc từng tác vụ.
6 tài liệu nghiên cứu gần đây của các tổ chức học thuật liên kết với PLA và các nhóm chuyên gia cố vấn đặc biệt về “bầy máy bay không người lái”. Hàng chục bài báo khác được Reuters xem xét đề cập đến các chủ đề chiến tranh bằng máy bay không người lái khác, từ việc sử dụng máy bay không người lái trong “chiến đấu trên đảo” đến việc triển khai máy bay không người lái từ tàu chiến.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…