TT Pháp Macron: Tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh là ‘vô nghĩa và tượng trưng’
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Sáu (10/12) đã xác nhận nước này sẽ không tham gia cùng các quốc gia phương Tây khác trong chiến dịch tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
“Tôi không nghĩ chúng ta nên chính trị hóa những chủ đề này, đặc biệt nếu lại là phải thực hiện những biện pháp vô nghĩa và chỉ mang tính tượng trưng”, Just the News dẫn lời ông Macron nói hôm thứ Sáu (10/12).
“Rõ ràng thế này: Quý vị hoặc là tẩy chay hoàn toàn và không cử vận động viện tham dự, hoặc quý vị phải cố gắng thay đổi mọi thứ bằng những hành động khả dụng”, ông Macron nói thêm.
Trước đó, trong Nội các của Tổng thống Macron cũng đã có bất đồng quan điểm về tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh Bắc 2022.
Hôm thứ Năm (9/12), Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết nước này sẽ không đi theo một số chính phủ phương Tây khác trong việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng Hai năm tới, nhưng sẽ tiếp tục lên án bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Paris nên có lập trường chung với các nước Liên minh châu Âu (EU) khác để tẩy chay ngoại giao sự kiện này.
“Thể thao là một thế giới riêng biệt và cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp chính trị. Nếu không, mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và nó có thể giết chết tất cả các môn thi đấu”, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Le Drian đã tổ chức một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tại Paris hôm thứ Năm, phát biểu ý kiến ngay sau đó, cho rằng một cuộc tẩy chay ngoại giao vẫn có thể xảy ra.
Ông Baerbock cũng cho biết châu Âu cần tìm ra phản ứng chung về vấn đề tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Trước đó, Mỹ, Anh, Canada, Úc và Litva đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh trong bối cảnh có những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vận động viên đại diện cho 5 quốc gia này vẫn sẽ tới Trung Quốc tham dự Thế vận hội.
New Zealand trong tuần này cũng cho biết họ sẽ không gửi bất kỳ đại diện ngoại giao nào tới Bắc Kinh, nhưng không mô tả đây là một cuộc tẩy chay, thay vào đó viện lý do lo ngại về COVID-19.
Tại Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết các quốc gia tẩy chay Thế vận hội sẽ phải trả giá cho “những hành động sai lầm” của họ.
Tổng thống Pháp Macron hôm 10/12 cũng xác nhận rõ rằng Paris sẽ sát cánh cùng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trong nỗ lực bảo vệ các vận động viện. Tuyên bố này dường như ám chỉ đến sự kiện ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái gần đây đã tố cáo bị cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ quấy rối tình dục.
Pháp sẽ là chủ nhà của Thế vận hội Mùa hè năm 2024, dự kiến diễn ra tại Paris.
Lê Vy có đóng góp cho tin bày này
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Emmanuel Macron Dòng sự kiện Quan hệ Trung Quốc - Pháp Olympic Bắc Kinh 2022 tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh