‘Viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona mới (COVID-19) không ngừng lây lan tại Trung Quốc và các nước trên thế giới. Gần đây, quân đội mạng Trung Quốc bị nghi ngờ để chuyển dời sự chú ý, đã ồ ạt làm ra các tin tức giả để nhiễu loạn Đài Loan. Ngày 29/2, Cục hình sự Đài Loan đã nhận được 18 trường hợp thông tin giả về tình hình dịch bệnh. Cùng ngày, cảnh sát Cục Hình sự Đài Loan đã xác nhận, trong đó có 13 tin giả được người dùng internet ở Trung Quốc Đại Lục phát hành, cố ý làm nhiễu loạn tinh thần của người dân Đài Loan.
Theo Thông tấn xã Trung ương và Thời báo Tự do, vào ngày 1/3, Cục Hình sự Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp báo về các trường hợp “cố ý phổ biến công văn giả và thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh trên Facebook”. Tại cuộc họp, căn cứ vào cuộc điều tra, Đại đội trưởng Đại đội Số 7, ông Hoàng Thủy Nguyện cho biết vào ngày 29/2 đã nhận được tổng cộng 18 trường hợp thông tin sai lệch về tình hình dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ và lập tức điều tra.
Qua điều tra, cảnh sát Đài Loan đã phát hiện ra trong 18 trường hợp kể trên, 13 trường hợp là do người dùng internet ở Trung Quốc Đại Lục thực hiện, mà 12 trường hợp là cố tình phát tán độc hại.
Đối với năm trường hợp còn lại, một trường hợp liên quan đến một phụ nữ 30 tuổi họ Trần tại Cao Hùng, người có dấu hiệu liên quan đến nhóm làm việc trên internet. Sau khi điều tra ra đây là tin tức giả, cảnh sát Đài Loan sẽ căn cứ theo Luật Phòng chống và Điều trị Bệnh Truyền nhiễm để tiến hành xử lý.
Một trường hợp sử dụng tên “Phó tổng thống đắc cử ”Lại Thanh Đức”” (Lai Ching-te) thiết lập một kênh Youtube và phát hành video vào ngày 28/2, đồng thời thêm một bức ảnh cá nhân của ông Lại Thanh Đức để đánh lừa dư luận. Vào lúc 6 giờ tối ngày 29/2, ông Lại Thanh Đức đã đăng một thông báo trên Facebook với nội dung “Đây không phải là kênh Youtube của Lại Thanh Đức, tôi đã gửi tố cáo lên Bộ Tư pháp, xin hãy chú ý!”, và kêu gọi mọi người cảnh giác, tránh bị lừa gạt.
Sau khi Cục Hình sự Đài Loan nhận được thông báo từ chính quyền cấp cao, công tố viên đã tiến hành điều tra. Sau khi nghiên cứu và phán đoán sơ bộ, khả năng do người dùng internet ở Trung Quốc Đại Lục tạo ra là rất cao. Google sẽ hỗ trợ điều tra IP của người giả mạo, và theo dõi để tiến đến làm rõ thêm danh tính của những người liên quan đến vụ án.
Đối với 3 trong số 18 trường hợp, không có sự phổ biến hay hành vi bất hợp pháp nào được tìm thấy sau khi điều tra.
Đối với việc ác ý tung tin giả mạo của những người dùng internet Đại Lục, người dùng Facebook “Trương Gia Tứ” và “Yu-chieh Tsai”…, bị nghi có dính líu đến việc sử dụng danh tính của Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan để báo cáo các tài liệu sai lệch như “Chủ tịch Lý chết vì viêm phổi Vũ Hán”… “Yu-chieh Tsai” thậm chí còn tuyên bố rằng anh trai mình là thư ký của Cục An ninh Quốc gia.
Cục Hình sự Đài Loan đã tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện ra rằng “Trương Gia Tứ” đã đóng tài khoản của mình. Cảnh sát đã sử dụng Facebook “Trương Gia Tứ” để truy vấn hệ thống ảnh chứng minh nhân dân Đài Loan và không tìm thấy hình ảnh nào khớp với đặc điểm của đối tượng. Hình đại diện Facebook là một người mặc quân phục, trên ngực có đeo cờ 5 sao của Trung Quốc Đại Lục. Các công văn giả được đưa ra so sánh, phát hiện không dùng thuật ngữ chuyên môn giống với các tài liệu chính thức của Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, cho thấy rằng người Trung Quốc đang có ý định ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan và gây hoang mang dư luận.
Ngoài ra, bạn bè trên Facebook của “Yu-chieh Tsai” chủ yếu đến từ các tài khoản Trung Quốc Đại Lục hoặc Hồng Kông, tên của họ chủ yếu bằng tiếng Anh. Các bài đăng chủ yếu bôi xấu Tổng thống Thái Văn Anh, từ ngữ dùng xen lẫn với các từ giản thể. Sau khi nghiên cứu và phán đoán hai nguồn tin này, kết luận đều là người dùng internet Đại Lục đã lập tài khoản giả để giả tạo thông tin sai lệch nhằm cố gắng làm rối loạn tinh thần của người dân Đài Loan.
