France 24 phóng sự tại chỗ các mẹ và vợ của binh lính Ukraine công khai phản đối chế độ quân dịch của chính quyền Kiev. Trong video do truyền hình của Pháp vừa công bố nửa ngày trước này, có thể thấy cảnh họ giơ biểu ngữ, hô to các câu như “Binh lính không phải là nô lệ” tại tòa án, tại đường phố. Các trích đoạn cảnh sỹ quan quân dịch chộp người trên đường phố, cảnh soát nhà những quan chức làm giàu nhờ chiến tranh với tiền mặt bị phát hiện bày la liệt, v.v. cũng được France 24 đưa vào video này. Ukraine chìm trong chiến hỏa đã 11 năm kể từ nội chiến Donbass bùng phát, và video cho thấy chính quyền Kiev chỉ có chính sách nhập ngũ và không thực hiện lời hứa sẽ có giải ngũ.
Video của Pháp, một thành viên NATO ủng hộ mạnh mẽ chiến tranh Ukraine trong những năm qua, được đăng với tiêu đề “AWOL (đào ngũ): Tại sao binh lính rời khỏi đơn vị?” với nội dung chủ yếu là các cảnh quay và phỏng vấn trực tiếp của phóng viên tại chỗ, ở Ukraine.
Mở đầu video là đoạn phóng viên quay cảnh các phụ nữ Ukraine tại hành lang một tòa án.
Một phụ nữ Ukraine (A) đang cầm một biểu ngữ hỏi: “Này anh kia, cầm camera đó! Chẳng phải anh là nằm trong diện phải đi lính, đúng không?”
Phóng viên: “Tôi là người nước ngoài.”
Phụ nữ A: “Từ đâu?”
Phóng viên: “Từ London.”
Phụ nữ A: “London hả? Họ có chế độ bắt buộc đi lính ở Anh quốc không? Không có, đúng không? Nếu Anh quốc tham gia chiến tranh thì đàn ông các anh có phải đi chiến đấu không?”
Một phụ nữ khác (B) đang cầm một biểu ngữ khác: “Hãy nói cho tôi, rằng anh đã biết rằng theo tiêu chuẩn của NATO thì chiến binh không buộc phải phục vụ tại tiền tuyến nhiều hơn 6 tháng.”
France 24 miêu tả rằng, những người phụ nữa đó đã “phát chán” chế độ quân dịch của Kiev rồi, và họ muốn “đòi lại chồng của mình.”
Lúc này ống kính của video hướng tới một phụ nữ khác đang nói trong micro. Có thể thấy rằng đó là một nữ phóng viên của truyền hình quốc nội Ukraine, truyền hình 1+1.
Nữ phóng viên này tường thuật: “Chúng ta đang ở đây chứng kiến phiên tòa nghe điều trần của một quân nhân đã công khai rời bỏ hàng ngũ, và đây (phóng viên 1+1 chỉ tay tới các phụ nữ biểu tình) là những người mang biểu ngữ để biểu tình ủng hộ cho anh ta. Họ là những người vợ của các chiến binh…”
Tiếp đó là trích đoạn cảnh trong tòa án ấy, một chiến binh 25 tuổi đã rời bỏ đơn vị của mình. Không phải trốn đi một cách lén lút, mà đào ngũ một cách công khai.
France 24 đưa tin rằng, anh ta làm như vậy là để nói rằng Ukraine phải có sự “cải tổ” (reform) về chế độ quân dịch, đặc biệt là quyền được giải ngũ sau khi phục vụ quân dịch sau một thời gian nhất định.
“Sau 5 năm phục vụ bảo vệ Ukraine, tôi chấp nhận bị quản chế tự do của mình như thế này,” người chiến binh nói trước tòa với cương vị là bị cáo. “bởi vì Nga tấn công chúng ta. Hôm nay tôi bị đưa ra tòa dường như bản chất không phải bởi vì tôi đào ngũ, mà là bởi vì tôi có dũng khí nói thẳng ra rằng binh lính không phải nô lệ (soldiers are not slaves).”
Người chiến binh (bị cáo) cũng nói về tình hình thảm bại của chiến tranh hiện nay: “Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu như hôm nay với các bộ binh đã kiệt sức, thì rồi sẽ đến lúc các sỹ quan tuyển quân cũng phải bị buộc nhập ngũ, và cả các công tố viên cũng thế. Nhưng mà rồi cuối cùng thì quân Nga lại một lần nữa xuất hiện ở cổng thành phố Kiev.”
Cũng theo France 24 đưa tin, cuối cùng thì phiên tòa vẫn bác bỏ các luận điểm của người chiến binh (bị cáo) này.
Sang một cảnh quay khác, một cuộc biểu tình ở đường phố, cạnh tòa nhà Quốc hội.
France 24 đưa tin rằng chính quyền Kiev đã hứa hẹn khả năng giải ngũ ngay cả trong thời gian chiến tranh đang diễn ra. Tuy nhiên, như một người phụ nữ biểu tình ở đó, cô Alyona, nói rằng điều đó đã không hề diễn ra.
