Hạ viện Mỹ thông qua ‘Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công’, các chuyên gia nói gì
- Trí Đạt
- •
Các chuyên gia nhận định, việc Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua “Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công” (H.R.1540) thể hiện sự ủng hộ rõ ràng và có tính bước ngoặt từ các nghị sĩ lưỡng đảng đối với người tập Pháp Luân Công bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp. Dự luật này không chỉ khả thi về mặt thực thi mà còn mang tính răn đe đối với ĐCSTQ, góp phần thúc đẩy chấm dứt cuộc đàn áp kéo dài này.

Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua “Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công”, mang ý nghĩa to lớn
Ngày 19 /4/2025, Giáo sư Hứa Khải Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Cứu trợ Học viên Pháp Luân Công Bị Bức hại Tại Đài Loan, chia sẻ với tờ Epoch Times rằng việc Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua H.R.1540 là một hành động đáng hoan nghênh và có ý nghĩa to lớn và quan trọng.
Ông nói, ngay từ tên gọi của dự luật đã thể hiện một sự lựa chọn về giá trị. Vì chính quyền ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công suốt hơn 26 năm, nên việc Quốc hội Mỹ — đại diện cho cả hai đảng — cất lên tiếng nói chính nghĩa là sự ủng hộ đối với nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công, và điều đó thật đặc biệt.
Ông nói, trong phần tuyên bố chính sách của H.R.1540, có thể thấy rõ Hạ viện Mỹ đã tách bạch giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc. Mỹ tuyên bố không hợp tác với ĐCSTQ trong bất kỳ hình thức cấy ghép nội tạng nào. “Điều này cho thấy các nghị sĩ Mỹ hiện nay có nhận thức rất sâu sắc về tình hình quốc tế và về ĐCSTQ — điều này rất khác so với trước đây.”
Nhà sử học người Hoa tại Úc, ông Lý Nguyên Hoa, cho biết việc Hạ viện Mỹ thông qua toàn bộ dự luật H.R.1540 là rất quan trọng, đánh dấu việc thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu đã chú ý đến hành vi tàn bạo của ĐCSTQ trong việc mổ cướp nội tạng từ người tập Pháp Luân Công, đồng thời đang tiến hành các bước cụ thể về mặt lập pháp để ngăn chặn tội ác này. Ông cũng khẳng định rằng hành động này thể hiện lòng thiện lương và tinh thần công lý của thế giới tự do trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
Bác sĩ Hoàng Thiên Phong, Phó Chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội Quốc tế Quan tâm Cấy ghép Nội tạng tại Đài Loan, nhận định: “Việc Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua H.R.1540 có ý nghĩa biểu tượng rất lớn.” Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ dùng luật để trừng phạt những kẻ phạm tội mổ cướp nội tạng từ người tập Pháp Luân Công, đồng thời cũng cho thấy việc chống lại nạn mổ cướp nội tạng bằng lập pháp đã trở thành một xu thế và tiêu điểm toàn cầu.
Ông cho biết trước đây Canada, Anh cũng đã thông qua các đạo luật liên quan. Tại Đài Loan, các nghị sĩ từ cả hai đảng cũng đang xúc tiến việc thông qua “Dự luật Phòng chống và Trừng trị nạn mổ cướp nội tạng”.
“Chúng ta thấy rằng Mỹ đã đứng lên và chỉ đích danh hành vi mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, một hành vi tà ác chưa từng có trên thế giới. Dự luật này sẽ giúp thế giới ngày càng chú ý hơn đến tội ác này.”
Luật sư chuyên nghiệp tại Úc, ông Newton, cũng cho rằng việc Hạ viện Mỹ đồng thuận thông qua H.R.1540 không chỉ là một biểu tượng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về nhân quyền, mà còn thể hiện sự đoàn kết và can đảm của cả hai đảng. Đây là hy vọng không chỉ cho những người tập Pháp Luân Công, mà còn cho nhân dân Mỹ và toàn thế giới, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế cùng đối diện với các hành vi tàn ác của ĐCSTQ.
Các biện pháp cụ thể có tính khả thi
Ông Hứa Khải Hùng cho biết, xét về nội dung của dự luật, các biện pháp cụ thể hoàn toàn khả thi. Ông nói rằng “Tổ chức Quốc tế Điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG), được thành lập từ năm 2003, đã liên tục ghi chép lại thông tin về tất cả các cá nhân và đơn vị liên quan đến việc đàn áp Pháp Luân Công do chính quyền ĐCSTQ thực hiện. Ngoài ra, tổ chức này còn thu thập thông tin về các bệnh viện tham gia vào hoạt động mổ cướp nội tạng, bao gồm cả tên của các bác sĩ phụ trách hoặc từng trực tiếp tham gia.
Vì vậy, khi đã có trong tay dữ liệu về những người liên quan, Chính phủ Mỹ sẽ dễ dàng triển khai các biện pháp theo quy định trong đạo luật này (nếu được ký thành luật). Ông Hứa cho biết, chỉ cần xác định được các cá nhân vi phạm, việc xử phạt họ là hoàn toàn khả thi. Nguồn thông tin mà WOIPFG hoặc các nạn nhân Pháp Luân Công cung cấp cho phía Mỹ sẽ khiến chính quyền ĐCSTQ và những người tham gia đàn áp cảm thấy lo sợ.
Bác sĩ Hoàng Thiên Phong cũng nhấn mạnh rằng dự luật này không chỉ mang tính tuyên bố, mà có những biện pháp rất cụ thể như: trừng phạt kinh tế, đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các cá nhân liên quan. Đồng thời, luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đệ trình ít nhất một báo cáo hằng năm về hệ thống cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc, những điều khoản này đều mang tính hành động thực tiễn rõ ràng.
Dự luật có tác dụng răn đe đối với chính quyền ĐCSTQ
Nhà sử học Lý Nguyên Hoa hiện sống tại Úc cho biết, nội dung triển khai của dự luật đã rất rõ ràng, từ Tổng thống Mỹ, các cơ quan chính phủ cho đến Ngoại trưởng đều phải định kỳ cập nhật danh sách các cá nhân trong chính quyền ĐCSTQ có hành vi phạm tội, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thị thực theo lịch trình cụ thể. Các cơ quan chức năng của chính phủ phải thực hiện theo lệnh của Tổng thống. Do đó, dự luật này hoàn toàn khả thi trong thực tiễn và có sức răn đe trực tiếp đối với sự tà ác của ĐCSTQ.
Ông nói thêm, các quan chức ĐCSTQ hoặc con cái, người thân của họ, sau khi vơ vét được tài sản, đều mong muốn trốn ra nước ngoài, đặc biệt là đến các quốc gia tự do như Mỹ. Nếu những người này thấy hoặc nghe đến H.R.1540 và biết rằng nó được thực thi cụ thể, thậm chí có những đòn trừng phạt chính xác nhằm vào hành vi phạm tội, thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy bị răn đe mạnh mẽ, và hành vi tà ác của họ sẽ phần nào thu hẹp lại.
Ông Hứa Khải Hùng cho biết, nếu đạo luật được Thượng viện thông qua và Tổng thống Trump ký thành luật, nó sẽ lập tức có hiệu lực, giống như một biện pháp “đánh từ gốc”, do đó tạo ra sức răn đe rất lớn đối với ĐCSTQ. Những thông tin này chắc chắn sẽ lan truyền đến nội bộ Trung Quốc, và tất cả những người đang tham gia đàn áp hoặc thực hiện mổ cướp nội tạng đều sẽ biết đến dự luật này.
Ông nói thêm, đặc biệt là những quan chức cấp cao trong hệ thống ĐCSTQ, họ càng có xu hướng chuyển tài sản ra nước ngoài, giấu ở các xã hội phương Tây như châu Âu và Mỹ. Nhưng dự luật này cho thấy không chỉ Mỹ đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt, mà còn kêu gọi các đồng minh quốc tế cùng phối hợp hành động. Như vậy, những kẻ phạm tội trong hàng ngũ ĐCSTQ sẽ bị liệt vào “danh sách đen toàn cầu”, tạo ra sức ép rất lớn đối với họ.
Ông Hoàng Thiên Phong nhận định, trong thể chế của ĐCSTQ hiện nay, chuỗi nhân lực liên quan đến mổ cướp nội tạng là một ngành công nghiệp có lợi nhuận khổng lồ. Những biện pháp cụ thể trong Dự luật H.R.1540 của Mỹ sẽ tạo ra hiệu ứng răn đe mạnh đối với các quan chức ĐCSTQ liên quan. Điều này cũng cho thấy, nỗ lực của ĐCSTQ trong việc dùng các thủ đoạn xuyên quốc gia để che giấu tội ác chống lại loài người (như mổ cướp nội tạng) đã không còn hiệu quả.
“Thực tế hiện nay, người dân Trung Quốc, thông qua các thông tin lan truyền trên mạng, đã ngày càng nhận thức rõ hơn về tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Nhiều người lo sợ rằng con cái mình có thể bị bắt cóc trên đường phố và trở thành một mắt xích trong chuỗi buôn bán nội tạng. Một khi sự thật không còn có thể bị che đậy, tôi tin rằng ngày kết thúc tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ sẽ đến.”
Tạo hiệu ứng thị phạm cho các quốc gia khác
Ông Lý Nguyên Hoa cho biết, việc Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua Dự luật H.R.1540 thực sự có tác dụng làm gương cho các quốc gia khác trên thế giới. Những nước thuộc thế giới tự do, tôn trọng nhân quyền, chắc chắn sẽ noi theo Mỹ, đưa ra các chính sách, luật lệ hoặc quy định mang tính thực thi tương ứng. Khi điều đó xảy ra, ĐCSTQ sẽ không còn nơi nào để trốn tránh tội ác mà họ gây ra.
Dự luật quy định rõ chính sách của Mỹ là sẽ hợp tác với các đồng minh, phơi bày cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, đồng thời phối hợp với cộng đồng quốc tế để thực hiện các biện pháp chế tài và hạn chế thị thực nhắm vào tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ khi cần thiết.
Luật sư Newton nhận định rằng về tính khả thi và triển vọng hợp tác quốc tế, Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công “có tiềm năng to lớn trong việc thay đổi cục diện nhân quyền tại Trung Quốc và cả trên thế giới”.
Ông Newton nhấn mạnh thêm: “Dự luật này giống như một lưỡi dao — các lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức ĐCSTQ sẽ khiến người dân Trung Quốc phải suy ngẫm, đồng thời gieo mầm hy vọng cho việc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Tác động của nó sẽ ngày càng lan rộng.”
Bà Thịnh Tuyết: Từ lên án đạo đức đến truy cứu trách nhiệm bằng hành động
Nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Thịnh Tuyết khi trả lời phỏng vấn tờ Vision Times cho biết: “Đây là lần đầu tiên Mỹ ở cấp độ lập pháp chính thức yêu cầu trừng phạt tội ác mổ cướp nội tạng có hệ thống do nhà nước ĐCSTQ chủ đạo, đặc biệt tập trung vào tình cảnh của nhóm Pháp Luân Công. Dự luật này không chỉ thể hiện cam kết vững chắc của Mỹ đối với quyền con người cơ bản, mà còn báo hiệu cộng đồng quốc tế đã bước vào một giai đoạn mới trong việc truy cứu trách nhiệm đối với tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ.”
Bà nhấn mạnh, tầm quan trọng của dự luật này thể hiện ở hai phương diện:
Thứ nhất, hành vi đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với Đoàn Nghệ thuật Shen Yun và nhóm Pháp Luân Công ở hải ngoại đã thu hút sự quan tâm rộng rãi. Những năm gần đây, các buổi lưu diễn của Shen Yun liên tục bị ĐCSTQ quấy rối bằng các thủ đoạn ngoại giao, mặt trận thống nhất, tấn công mạng và đe dọa, thậm chí các đại sứ quán còn trực tiếp gây áp lực buộc nhà hát hủy diễn. Những hành động như vậy không chỉ là sự đàn áp văn hóa, mà còn là ví dụ điển hình cho việc ĐCSTQ xuất khẩu cơ chế đàn áp ra toàn cầu.
Thứ hai, một lượng lớn bằng chứng đã cho thấy những người tập Pháp Luân Công là mục tiêu chính trong hoạt động mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Các báo cáo điều tra từ tổ chức WOIPFG, lời khai của nhiều nhân chứng, cũng như tốc độ ghép tạng bất thường tại các bệnh viện Trung Quốc, đã hình thành chuỗi chứng cứ gián tiếp và trực tiếp mạnh mẽ, chứng minh tội ác chống lại loài người này không phải là hiện tượng cá biệt, mà là một tội ác mang tính hệ thống, công nghiệp hóa, do nhà nước tổ chức.
“Vào dịp kỷ niệm 26 năm phong trào Pháp Luân Công kiên trì phản bức hại một cách ôn hòa, việc dự luật này được thông qua đánh dấu một bước ngoặt khi Mỹ chuyển từ chỉ trích công khai sang hành động truy cứu trách nhiệm đối với các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, tạo thành hình mẫu cho các quốc gia khác xây dựng luật pháp trừng phạt tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Nó mang lại sự hỗ trợ về mặt pháp lý và đạo nghĩa cho người tập Pháp Luân Công kiên định với niềm tin vào ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ trong suốt 26 năm qua, và mang lại công lý tuy muộn màng nhưng đầy ý nghĩa cho vô số nạn nhân.”
Bà nói thêm với Vision Times, “Đây là sự công lý đến muộn dành cho hàng triệu nạn nhân vô tội, là lời khẳng định mạnh mẽ nhất đối với nhóm người kiên định niềm tin ‘Chân, Thiện, Nhẫn’, và là một ranh giới lịch sử mang tính thời đại.”
Ông Uông Chí Viễn: Hiệu ứng mẫu mực toàn cầu
Ông Uông Chí Viễn, người phụ trách (WOIPFG), khi trả lời phỏng vấn cho biết, việc thông qua dự luật lần này là “một đột phá rất quan trọng”, mang ý nghĩa cột mốc lịch sử.
