Thế Giới

Giáo sư Mearsheimer bàn về khả năng xung đột Mỹ-Trung

Đụng độ Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi, theo giáo sư Mearsheimer, tuy nhiên, giống như bất kỳ đụng độ nào giữa các cường quốc hạt nhân, hai phe đều sẽ không muốn tiến hành đối đầu bằng hạt nhân, mà là lựa chọn giao tranh ở một nơi khác. Theo ông, trong tương lai có thể sẽ là Hoa Nam (Philippines) hoặc Đài Loan, hoặc địa điểm nào khác. Tựa như giao tranh Mỹ-Nga là diễn ra tại Ukraine vậy. Trong một phỏng vấn vào tháng trước, giáo sư Mearsheimer đã có hơn 45 phút chia sẻ nhận định của mình chủ yếu về vấn đề Mỹ-Trung, đặt trong bối cảnh liên quan tới các diễn biến ở Châu Âu, Trung Đông, Đông Á, và Nam Á.

Giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago (ảnh cắt từ video)

Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Đại học Mỹ Chicago, John Mearsheimer, đã trả lời phỏng vấn với kênh The China Academy / Wave Media, và video cuộc phỏng vấn đã được kênh đăng tải vào tháng trước.

Thời điểm Trung Quốc chuẩn bị gia nhập WTO năm 2001 với sự tán đồng của Mỹ, nếu người ta nghe giáo sư Mearsheimer cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không phát triển thành một thế lực ôn hòa với Mỹ, trái lại, Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng đối đầu nguy hiểm đối với Mỹ, thế thì có thể có ai đó thậm chí phá ra cười vì cảm thấy vô lý quá.

Liên Xô tan rã năm 1991, hệ thống cộng sản sụp đổ tan tành thành năm bè bảy mảng, để lại các quốc gia không chỉ nghèo nàn rách nát, xã hội tham nhũng rối ren, mà còn yếu nhược về vị thế trên trường quốc tế ở mọi phương diện. Trung Quốc bấy giờ còn chưa có năng lực vũ trang như hiện nay, nhất là về lĩnh vực hạt nhân là thua xa Mỹ, cho nên làm sao có thể trở thành lực lượng đối đầu khiến Mỹ phải lo lắng?

Thế nhưng mà, điều ông Mearsheimer dự đoán gần 1/4 thế kỷ trước ấy về Trung Quốc nay đã trở thành sự thật.

Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành cường quốc đứng thứ 2 trên thế giới về kinh tế, và lĩnh vực vũ khí hạt nhân cũng đang tăng cường rất nhanh trong 30 qua, trở thành cường quốc thứ 3 về vũ khí hạt nhân, và tiếp tục có xu thế tăng nhanh.

Trung Quốc và tiếp đó là Nga quật khởi, phá vỡ trạng thái ‘thế giới đơn cực’ nơi Mỹ là siêu cường duy nhất, để chuyển thành ‘thế giới đa cực’. Khi lợi ích vô song có được nhờ vị thế siêu cường thống trị độc tôn dần dần mất đi, hiển nhiên, sẽ dẫn tới việc Mỹ tìm mọi cách để duy trì vị thế của mình. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga tìm mọi cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

“Nếu vị trí của tôi là ở Bắc Kinh thì tôi muốn Trung Quốc là thống trị vùng Đông Á, tôi muốn làm bá chủ khu vực. Nó giống hệt như tôi, một người Mỹ, cảm thấy rất tốt khi Mỹ làm bá chủ thế giới phương Tây,” giáo sư John Mearsheimer giải thích tại sao đụng độ cường quốc là không thể tránh khỏi khi trả lời phỏng vấn tháng 9/2024. “Người Trung Quốc muốn có khả năng quân đội của họ tiến lui ngang dọc toàn cầu, cũng là giống hệt với người Mỹ đang tung hoành trên trái Đất này vậy. Tại sao? Bởi vì đó là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi về kinh tế và chính trị của mình.”

Một đụng độ khi chia lại thế cuộc là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Người Hoa xưa có câu “binh chinh thiên hạ” dường như cũng là nói về cái lý này.

Đầu đạn hạt nhân của các nước trên thế giới, 2024. Trong số 12.100 đầu, chỉ có 9.600 đầu dùng trong quân sự; còn lại là trong kho chờ tháo bỏ. Một số con số trong hình chỉ là phỏng đoán, vì quốc gia đó không công bố con số chính xác. Thông tin này là trích từ báo cáo tháng 7/2024 của Arms Control Association.

Nếu Mỹ là số 1, Trung là số 2, và Nga là số 3, theo giáo sư người Mỹ nhìn nhận, thế thì sẽ tựa như thế Tam Quốc kinh điển của lịch sử, lời giải tốt nhất cho Mỹ là nên hòa Nga đấu Trung. Đây là luận điểm mà ông Mearsheimer đã nói đến từ rất lâu rồi.

Trong phỏng vấn với The China Academy / Wave Media, giáo sư Mearsheimer nhắc lại điều ông nói từ lâu rằng Mỹ không nên thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO.

Kỳ thực, chính sự kiện này đã làm John Mearsheimer trở nên đột nhiên nổi tiếng trong cộng đồng mạng Internet sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

Tháng 2/2022, khi cả thế giới, nơi hầu hết mọi người không quá quan tâm chính trị và thậm chí không biết Ukraine nằm ở chỗ nào trên bản đồ, ngỡ ngàng sửng sốt nghe truyền thông phương Tây ồ ạt đồng loạt đưa tin quân Nga xâm lược Ukraine, khai mở chiến tranh lớn nhất ở Châu Âu kể từ Đại Thế chiến II, thì cư dân mạng đột nhiên phát hiện ra một bài giảng chính trị quốc tế khô khan của một giáo sư đại học Chicago được đăng trên mạng Internet từ 2015, tức là tận 7 năm trước đó, mang tiêu đề “Tại sao Ukraine là sai lầm của phương Tây?” mà trong đó nói rằng chiến tranh Ukraine nhất định sẽ xảy ra.

  • Video bài giảng chính trị ở trường đại học buồn tẻ và dài loằng ngoằng dễ gây ngủ đối với đại đa số cư dân mạng được đăng từ năm 2015, đột nhiên đạt được 29 triệu view, sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra 2/2022, chỉ vì nó tiên đoán được trước về cuộc chiến tranh này trước tận 7 năm, và một cách tự nhiên, nó giải thích tại sao cuộc chiến tranh ấy phải xảy ra khi mà NATO mở rộng về phía Đông; chính bài giảng này đánh dấu khởi điểm việc giáo sư Mearsheimer bắt đầu trở nên nổi tiếng ra ngoài giới học giả môn khoa học chính trị quốc tế:

Kỳ thực, giáo sư Mearsheimer đã nói về vấn đề Ukraine từ lâu trước bài giảng đó.

Ví dụ, ngay thời điểm Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ sở hữu (1994), trả chúng lại cho Nga, trước sức ép của cả Nga và Mỹ, đổi lấy lời hứa hẹn an ninh sẽ không bị uy hiếp cùng một số viện trợ kinh tế, ông Mearsheimer đã nói rằng Ukraine tuyện đối không nên làm như vậy.

Sau khi tách ra thành quốc gia độc lập vào 1991, với khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân, 173 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (IBMC), 44 máy bay ném bom chiến lược, theo con số của ACA, Ukraine là cường quốc thứ 3 trên thế giới về vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó.

Trên thực tế, những năm hậu cộng sản ở Ukraine, nền kinh tế bất ổn với mỗi từng đời tổng thống mà người sau bị dân chúng chỉ trích nhiều hơn người trước, thì chính người Ukraine cũng thừa nhận rằng họ không có khả duy trì bảo dưỡng đống vũ khí nguy hiểm đó, bởi vì một số khâu công nghệ liên đới là họ không kế thừa được từ Liên Xô. Mà thực tế cho thấy, thậm chí cả một số ngành công nghiệp mà Ukraine đã kế thừa được từ Liên Xô thì qua thời gian cũng mai một đi rồi. Vào thời điểm khi chiến tranh 2022 khai nổ, thế giới biết đến Ukraine chủ yếu là như một cường quốc nông nghiệp với khách hàng là các nước ở thế giới thứ ba như ở Châu Phi.

Dù quan điểm của ông Mearsheimer là thế nào về việc Mỹ nên hòa Nga đấu Trung, thì chiến tranh Ukraine đã xảy ra. Trong rất nhiều bài phát biểu của mình, ông đã chỉ trích gay gắt rằng quyết định kích đấu với Nga là sự ngu ngốc (foolish) và kiêu căng (arrogant) của chính phủ Mỹ.

