Ngày 22/4/2018, học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan tổ chức một sự kiện tại Đài Bắc và mô phỏng lại việc ĐCSTQ mổ cướp và buôn bán nội tạng học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Trần Bách Châu / Epoch Times)
Ngày 10/5/2025, Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (gọi tắt là WOIPFG) đã công bố một báo cáo điều tra chấn động, tiết lộ mối liên hệ sâu xa giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với việc mở rộng ra quốc tế mô hình mổ cướp nội tạng, bị cáo buộc mang tính chống lại loài người. Báo cáo này phân tích chi tiết cách ĐCSTQ dựa vào hệ thống cấy ghép nội tạng vận hành theo hướng công nghiệp hóa để xuất khẩu kỹ thuật, đào tạo bác sĩ, xây dựng bệnh viện hợp tác tới các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường”, đồng thời sử dụng các mô hình khu vực nhằm che đậy tội ác thu hoạch nội tạng có hệ thống của mình.
Sau đây là phân tích toàn diện về vấn đề toàn cầu gây sốc này, dựa trên cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Uông Chí Viễn, người phụ trách Liên minh quốc tế điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nội dung báo cáo:
Kể từ năm 1999, khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại toàn diện Pháp Luân Công, số lượng ca cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc đã tăng vọt một cách bất thường, thời gian chờ đợi cực ngắn, và nguồn tạng vô cùng bí ẩn, hoàn toàn khác với hệ thống hiến tạng minh bạch quốc tế. Điều tra của WOIPFG chỉ ra rằng hiện tượng này trùng khớp với thời điểm diễn ra cuộc bức hại Pháp Luân Công, cho thấy sự tồn tại của một hệ thống cung ứng nội tạng khổng lồ từ những người bị thu hoạch sống.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Uông Chí Viễn, người phụ trách WOIPFG, chỉ ra rằng: “Chúng tôi nhận thấy ở các nước dọc theo Vành đai và Con đường đã xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường liên quan đến cấy ghép nội tạng. Do đó, mục đích của báo cáo này là làm rõ mối liên hệ sâu xa giữa hệ thống cấy ghép nội tạng vận hành theo hướng công nghiệp hóa của ĐCSTQ và sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc biệt là cách thức ĐCSTQ lợi dụng hình thức quốc tế hóa của Vành đai và Con đường để mở rộng mô hình mổ cướp nội tạng phản nhân loại ra toàn thế giới.”
Cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, tổng hợp từ các nguồn như điều tra qua điện thoại, báo cáo công khai, thông tin trên mạng và lời khai từ nạn nhân. Trọng điểm là các dự án hợp tác cấy ghép nội tạng trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, các mô hình cấy ghép khu vực, và những trường hợp nghi vấn buôn bán nội tạng điển hình, chẳng hạn như tại khu vực KK ở Myawaddy, Myanmar.
Từ năm 2016, ĐCSTQ từng bước đưa ngành cấy ghép nội tạng vào khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, thành lập Liên minh Hợp tác Phát triển Cấy ghép Nội tạng Quốc tế Vành đai và Con đường, làm bàn đạp xuất khẩu kỹ thuật ra nước ngoài. Tháng 12/2019, tại Hội nghị Quốc tế Hiến tạng Trung Quốc lần thứ 4 tổ chức ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đại diện từ 62 quốc gia đã ký kết “Đồng thuận Côn Minh về Hợp tác Cấy ghép và Hiến tạng Quốc tế trong khuôn khổ Vành đai và Con đường”, chính thức thành lập liên minh các quốc gia hợp tác trong lĩnh vực này.
Ông Uông Chí Viễn nhấn mạnh: “Việc đưa cấy ghép nội tạng vào trong khuôn khổ hợp tác Vành đai và Con đường thực chất là xuất khẩu mô hình mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ ra nước ngoài.” Ông cũng cho biết, khu vực KK ở Myawaddy được chính ĐCSTQ coi là “dự án trọng điểm trong sáng kiến Vành đai và Con đường”, nhưng lại dính líu đến hoạt động buôn bán nội tạng nghiêm trọng, phơi bày mặt tối của nền tảng này.