Nick Facebook “Tuyết thổi phương Đông” đã phát tán tài liệu giả mạo công văn của Bộ Y tế – Phúc lợi, nội dung cho biết tính đến ngày 16/2, “Lô mẫu đầu tiên được gửi đến các bệnh viện ở thành phố Đài Nam là 6.354 trường hợp, dương tính 1.843 trường hợp”, trên tài liệu có ghi “Công văn khẩn cấp” và “Tuyệt đối cơ mật”, cùng với chữ ký của Bộ trưởng Trần Thời Trung. Tuy nhiên, theo xác nhận của Cục Y tế Đài Nam, đây là một tài liệu giả mạo, kêu gọi công chúng không được chia sẻ để tránh vi phạm pháp luật.
Cục Hình sự Đài Loan cũng công bố các trường hợp giả mạo bao gồm: “Rất nhiều người Đài Loan nằm trên đường sau khi bị nhiễm virus ‘viêm phổi Vũ Hán’, Chính phủ trực tiếp cho xe chở người đến những nơi không rõ địa điểm”, “Truyền thông Đài Loan báo cáo tại Vũ Hán xuất hiện người ăn thịt người dẫn đến truyền nhiễm virus”, “Người chết vì ‘viêm phổi Vũ Hán’ cần phải chôn cất có xu hướng tăng lên rất nhiều”, “Đài Trung và Bình Đông hiện giờ đang là địa ngục trần gian, không biết bao nhiêu người đã nhiễm bệnh” và rất nhiều thông tin giả mạo khác nữa, với ý đồ khuấy động trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh tại Đài Loan. Sau khi kiểm tra, hầu hết các bài đăng được tạo bởi các tài khoản giả và một số tài khoản thậm chí đã bị đóng để tránh bị truy xét.
Ngoài ra, các bài đăng nói trên có nhiều ký tự giản thể, có thể xác nhận rằng người đăng bài là người từ Trung Quốc Đại Lục, cố ý gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan và niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ Đài Loan.
Cục Hình sự Đài Loan cũng nhắc nhở rằng Tổng thống Thái Văn Anh đã công bố thực hiện “Các quy định đặc biệt để phòng ngừa và điều trị viêm phổi truyền nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” vào ngày 25/2. Những hành vi đăng tải tài liệu sai lệch hoặc phổ biến thông tin sai lệch trên Internet đã vi phạm Điều 14 của Quy định “Vi phạm truyền bá thông tin dịch bệnh sai lệch”, có thể bị phạt tù dưới 3 năm và phạt tiền lên tới 300.000 Đài tệ. Nếu nhận được một thông tin dịch bệnh không rõ nguồn đăng hoặc thông tin chưa qua xác minh, trước tiên công chúng nên kiểm tra xem nội dung đó có phải là thật hay không, đồng thời không chia sẻ lại nội dung đó một cách tùy tiện, để tránh vi phạm pháp luật.
Vào ngày 1/3, Cục Điều tra Đài Loan đã ra thông cáo báo chí về việc gần đây xuất hiện một lượng lớn thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ trong cộng đồng trực tuyến. Hình dạng, quy mô và tỷ lệ lan truyền đã tăng lên đáng kể, các phương pháp cũng biến hóa đa dạng. Tuy nhiên, người dùng internet Đại Lục cũng phát hiện rằng Đài Loan đã sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm vào thông tin sai lệch do phía bên kia tạo ra để thanh lọc và cảnh cáo, nếu tiếp tục sử dụng cách thức ban đầu để tạo ra tin tức giả thì hiệu ứng lừa đảo sẽ không còn tác dụng nữa.
Hiện tại, Cục Điều tra Đài Loan đã thu được thông tin tình báo. Người dùng internet ở Đại lục đã lên kế hoạch thực hiện chiến thuật “bôi bùn” chống lại các thông báo chính thức của Chính phủ Đài Loan. Các phương pháp đó bao gồm chế tạo các tin tức “giả thanh lọc”, cũng chính là nhằm vào tin tức thông báo chính thức của cơ quan đối ngoại của Chính phủ Đài Loan tiến hành “giả thanh lọc“. Bằng cách đó, thông báo chính thức sẽ bị nhầm lẫn với tin tức giả được tạo bởi người dùng internet Đại Lục.
Phương pháp “bôi bùn” cũng bao gồm việc cố tình tạo ra các lỗ hổng, nghĩa là chụp ảnh màn hình thông báo chính thức của Chính phủ Đài Loan, thay đổi một số ký tự phồn thể thành các ký tự giản thể, sau đó thông qua tài khoản giả bôi nhọ tin nhắn thật như thể nó được tạo ở phía bên kia. Bằng cách này cũng có thể đạt được kết quả là thông báo chính thức bị ngộ nhận thành các tin tức giả do người dùng Internet Đại Lục tạo ra.
Về vấn đề này, các quan chức Đài Loan giải thích rằng trong quá khứ, hầu hết các chiến thuật thông tin sai lệch được người dùng internet Đại Lục áp dụng là tạo ra các tin tức hoàn toàn bịa đặt. Chiến thuật “bôi bùn” là trực tiếp lấy từ thông báo chính thức của Đài Loan để “giả thanh lọc” hoặc tạo ra sơ hở để đánh lừa dư luận.
Do đó, Cục Điều tra Đài Loan đặc biệt nhắc nhở công chúng rằng khi xác định thông tin mạng, bất kỳ biện pháp chính sách và thông tin phòng chống dịch bệnh nào đều phải lấy từ thông báo của cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm. Nếu nguồn tin không rõ ràng và không thể xác minh, hãy dừng việc chia sẻ tin tức. Công chúng cũng có thể kiểm tra tính chính xác của thông tin trên trang web của cơ quan Chính phủ Đài Loan.
Mộc Lan
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…