Tại sao? Tại vì, theo ông Mearsheimer, Nga vốn không phải rất hòa thuận với Trung Quốc và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia thân thiện nhất với phương Tây trong toàn lịch sử nước này suốt từ thời Liên Xô cho tới nay, nhưng chiến tranh Ukraine đã đẩy Nga vào vị thế nhất định coi Mỹ là thù địch số 1, đồng thời triệt để đẩy Nga về phe Trung Quốc.

Nga cường hạng về vũ khí hạt nhân và tài nguyên tự nhiên, Trung Quốc cường hạng về số dân và kinh tế với lao động rẻ tiền, cho nên, theo giáo sư, đây là Mỹ đã tự đặt bản thân vào vị trí bất lợi một cách không cần thiết.

Trong bối cảnh thế giới như vậy, kênh truyền thông The China Academy / Wave Media đã phỏng vấn giáo sư, và trong cuộc vấn này, giáo sư Mearsheimer đã vài lần bình luận rằng Trung Quốc coi chiến tranh Ukraine và chiến tranh Trung Đông đang diễn ra là món quà tặng quý giá mà phương Tây biếu không cho Bắc Kinh.

Như thấy trong 45 phút video, giáo sư John Mearsheimer, người được giới thiệu như người phát triển thuyết “hiện thực tấn công”, đã trình bày các nội dung được xoay quanh chủ đề chính về xung đột Mỹ-Trung, với sự liên hệ tới các diễn biến ở các vùng trên thế giới hôm nay.

Vấn đề Đài Loan

Giáo sư Mearsheimer phân tích, rằng từ phía Mỹ, Mỹ đã thể hiện rất rõ lập trường, và chắc chắn sẽ đảm bảo rằng Đài Loan không thể bị Trung Quốc Đại Lục sáp nhập, đảm bảo Đài Loan là một đồng minh của Mỹ, và là một chính thể độc lập với Bắc Kinh.

Đài Loan là một quân cờ có tính chiến lược của Mỹ trong ván đấu với Trung Quốc, cho nên Mỹ nhất định sẽ không chịu từ bỏ.

Nhưng theo ông, từ phía Bắc Kinh, xuất phát từ cả nguyên nhân đối ngoại mang tính chiến lược, và cả nguyên nhân đối nội do cổ xúy tinh thần dân tộc Trung Hoa, thì muốn đưa Đài Loan sáp nhập Trung Quốc.

Như vậy, vấn đề chủ quyền Đài Loan là điểm xung đột mang tính đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tiếp đó, Trung Quốc và Đài Loan về tự nhiên đã có các tranh chấp vùng biển Hoa Nam và Hoa Đông, mà trong vấn đề này, Mỹ muốn giữ nguyên hiện trạng, còn Trung Quốc, như một cường quốc mới lên, muốn thay đổi hiện trạng.

Như vậy, một số hoạt động của Mỹ thời gian qua ở vùng biển khu vực ấy không phải là xuất phát từ lý do Mỹ muốn gây hấn trước.

Nó là do một nguyên nhân khác.

Mỹ đang đối mặt một vấn đề mà họ buộc phải có biểu đạt thái độ bằng hành động. Đó là Trung Quốc đang trở thành lực lượng ngày càng mạnh ở Đông Á, cả về kinh tế và quân sự.

Giáo sư ví các uy hiếp một cách tự nhiên và các uy hiếp cố ý bằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc đang giống như “thắt cổ họng” Đài Loan. Mỹ phải tỏ rõ lập trường là Mỹ sẽ bảo đảm Đài Loan, không để Đài Loan trở thành lệ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ không muốn Trung Quốc dùng bất kỳ cách nào để can thiệp Đài Loan, kể cả các cách gián tiếp buộc Đài Loan phải nhượng bộ một cách dần dần. Giáo sư khẳng định rằng Mỹ là rất quyết tâm về việc này.

Tuy nhiên, việc Mỹ bày tỏ thái độ, đến lượt nó, đã chọc giận chính quyền Bắc Kinh, và Bắc Kinh coi đó là Mỹ đang cố tình gây hấn.