Báo cáo nêu rõ, thông qua các dự án Vành đai và Con đường, ĐCSTQ xuất khẩu công nghệ cấy ghép sang các quốc gia kém phát triển, tiếp tay cho các hành vi phạm pháp như buôn bán nội tạng. Ví dụ, khu vực KK tại Myawaddy, Myanmar, bị phanh phui là ổ buôn người và buôn bán nội tạng. Theo các kênh truyền thông Đài Loan và Đài Á Châu Tự Do, nạn nhân (bao gồm người Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia) bị bán ra vùng biển quốc tế để mổ sống lấy nội tạng, thi thể bị vứt xuống biển, còn nội tạng thì được bán ra thị trường quốc tế như Dubai.
Ông Uông Chí Viễn nói: “Khu vực KK ở Myawaddy là một dự án được chính quyền Trung Quốc xác định là dự án trọng điểm trong Vành đai và Con đường, điều đó chắc chắn có liên quan.”
ĐCSTQ đã thiết kế nhiều mô hình cấy ghép nội tạng mang tính khu vực, hình thành hệ thống phân công chuyên nghiệp nhằm che giấu bản chất mổ cướp nội tạng sống. Báo cáo phân tích 4 mô hình điển hình, trong đó:
Mô hình Côn Minh tận dụng lợi thế địa lý của tỉnh Vân Nam để xuất khẩu chuỗi ngành cấy ghép sang Đông Nam Á. Bệnh viện Nhân dân số 1 Côn Minh là trung tâm của mô hình này. Sau năm 2015, thời điểm ĐCSTQ tuyên bố chấm dứt sử dụng nội tạng tử tù, số ca ghép gan và thận tại đây vẫn tăng đột biến, thời gian chờ tạng chỉ từ 1 đến 3 tuần, thậm chí chỉ 1 ngày, ngắn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế.
Điều tra qua điện thoại của WOIPFG cho thấy, nhân viên y tế tại đây từng thừa nhận sử dụng nội tạng từ người tập Pháp Luân Công, và dữ liệu hiến tạng chính thức không đủ để giải thích số ca cấy ghép.
Ông Uông nói: “Mô hình Côn Minh là tận dụng vị trí địa lý để mở rộng sang Đông Nam Á, bệnh viện đã thừa nhận từng sử dụng nội tạng của người tập Pháp Luân Công.”
Ngoài ra, bệnh viện này còn ký kết hợp tác với các quốc gia như Lào, Pakistan, trở thành công cụ để xuất khẩu tội ác mổ cướp nội tạng sang Đông Nam Á. Văn kiện “Đồng thuận Côn Minh” đã cung cấp cho mô hình này một khung pháp lý “hợp pháp”, biến Côn Minh thành trung tâm cấy ghép nội tạng lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á.
Mô hình Tây An lấy Bệnh viện số Một trực thuộc Đại học Giao thông Tây An làm trung tâm, thiết lập một căn cứ trung ương về thu hoạch nội tạng sống ở khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc. Số lượng ca ghép tạng tại bệnh viện này tăng đột biến kể từ năm 1999, đến năm 2000 số ca ghép thận đã vượt mốc 1000 ca. Sau đó, Viện Nghiên cứu Cấy ghép Tạng được thành lập, hướng dẫn 23 bệnh viện tại 13 tỉnh, thành phố thực hiện hơn 10.000 ca ghép thận, hình thành mạng lưới thu hoạch nội tạng sống mang tính khu vực.
Tính đến năm 2023, bệnh viện này đã thực hiện 7000 ca ghép thận, trong đó 96,5% nguồn tạng là không rõ ràng. Ông Uông Chí Viễn chỉ ra rằng: “Bản chất của mô hình Tây An là xây dựng căn cứ trung tâm để thu thập nội tạng ở khu vực miền Trung và miền Tây, thông qua sự ủng hộ chính thức từ sáng kiến Vành đai và Con đường, mở rộng công nghệ thu hoạch nội tạng sống ra các khu vực miền Tây và cả quốc tế, lấy danh nghĩa trung tâm đào tạo khu vực để che giấu việc xây dựng một mạng lưới thu nhận nội tạng có hệ thống.”