Ông chỉ ra rằng dự luật đã đạt được tiến triển mang tính lịch sử ở ba phương diện: Thứ nhất, Quốc hội Mỹ đã xác nhận bằng hình thức pháp luật về thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bức hại Pháp Luân Công suốt 26 năm qua; Thứ hai, rõ ràng khẳng định tội ác chống lại loài người là việc ĐCSTQ cưỡng bức mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công; Cuối cùng, dự luật bao gồm các điều khoản trừng phạt cụ thể, có thể thực thi, gây đòn giáng mạnh lên ĐCSTQ.

Ông nhấn mạnh: “Việc thông qua dự luật lần này có hiệu ứng mẫu mực rất tốt đối với toàn cầu. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, toàn thế giới sẽ noi theo, đón nhận làn sóng phản đối ĐCSTQ và giải thể ĐCSTQ mạnh mẽ hơn. Hiện nay đã có hơn 20 quốc gia thông qua luật để lên án hành vi cưỡng bức mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, động thái của Mỹ lần này sẽ thúc đẩy thêm nhiều quốc gia hành động.”
Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt trong dự luật như cấm nhập cảnh, hủy thị thực và phạt tiền nặng đã có hiệu lực nhất định, nhưng so với tội ác diệt chủng do ĐCSTQ sử dụng sức mạnh quốc gia để thực hiện thì vẫn còn xa mới đủ. “Việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng bắt đầu từ cuối năm 1999, kéo dài suốt 26 năm, sử dụng toàn bộ tài lực và cơ cấu chức năng của quốc gia, phương thức tàn bạo vượt qua cả những ghi chép trong lịch sử nhân loại. Chỉ dựa vào phạt tiền hay giam giữ thì không đủ để trừng phạt, nhất định phải đưa tất cả tội phạm ra tòa án, triệt để tiêu diệt loại tội ác chống lại loài người này.”
Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng dự luật này có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng Pháp Luân Công và Đoàn Nghệ thuật Shen Yun tại Mỹ. Ông nói: “Một khi Thượng viện thông qua và được Tổng thống ký, dự luật sẽ trở thành luật. Nếu ĐCSTQ tiếp tục bức hại Pháp Luân Công trên lãnh thổ Mỹ, thì đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể khởi động quy trình pháp lý. Điều này sẽ là sự phản công mạnh mẽ đối với hành vi của ĐCSTQ khi lợi dụng quyền tự do ngôn luận và hệ thống tư pháp độc lập của Mỹ để tiến hành chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý.”
Ông tiếp tục phân tích, trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã leo thang các hành vi bức hại Pháp Luân Công ở nước ngoài, đặc biệt là các cuộc tấn công nhắm vào Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, thực chất có mục đích sâu xa hơn. “ĐCSTQ lợi dụng truyền thông và cơ quan tư pháp của Mỹ, thông qua các báo cáo bôi nhọ và đe dọa đánh bom v.v., cố tình đổ lỗi cho Mỹ, khiến dư luận bên ngoài hiểu lầm rằng chính Mỹ đang đàn áp Pháp Luân Công, từ đó làm tổn hại uy tín quốc tế và vị thế lãnh đạo của Mỹ. Việc thông qua dự luật này là lời đáp trả trực diện cho âm mưu đó, vạch trần thủ đoạn của ĐCSTQ, để mọi người nhận rõ rằng Chính phủ Mỹ đang bảo vệ Pháp Luân Công và ngăn chặn tội ác của ĐCSTQ.”
Ảnh hưởng toàn cầu và triển vọng tương lai
Cả bà Thịnh Tuyết và ông Uông Chí Viễn đều cho rằng việc thông qua “Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công” không chỉ là sự ủng hộ dành cho người tập Pháp Luân Công, mà còn là một nguồn động viên to lớn đối với những người bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Bà Thịnh Tuyết phát biểu: “Đây là một cột mốc mang tính thời đại, mang lại công lý cho hàng triệu nạn nhân.” Còn ông Uông Chí Viễn dự đoán: “Dự luật sẽ thúc đẩy cộng đồng quốc tế chú ý rộng rãi hơn đến bức màn đen phía sau hoạt động cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, thời điểm giải quyết triệt để tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ sẽ không còn xa.”
Hiện dự luật đã bước vào giai đoạn xem xét tại Thượng viện Mỹ, cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ tiến triển của nó. Là công cụ pháp lý để đối phó với tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, dự luật này đã thắp lên hy vọng mới nhằm chấm dứt cuộc bức hại kéo dài suốt 26 năm, đồng thời thiết lập một chuẩn mực mới cho sự nghiệp nhân quyền toàn cầu.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng Thu hoạch nội tạng sống