France 24 nói rằng nhóm biểu tình này đã thường trực biểu tình ở đó một thời gian lâu rồi, nhưng không nói rõ cụ thể là bao nhiêu ngày hay bao nhiêu tháng.
“Nếu muốn lời thỉnh nguyện được in ra đó đưa lên trên đồi (tức là nói về Quốc hội Ukraine) thì bạn có thể đưa lên đó mà,” một trong 2 người khoác lá cờ xanh vàng của Ukraine nói với người biểu tình.
“Chúng tôi đã đưa thỉnh nguyện này của mình cho họ từ lâu rồi. Và chúng tôi đang chờ họ thực hiện lời hứa hẹn của mình,” người biểu tình trả lời.
Theo France 24 thì tuy biểu tình kiểu này là được diễn ra, nhưng mà, không hề có dự luật nào được đưa ra thảo luận ở Quốc hội mà phù hợp với điều mà những người biểu tình thỉnh nguyện. Mà lý do là Quốc hội không có trách nhiệm phải cân nhắc thỉnh nguyện nếu thỉnh nguyện đó không đại biểu cho một số lượng dân chúng đủ đông.
“Họ nói rằng chúng tôi không đủ người,” cô Alyona, vợ một chiến binh, nói với phóng viên. “Rằng không thể để cho bất kỳ ai rời đi, sẽ không có giải ngũ.”
“Đây là một vòng tròn tà ác, bởi vì hôm nay không một ai muốn bị ép vào chuyến đi một chiều thế này.”
Sau đó là một cảnh quay khác: Những sỹ quan quân dịch hoạt động hàng ngày trên đường phố. Video cho thấy các sỹ quan quân dịch đi tới gặp những người đàn ông đang đi trên phố.
France 24 đã tiếp cận và phỏng vấn nhóm sỹ quan bắt lính này, và nhóm giải thích rằng kỳ thực họ không có quyền bắt người ngay trên đường phố như công chúng thường hiểu.
“Trong tình huống này,” Anatoliy, một sỹ quan quân dịch nói với phóng viên France 24 khi phóng viên quay cảnh một người đàn ông trên đường phố đã từ chối nói chuyện với sỹ quan quân dịch và người đàn ông đó là bỏ đi. “Thì lẽ ra sẽ hữu dụng hơn khi chúng tôi có đi kèm cảnh sát. Bởi vì họ là mới có quyền bắt người. Tiếc thay, chúng tôi không có được quyền đó.”
France 24 bình luận rằng, như những gì họ chứng kiến, hầu như tất cả đàn ông đi lại trên phố Ukraine đều có mang đủ giấy tờ để chứng minh họ không phải nhập ngũ.
Một cách phổ biến nhất để có giấy tờ đó, cũng theo France 24 là đút lót cho người có thẩm quyền để có được chứng nhận y tế. France 24 dẫn chứng kèm hình ảnh một ca mà tham nhũng 5 triệu đô la bị phát hiện, làm giàu nhờ bán chứng từ y tế để trốn lính.
Cảnh quay các sỹ quan bắt lính cư xử một cách lịch sự nói trên, và nói rằng họ không cưỡng bức bắt người, là do lúc đó phóng viên ngoại quốc đang quay phim thôi. Ngay tiếp đó, France 24 đã dẫn các trích đoạn chộp người trên đường phố tại Ukraine một cách bạo lực theo các video lưu hành trên mạng xã hội: chộp bắt ngay trên phố, lôi người từ trong xe của họ ra, v.v. Có cả các cảnh sỹ quan bắt lính đập vỡ kính xe ô tô của công dân Ukraine để bắt người.
Phóng viên France 24 tiếp đó quay cảnh sỹ quan quân dịch Anatoliy giải thích về việc làm của mình. Theo anh, thì công chúng nên ủng hộ những người như anh, vì chỉ có bằng cách này, thì mới có được quân lính phục vụ cho chiến tranh. “Không còn cách nào khác,” anh nói.
Tiếp đó lại quay về cảnh với Alyona, vợ của một chiến binh, người đã hăng hái tình nguyện nhập ngũ sau khi Nga tấn công Ukraine vào 3 năm trước. Tuy nhiên, hiển nhiên gia đình của anh đã cảm thấy hối hận vì quyết định năm đó. Trong cảnh quay này, cô Alyona không ở điểm biểu tình, mà là đã về nhà.
Cô Alyona nói rằng giờ đây 2 vợ chồng xa nhau cứ như là cách nhau bởi hai hành tinh. Còn con trai của họ nói rằng tựa như bố của mình đã bị “xóa đi (delete) khỏi tấm ảnh (gia đình).”
Tiếp đó là cảnh cô Alyona nói chuyện qua điện thoại với chồng của mình, hiện đang ở tiền tuyến. France 24 cho hay rằng các bí mật quân sự là không thể được tiết lộ, nhưng một chút trao đổi việc nhà qua điện thoại thì là vẫn được phép.