Mô hình Quảng Châu tận dụng lợi thế địa lý, tập trung phục vụ bệnh nhân đến từ Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. Bệnh viện số Một trực thuộc Đại học Trung Sơn là điểm đến chủ yếu, thu hút số lượng lớn bệnh nhân Đài Loan. Báo cáo năm 2019 của Viện Giám sát Đài Loan cho thấy, bác sĩ Viên Tiểu Bằng của bệnh viện này đã thực hiện ghép thận cho 66 người Đài Loan chỉ trong vòng 3 năm, với tần suất phẫu thuật bất thường, ví dụ như thực hiện 5 ca ghép trong vòng 3 ngày, vượt xa khả năng của hệ thống hiến tạng thông thường.
Ông Uông Chí Viễn cho biết: “Mô hình Quảng Châu chuyên phục vụ bệnh nhân nước ngoài, đặc biệt là người Đài Loan, với tần suất phẫu thuật đi ngược lại quy luật hiến tạng bình thường.” Báo cáo còn đề cập rằng Bệnh viện Nam Phương (có bối cảnh liên quan đến quân đội) đã phục vụ bệnh nhân quốc tế bằng nội tạng sống từ những năm 1980, và đến nay vẫn là lựa chọn quan trọng của bệnh nhân nước ngoài. Thời gian chờ đợi nội tạng tại các bệnh viện này ngắn chỉ từ 1 đến 2 tuần, cho thấy có một nguồn cung nội tạng sống khổng lồ đứng sau.
Mô hình Hải Nam tận dụng chính sách cảng thương mại tự do để xây dựng một căn cứ ghép tạng mang tầm quốc tế. Bệnh viện số Hai trực thuộc Học viện Y khoa Hải Nam và Chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc 301 là các cơ sở trọng điểm. Các cuộc điều tra qua điện thoại cho thấy, tỷ lệ nguồn tạng tại Hải Nam cao hơn hẳn so với Đại Lục, thời gian chờ đợi chỉ bằng một nửa so với các nơi khác ở Trung Quốc.
Ông Uông Chí Viễn nhận định: “Mô hình Hải Nam là việc lợi dụng chính sách cảng tự do để xây dựng một căn cứ ghép tạng quốc tế, với sự tham gia của các bệnh viện quân đội.” Chủ nhiệm Ủy ban chuyên ngành cấy ghép tạng tỉnh Hải Nam, ông Vương Nghị, từng phát biểu rõ ràng rằng mục tiêu là biến Hải Nam thành trung tâm đào tạo bác sĩ từ các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường. Sự tham gia của bệnh viện quân đội cùng với ưu đãi chính sách đã biến Hải Nam thành trung tâm điều phối nội tạng khu vực, có khả năng thu thập nội tạng thông qua các kênh đặc biệt.
Từ năm 2003, Trung Quốc đã hình thành một “làn sóng du lịch cấy ghép nội tạng”, thu hút bệnh nhân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Đông Nam Á cũng như Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Bệnh viện Trung tâm Số Một Thiên Tân (Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Phương Đông) là đại diện tiêu biểu cho xu hướng này, khi số giường bệnh tăng từ hơn 100 lên 700 giường, số ca cấy ghép từ 24 ca năm 1999 tăng vọt lên hơn 800 ca vào năm 2004, tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên tới 131,1%.
Ông Uông Chí Viễn mô tả: “Bệnh viện Trung tâm Thiên Tân thậm chí còn thuê nguyên một tầng khách sạn làm phòng bệnh tạm thời cho bệnh nhân cấy ghép, vì nội tạng nhiều đến mức không dùng kịp.”
Tạp chí Sanlian Life Weekly năm 2004 đưa tin, hàng chục ngàn bệnh nhân nước ngoài đã tới Trung Quốc để cấy ghép, riêng Bệnh viện Trung tâm Số Một Thiên Tân đã tiếp nhận bệnh nhân đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lý do bệnh nhân lựa chọn Trung Quốc là do tốc độ tiếp cận nội tạng nhanh, thời gian chờ đợi chỉ từ 1–3 tuần, thấp hơn rất nhiều so với 2–3 năm tại các nước khác. Ông Uông Chí Viễn giải thích: “Điều này thật khó tin. Phía sau là một lượng lớn người bị giam giữ, được xét nghiệm sẵn các chỉ số, dữ liệu được lưu trữ trong máy tính. Khi có bệnh nhân tới, là có thể ghép ngay.”