Theo phỏng đoán của giáo sư, lần xô xát này sẽ không dẫn tới căng thẳng như sự kiện 2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kéo cả đoàn tới thăm chính thức Đài Loan ngày 2/8. Vụ Pelosi đã dẫn tới việc Trung Quốc tổ chức tập trận từ ngày 4/8 đến ngày 7/8 giễu võ giương oai chung quanh đảo Đài Loan, cùng với rất nhiều căng thẳng về ngoại giao.

Theo giáo sư, những xô xát lần này sẽ được giải quyết bằng các đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc chứ không phát triển thành một cuộc xung đột. Hai phe Mỹ-Trung dù sao đều không muốn leo thang thành xung đột quân sự, cho nên sẽ bằng cách này hay cách khác đạt được thỏa thuận nào đó.

Giáo sư nói rằng, ông tin tưởng sẽ không xảy ra xung đột ở Đài Loan trong thời gian gần, trừ phi có điều gì đó bất ngờ xảy ra, kiểu như chính phủ Đài Loan tuyên bố độc lập, nhưng mà, Mỹ cũng sẽ không để cho Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập hay điều gì đó bất ngờ tương tự xảy ra.

Trung Quốc chưa muốn chiến tranh

Giáo sư Mearsheimer cho rằng từ góc nhìn của Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng chưa sẵn sàng để tổ chức một xung đột nào đó lớn. Bởi vì kể từ sau chiến tranh biên giới Trung-Việt (1979) cho đến nay, Trung Quốc không hề tham dự một cuộc chiến tranh nào như thế nữa.

Nói cách khác, Trung Quốc tuy đông quân và lắm vũ khí, nhưng mà thiếu khuyết nghiêm trọng kinh nghiệm giao chiến. Do đó Bắc Kinh không muốn tham gia giao tranh lớn trên chiến trường.

Do đó, nếu thật sự xảy ra chiến tranh Đài Loan, thì Trung Quốc không có lợi. Trong khi đó Mỹ lại quyết tâm bảo vệ Đài Loan, không cho phép Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Bắc Kinh biết điều này. Họ biết rằng nếu cho quân đổ bộ lên Đài Loan, thì họ sẽ không chỉ gặp quân Đài Loan, mà sẽ còn gặp quân đội khác của phe Mỹ, có thể là từ Nhật, hay thậm chí từ Úc.

Một điểm bất lợi nữa cho Trung Quốc là bộ máy truyền thông và tuyên truyền khủng khiếp của Mỹ. Miêu tả về sức mạnh truyền thông của phương Tây, giáo sư nói:

“Vấn đề đạt được ủng hộ về chính trị, theo tôi, không là chuyện đáng kể nào cả. Giới tinh hoa Mỹ muốn sao làm vậy. Họ thật sự không cần quan tâm tới dư luận công chúng. Mà nếu họ cảm thấy có vấn đề xuất hiện ở phương diện dư luận công chúng, thì các tuyên truyền của họ, biên tạo ra các chuyện để thuyết phục công chúng Mỹ hãy ủng hộ chiến tranh Đài Loan. Và sẽ không có vấn đề gì. Tôi cho rằng dù khi đó là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền, thì sẽ không khác nhau.” — Giáo sư John Mearsheimer

Cho nên, ông cho rằng Trung Quốc sẽ không tiến hành chiến tranh Đài Loan trong thời gian ngắn sắp tới.

Kết quả bầu cử Mỹ có ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Trung?

Giáo sư John Mearsheimer cho rằng sẽ không ảnh hưởng, vì Deep State (Nhà nước Ngầm của Mỹ) sẽ không cho điều đó diễn ra.

Ông nhắc lại rằng khi Donald Trump đắc cử 2016, ông đã có một loạt các tuyên bố về chính sách đối ngoại. Ví dụ, như là sẽ thân thiện hơn với Nga, quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng trên thực tế những điều đó đã không xảy ra.

Theo ông, nguyện ý đó của ông Trump đi ngược lại chủ trương của Deep State. Nhìn chung, khi đắc cử 2016, Tổng thống Trump đã thách thức Deep State nhiều điều khác nữa, nhưng theo giáo sư Mearsheimer, thì ông Trump đã thua.

Ông tin rằng dù có tái đắc cử, thì ông Trump cũng sẽ vẫn thua như lần trước thôi. Rất nhiều tuyên bố của ông Trump trong giai đoạn vận động tranh cử đang diễn ra, là sẽ không thể thực hiện được hết sau khi đắc cử, theo giáo sư Mearsheimer.