“Hôm nay chúng em đã đứng (biểu tình) rất lâu gần Quốc hội, em và các chị vợ khác. Nhưng mà, đảng cầm quyền, Đảng Người Đầy tớ của Nhân dân, đã không có một ai bước ra nói chuyện với chúng em,” cô Alyona nói với chồng qua điện thoại.
“Giá như có thế nói rõ rằng tại sao có hoặc tại sao không, rằng tại sao họ trì hoãn việc cải tổ,” tiếng người chồng trả lời qua điện thoại. “Nhưng mà lẽ ra họ phải nói chuyện (với người dân).”
“Đúng rồi,” cô Alyona nói với chồng. “Nhưng mà họ không làm vậy. Những người đàn ông tiếp tục bị đưa ra tiền tuyến, nhưng mà điều đó không làm tăng thêm sức mạnh cho quân đội một chút nào.”
France 24 dẫn nguồn Văn phòng Tổng Công tố Ukraine, cho hay 95.000 quân nhân Ukraine đã bị truy tố vì tội đào ngũ kể từ 2022. Đại đa số trong những người đó đang lẩn trốn bằng các cách khác nhau.
France 24 tiếp đó phỏng vấn một trường hợp đào ngũ này, làm mờ hình để không hiện rõ mặt. Người chiến binh đào ngũ này cho hay nhiệt tình tham gia quân đội đã biến mất rồi, tuy nhiên, anh vẫn sẽ đồng ý tái gia nhập quân đội với điều kiện là không bị đưa ra tiền tuyến.
“Hồi đó đã từng có bầu nhiệt huyết đoàn kết và yêu nước, và mọi người thật sự muốn chiến đấu,” người chiến sỹ đào ngũ nói. “nhưng mà, thời đó đã qua rồi, đồng thời sự hủ hóa (của chính quyền) đã làm cải biến suy nghĩ của nhân dân. Họ cảm thấy họ đã bị lừa đảo theo một cách nào đó.”
France 24 bình luận thêm rằng sự hủ hóa tham nhũng (corruption) của chính quyền Kiev, như được thấy qua quá nhiều những vụ án được xử công khai, đã không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động quân dịch cưỡng chế, mà còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực quân sự khác, như mua sắm trang thiết bị và quân nhu, cũng như xây dựng và đầu tư trong quân sự.
Đã có những ca truy tố quan chức cấp cao, thậm chí đã bắt người, nhưng mà cuối cùng không kết án. France 24 dẫn lời của một người đào ngũ nói rằng đó là “kẻ thù nội bộ” (internal enemies), “tham nhũng phải bị diệt, bất tài cũng phải bị trừ đi.”
Anh phản đối cáo buộc rằng anh ta vạch áo cho người xem lưng, và rằng đang làm xấu đi hình ảnh của Ukraine. Anh lập luận rằng Ukraine cần phải cải tổ, và như vậy mới là tốt nhất.
France 24 báo cáo rằng Kiev đã từng có cải tổ nhỏ về chế độ quân dịch. Đối phó với việc các chiến binh bất mãn vì chỉ huy của họ là những kẻ bất tài, và tình trạng căng thẳng kéo dài ở tiền tuyến, thì Kiev đã có cải tổ và tháng 11 năm ngoái, nới lỏng điều kiện một quân nhân muốn được điều chuyển sang đơn vị khác, và miễn mọi truy tố nếu người đào ngũ tự nguyên quay trở lại. Kết quả là 6.000 người đào ngũ đã quay trở lại trong 1 tháng, theo con số của Ukraine.
France 24 phỏng vấn một sỹ quan chỉ huy, người cho rằng cần có các biện pháp tâm lý để giải tỏa cho các chiến binh khi đối mặt với các khó khăn, và cần tổ chức tốt hơn nữa công tác chuẩn bị.
Ông mong rằng cuối cùng thì người Nga sẽ bị cạn kiệt quân lính trước, còn Ukraine sẽ là phe đứng vững cho đến cuối cùng và sẽ “kết thúc tất cả việc này.”
Theo miêu tả của France 24, hãng truyền hình Pháp, thì tuy mệt mỏi và chỉ trích chế độ quân dịch, nhưng Ukraine vẫn không muốn bị mất đất và bỏ cuộc, và vẫn muốn phương Tây tiếp tục hậu thuẫn cho cuộc chiến tranh này.
Nhật Tân
Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Hạ viện Texas, Hoa Kỳ…
Khổng Tử từng nói: “Ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta”.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành một loạt đợt cắt giảm…
Chuyện quỷ Satan nổi loạn trên Thiên đàng và thất bại trong cuộc chiến với…
Hoa Kỳ "hy vọng" bắt đầu vận chuyển di dân đến một cơ sở giam…
Một thẩm phán liên bang vào hôm thứ Sáu (31/1) đã tạm thời ngăn chặn…