Đài Loan là một trong những nguồn bệnh nhân chính. Giai đoạn 2015 – 2018, có 281 người Đài Loan sang Trung Quốc để cấy ghép, trong đó Bệnh viện số Một trực thuộc Đại học Trung Sơn tại Quảng Châu tiếp nhận 78 lượt. Tần suất phẫu thuật và mức độ tập trung ở một số bác sĩ nhất định cho thấy tồn tại những kênh tiếp cận đặc biệt. Quốc vương Sultan Ibrahim của Malaysia vào năm 2024 công khai cảm ơn ĐCSTQ vì đã “đặc cách” cho con trai ông được ghép gan tại Trung Quốc, điều này càng nhấn mạnh sự can dự của chính quyền.
Theo các phương tiện truyền thông Malaysia, Hoàng tử Tunku Abdul Jalil được chẩn đoán mắc ung thư gan vào năm 2014. Vào tháng 11 cùng năm, vị Hoàng tử này được gia đình hoàng gia tháp tùng đến Bệnh viện số Một trực thuộc Đại học Trung Sơn tại Quảng Châu, Trung Quốc, để thực hiện ca ghép gan thành công. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, Tunku Abdul Jalil đã qua đời do ung thư tái phát, hưởng dương 25 tuổi.
Tờ báo tiếng Trung có ảnh hưởng nhất của Malaysia, Sin Chew Daily, đã đưa tin trên trang web của mình rằng trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9/2024, Quốc vương Sultan Ibrahim đã bày tỏ lòng cảm ơn ĐCSTQ vì đã cung cấp sự đối xử đặc biệt cho cố Hoàng tử thứ ba của Tunku Abdul Jalil khi đến Trung Quốc để điều trị.
Điều gây sốc hơn nữa là việc các bệnh viện cấp huyện như Bệnh viện Nhân dân Thái Bình ở Đông Quản tỉnh Quảng Đông cũng thực hiện số lượng lớn ca ghép nội tạng quốc tế. Đến năm 2007, bệnh viện này đã hoàn thành hơn 3000 ca ghép thận, phục vụ bệnh nhân từ hơn 10 quốc gia và khu vực. Các bệnh viện này còn hợp tác với quân đội ĐCSTQ và các cơ sở tại Côn Minh, chia sẻ nguồn cung nội tạng, cho thấy ngành công nghiệp cấy ghép tại Trung Quốc có quy mô rộng lớn và biểu hiện bất thường.
Các báo cáo liên quan do WOIPFG công bố đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ngày 5/5/2025, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua “Dự Luật Bảo vệ Pháp Luân Công”, xác định rõ ĐCSTQ có liên quan đến việc thu hoạch nội tạng sống từ người tập Pháp Luân Công, đồng thời thông qua đạo luật cấm thu hoạch nội tạng. Đến nay, đã có 21 quốc gia trên thế giới ban hành luật lên án tội ác nội tạng của ĐCSTQ và cấm công dân nước mình sang Trung Quốc để du lịch cấy ghép nội tạng.
Ông Uông Chí Viễn chia sẻ: “Tôi tin rằng trong tương lai không xa, toàn thế giới sẽ tiến hành điều tra sâu về vấn đề này, nhanh chóng ngăn chặn và giải thể ĐCSTQ, một tổ chức tội phạm.” Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động tập thể, truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân và tổ chức liên quan, ngăn chặn âm mưu của ĐCSTQ muốn lan rộng tội ác này ra toàn cầu thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một “kẻ…
Gần đây, chính quyền Trung Quốc thừa nhận tỷ lệ dương tính với COVID-19 đang…
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (16/5) loan báo rằng Washington sẽ gửi thư…
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Geneva đã kết thúc, nhưng cuộc thảo…
“Có lúc, tôi chợt nhận ra: đồng hành cùng con là hành trình mà mỗi…
Hai bên Nga và Ukraine đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu…