Pháp và Hà Lan đang tìm kiếm một hướng tiếp cận chung của Liên minh châu Âu về việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 ở Trung Quốc, nhưng việc này khó có thể sớm đạt được, theo các nhà ngoại giao và Ngoại trưởng EU cho biết hôm thứ Hai (13/12).
EU hiện đang bị giằng xé về việc liệu có nên tham gia cùng với Hoa Kỳ, Canada, Australia và Anh trong việc quyết định không cử các quan chức chính phủ của họ tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc hay không, Reuters đưa tin.
“Các bạn cũng như tôi, biết rằng chúng ta sẽ không thể tìm ra được giải pháp liên quan đến Thế vận hội Olympic trong hôm nay hoặc trong tuần này”, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho biết trước cuộc thảo luận giữa các Ngoại trưởng EU.
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tranh luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm của họ vào thứ Năm tới. Paris và The Hague đã chính thức đưa việc tranh luận này vào chương trình nghị sự, các nhà ngoại giao cho biết.
Các nhà ngoại giao EU nói rằng Hungary, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối, sẽ không ủng hộ việc tẩy chay ngoại giao, nhưng có thể có sự đồng thuận giữa 26 thành viên còn lại.
Lithuania, quốc gia đang bị Trung Quốc phong tỏa hàng hóa vì mối quan hệ với Đài Loan, là một trong những nước ủng hộ quan điểm tẩy chay mạnh mẽ nhất.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuần trước cho biết Paris nên có lập trường chung với các nước khác của EU, và người đồng cấp mới của Đức, bà Annalena Baerbock, đã ủng hộ quan điểm này.
Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói rằng ông “rất ủng hộ lập trường chung của EU”, nhưng chưa có bất cứ động thái tẩy chay ngoại giao nào.
Ông nói: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ rằng việc để Thế vận hội Olympic trở thành một sự kiện chính trị một cách giả tạo có thể mang lại lợi ích gì.”
Sự do dự này phản ánh tình cảnh của EU trong việc tìm kiếm một con đường trung gian trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung. Khối đang bị chia rẽ nội bộ đối với tình cảm chống Trung Quốc, khi một số nước như Hungary được hưởng lợi lớn từ Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU và nhiều doanh nghiệp lớn của Đức không muốn thấy các khoản đầu tư gặp rủi ro.
Nhật Minh
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…