Dân biểu tân cử Lauren Boebert (Đảng Cộng hòa, bang Colorado) hôm thứ Năm 24/12 (giờ Mỹ) đã đưa ra tuyên bố chính thức thay mặt cho khối cử tri của bà, nói rằng bà sẽ phản đối các kết quả Cử tri đoàn trong phiên họp hỗn hợp của Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021.
“Căn cứ vào Hiến pháp Hoa Kỳ và trách nhiệm của tôi đối với các cử tri, tôi sẽ phản đối các kết quả Cử tri đoàn vào ngày 6/1”, bà Boebert viết trên Twitter.
Sau khi tuyên bố trên Twitter, bà Boebert bị một số người chỉ trích rằng bà đang “khoa trương” để củng cố sự nghiệp chính trị cá nhân. Phản ứng lại chỉ trích này, Dân biểu Boebert cho hay: “Tôi không ở đây để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Tôi ở đây để cứu đất nước ta khỏi những người xã hội chủ nghĩa”.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, bà Boebert đã bày tỏ ủng hộ các nỗ lực pháp lý của Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử 2020.
“Đây là một cuộc bầu cử gây tranh cãi, và tôi tin rằng Tổng thống Trump nên chiến đấu bằng mọi thứ mà ông có và sử dụng mọi quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ để đảm bảo rằng chúng ta có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng ta cần phải điều tra những cáo buộc này; chúng ta cần phải nói về chúng một cách nghiêm túc”, bà Boebert nói.
Dân biểu tân cử bang Colorado cho biết thêm: “Tôi tin rằng Tổng thống Trump có mọi quyền pháp lý để làm như vậy, và tôi khuyến khích ông ấy làm như thế. Đất nước ta thực sự phụ thuộc vào điều này; nền dân chủ của ta phụ thuộc vào điều này; nền Cộng hòa của ta phụ thuộc vào cuộc bầu cử này, và không ai sẽ tin tưởng vào hệ thống bầu cử của chúng ta thêm nữa nếu chúng ta không sửa nó cho đúng trong thời gian này”.
Bà mẹ của 4 người con nói rằng tổng thống phải hành động vì hơn 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử này và bởi vì rất nhiều công dân Mỹ đã bước ra viết lời khai hữu thệ về gian lận bầu cử.
Tính đến hết ngày 24/12, nỗ lực thách thức kết quả Cử tri đoàn do Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (bang Alabama) khởi xướng và dẫn dắt đã thu hút được hơn chục dân biểu Cộng hòa khác cam kết tham gia.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có thượng nghị sĩ nào công khai lên tiếng cam kết sẽ thách thức các kết quả bầu cử tổng thống 2020. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul (bang Kentucky) và Thượng nghị sĩ Cộng hòa tân cử Tommy Tuberville (bang Alabama) là số ít các thượng nghị sĩ nói rằng họ có thể phản đối phiếu Cử tri đoàn trong cuộc họp lưỡng viện ngày 6/1.
Trước sự im lặng của các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump vào tối 24/12 (giờ Mỹ) đã viết trên Twitter: “Tôi đã cứu thua cho ít nhất 8 Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, trong đó có Mitch [McConnell], trong cuộc Bầu cử Gian lận (đối với Tổng thống) vừa qua. Bây giờ (hầu hết bọn họ) ngồi thư giãn và xem tôi chiến đấu chống lại kẻ thù gian xảo và xấu xa – Đảng Dân chủ Thiên tả Cực đoan. Tôi sẽ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!”
Theo luật định, những phản đối phiếu đại cử tri trong phiên họp quốc hội hỗn hợp cần phải được viết bằng văn bản và có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ ký tên. Nếu phản đối đáp ứng được các yêu cầu, thì phiên họp hỗn hợp sẽ tạm dừng và mỗi viện sẽ rút về họp riêng để thảo luận vấn đề này trong tối đa hai giờ. Hạ viện và Thượng viện sau đó sẽ bỏ phiếu riêng rẽ để chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu phản đối phiếu đại cử tri bằng hình thức đa số tối thiểu.
Nếu một viện chấp nhận và viện còn lại bác bỏ, thì theo luật liên bang “các phiếu bầu của các đại cử tri do cơ quan hành pháp tiểu bang xác nhận, vẫn còn niềm phong, sẽ được kiểm đếm”.
Như Ngọc
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…