Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (22/4) bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cân nhắc lại việc tạm ngừng tài trợ ngân sách cho tổ chức này và khẳng định trọng tâm của ông là chấm dứt đại dịch COVID-19 và cứu mạng người.
“Dịch bệnh tại hầu hết các nước vẫn đang là ở giai đoạn đầu và một số nước bị ảnh hưởng sớm trong đại dịch này đang bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm tái bùng phát”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo qua mạng tại Geneva.
“Xin đừng nhầm lẫn, chúng ta còn một chặng đường dài phải đi. Loại virus này sẽ còn ở với chúng ta lâu dài”, ông nói, nhấn mạnh rằng dịch bệnh ở Tây Âu dường như đang đi vào ổn định chứ không phải là giảm bớt đi.
Tuần trước Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án kịch liệt sự thất bại của WHO trong đại dịch và tuyên bố cắt trợ cấp trị giá hàng trăm triệu USD/năm cho WHO. Ông Trump cũng đặt câu hỏi về sự thân thiết và tin tưởng quá mức mà WHO dành cho Trung Quốc, một điều có thể khiến địch bệnh vượt tầm kiểm soát.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ tin chắc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không báo cáo tin tức về dịch bệnh kịp thời cho WHO.
“Tôi hy vọng việc đóng băng các khoản tài trợ sẽ được cân nhắc lại và Hoa Kỳ sẽ lại một lần nữa ủng hộ các công tác của WHO và tiếp tục cứu mạng người”, ông Tedros nói. “Tôi hy vọng Mỹ tin rằng đây là một khoản đầu tư quan trọng, nó không chỉ giúp đỡ người khác mà giúp nước Mỹ an toàn hơn”.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO. Các quan chức tại Washington tiết lộ chính quyền Trump sẽ tiếp tục giữ lại khoản tài trợ cho tổ chức này trong khoảng thời gian từ 60 đến 90 ngày nữa. Một nhóm các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng thúc giục ông Trump cứ ngừng trợ cấp cho đến khi nào ông Tedros từ chức.
Khi được hỏi rằng ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không, Tedros nói: “Tôi sẽ tiếp tục làm việc không kể ngày đêm bởi vì đây là một công việc thiêng liêng. Trên thực tế, nó là trách nhiệm cứu sống mạng người, và tôi sẽ tiếp tục tập trung vào điều đó”.
Ông Tedros thúc giục các nước tiếp tục đầu tư vào khâu chuẩn bị đối phó dịch bệnh, nói rằng chỉ 76% quốc gia có hệ thống phát hiện các ca nhiễm.
“Vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của thế giới và không một nước riêng lẻ nào có đủ mọi sự chuẩn bị”, Tedros nói.
Ông này cũng phản bác lại các chỉ trích rằng WHO đã không đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu kịp thời.
“Nhìn lại tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đúng thời điểm và khi thế giới đã có đủ thời gian để phản ứng”, ông Tedros nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 20/4, ông Tedros khẳng định “WHO luôn cởi mở và không hề có bí mật gì cả”.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc ứng phó khẩn cấp của WHO, nói rằng việc Mỹ ngừng trợ cấp sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động cốt lõi của WHO như tiêm chủng cho trẻ em, xóa bỏ bệnh bại liệt và “các dịch vụ y tế và xử lý chấn thương ở những nơi mà người dân dễ bị tổn thương nhất thế giới”.
Trong buổi họp báo hôm thứ Tư tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố các gói trợ cấp mới của Mỹ tới nhiều nước cụ thể, nâng tổng số tiền tài trợ các nước chống virus lên tới trên 700 triệu USD. Các quan chức khác của Mỹ nói rằng khoản trợ cấp bị cắt cho WHO cũng sẽ được dùng cho cùng mục đích như WHO đã nêu, chỉ đơn giản là sẽ được phân bổ trực tiếp mà không qua trung gian.
Đức Trí
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…