Ngay cả điều mà ông Trump tuyên bố rất nhiều lần, suốt từ tận năm ngoái, rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong 24 giờ kể từ khi đắc cử, không cần đợi vào Nhà Trắng, thì giáo sư cho rằng tính khả thi của tuyên bố này vẫn là rất đáng ngờ.

Còn về quan hệ Mỹ-Trung, thì ông Trump không nói rằng ông đắc cử thì sẽ thay đổi chính sách chung. Cho nên theo giáo sư thì nếu ông Trump đắc cử, thì ông ấy sẽ theo đuổi chủ trương mà ông ấy từng làm trong nhiệm kỳ 2016-2020 trong vấn đề Trung Quốc.

Năm 2018, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã chấm dứt chính sách của chính quyền Obama đối với Trung Quốc, và thay vào đó là chính sách kiềm chế bằng kinh tế đối với Trung Quốc. Giáo sư cho rằng ông Trump nếu đắc cử thì sẽ tiếp tục chủ trương này về vấn đề Trung Quốc và Đông Á.

Trong bài phỏng vấn này, giáo sư không nói nhiều về tình huống nếu Kamala Harris đắc cử. Theo nhận định chung thì nếu bà Harris đắc cử, thì sẽ không xảy ra sự thay đổi về chủ trương trong ngoại giao của chính phủ Mỹ. Đã có rất nhiều sự kiện cho thấy bà sẽ tiếp tục những gì mà đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm. Trong một bài phỏng vấn khác, giáo sư Mearsheimer đã nói nhóm ông Biden và bà Harris là làm theo Deep State.

Vấn đề Philippines

Theo giáo sư, Mỹ đã lựa chọn Philippines trong vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Nam. Ông nói, “tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong một tương lai gần, tàu của Mỹ sẽ đi kèm tàu của Philippines trên biển Hoa Nam.”

Trung Quốc hiển nhiên không hài lòng về việc này.

Theo nhận định của giáo sư Mearsheimer, nhìn vào những gì diễn ra trong các xô xát giữa Trung Quốc và Philippines, thì xung đột Mỹ-Trung có khả năng khởi phát ở Philippines nhiều hơn một chút so với ở Đài Loan.

Vấn đề Ấn Độ

Về quan hệ Mỹ-Trung liên đới tới Ấn Độ, giáo sư cho rằng có thể nói tới 3 điểm: Tình hình Đông Á, biên giới Trung-Ấn, và Ấn Độ dương.

Về tình hình Đông Á, giáo sư tin rằng bản thân Ấn Độ không có chủ trương tham dự vào, do đó, cũng sẽ không có đụng độ gì với Trung Quốc. Như các vấn đề ở Đông Nam Á, ở biển Hoa Nam, biển Hoa Đông, vấn đề Đài Loan, vấn đề Triều Tiên, v.v. thì Ấn Độ tỏ ra không có hứng thú tham dự vào.

Về vấn đề biên giới Trung-Ấn, giáo sư đánh giá rằng đây là mâu thuẫn lớn rất khó điều giải giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng mà Mỹ lựa chọn không can thiệp vào việc này, coi đó là vấn đề riêng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Về vấn đề Ấn Độ dương, giáo sư tin rằng đây mới là điểm mà Mỹ và Trung Quốc sẽ có đụng chạm. Mỹ và Ấn Độ đã hợp tác phát triển hải quân ở khu vực này. Nhưng mà Trung Quốc, trong quá trình phát triển của mình cũng muốn nhúng tay vào khu vực này.

Sự phát triển của Trung Quốc, theo giáo sư, là tương tự với Mỹ. Trung Quốc muốn trở thành bá chủ khu vực. Ảnh hưởng của Trung Quốc trong quá trình nó trở nên hùng mạnh, là không dừng lại ở Đông Á. Trung quốc muốn quân đội của họ tung hoành khắp thế giới tương tự như Mỹ đang làm.

Ngoài ra, Trung Quốc có quan tâm đặc biệt tới Trung Đông, Vùng Vịnh Ba Tư, vì ở đó có lượng lớn dầu mỏ mà Trung Quốc cũng cần. Một tuyến nối Trung Quốc tới Vùng Vịnh chính là đi qua Ấn Độ dương.

Trung Quốc phát triển hải quân theo hướng này đã khiến cả Ấn Độ và Mỹ không hài lòng. Cho nên, theo giáo sư, Mỹ và Ấn Độ sẽ có hợp tác sâu sắc về quân sự ở Ấn Độ dương.

Vấn đề Trung Đông

Theo giáo sư Mearsheimer, Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt trong chủ trương về Trung Đông, Vùng Vịnh Ba Tư.

Nhìn chung, Mỹ đã đặt chân vững vàng ở Trung Đông từ lâu trước Trung Quốc, còn Trung Quốc có thể được tạm hiểu là phe đến sau.

Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã giao đấu rất lâu với nhau ở khu vực này. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, và tiếp đó là sau Chiến tranh Vùng Vịnh, thì Mỹ đã có được vị thế vững vàng của mình ở Trung Đông.

Nói về Mỹ và Trung Đông, không thể không nói tới Israel, một đồng minh chiến lược của Mỹ.

Theo giáo sư, Israel đã vượt quá vai trò một đồng minh chiến lược của Mỹ. Israel đã là nhân tố đang làm thay đổi tận đến cả nền tảng chủ trương của Mỹ về toàn bộ khu vực Trung Đông.

Trong một số phân tích khác, giáo sư Mearsheimer có nói rằng, nếu nói một cách chính xác, thì không phải là bản thân chính quyền Israel làm biến đổi chủ trương của Mỹ, mà là nhóm vận động chính trị (lobby) tại Mỹ mà ủng hộ Israel đang làm việc đó.

Giáo sư lập luận rằng, hiện tượng quan hệ của Mỹ trở nên không tốt với các nước chung quanh Israel, đó không phải bởi vì nguyên ý của Mỹ muốn thế, mà là bởi vì Israel nảy sinh mâu thuẫn với các quốc gia chung quanh, khiến Mỹ bị lôi theo trong quá trình kiên trì ủng hộ Israel.

Đặc biệt là quan hệ giữa Mỹ và Iran, hiện nay rất tệ và trong tương lai sẽ không có dấu hiệu cải thiện, theo ông Mearsheimer, chính là vì quan hệ đối đầu giữa Israel-Iran, chứ không phải chỉ đơn thuần là do bản thân quan hệ Mỹ-Iran. Theo ông, Israel luôn luôn tìm cách để đảm bảo chắc chắn rằng quan hệ Mỹ-Iran là quan hệ đối đầu gay gắt. Ông miêu tả đó là quan hệ Mỹ-Iran đã “bị Israel đầu độc.”

Thông thường Mỹ không triển khai quan hệ khó chịu đồng thời với nhiều quốc gia trong một khu vực cùng một lúc. Tuy nhiên, hiện nay các quan hệ của Mỹ đối với Ả-rập Xê-út, với Thổ Nhĩ Kỳ, và với Ai-Cập cũng đang trở nên xấu đi, chính là vì Mỹ đang ủng hộ Israel.

Những gì mà Israel làm ở Gaza trong 1 năm qua, kể từ 7/10/2023 cho đến nay, đang bị các cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền xếp vào tội ác “diệt chủng”, và giáo sư Mearsheimer trong các phỏng vấn khác cũng tán đồng cách nhìn này.

Trong phỏng vấn này, trong bối cảnh bàn về quan hệ Mỹ-Trung, trong bối cảnh Trung Quốc ở vai trò là người đến sau ở Trung Đông, thì giáo sư Mearsheimer bình luận rằng chiến tranh đang diễn ra ở Trung Đông chính là một món quà mà Mỹ tặng không cho Trung Quốc.

Theo các báo cáo của truyền thông, hiện nay Mỹ đang duy trì 40.000 quân tại các cơ sở quân sự ở Trung Đông, 2 hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng đang ở đó. Theo giáo sư Mearsheimer thì lẽ ra Mỹ có thể điều chuyển một phần trong số đó sang để gây uy hiếp đối với Trung Quốc ở các khu vực như Đài Loan. Tuy nhiên, chính vì Israel và các cuộc chiến tranh mà Israel phát động kể từ 7/10/2023 cho đến nay, mà Mỹ đã không thể làm như vậy.

Ông nói rằng vấn đề Trung Đông là một vấn đề chiến lược và quan trọng của chính quyền Bắc Kinh, chính là vì dầu mỏ. Trung Quốc đang đẩy mạnh các quan hệ của họ vào Trung Đông.

Chúng ta chứng kiến Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ của họ với Iran và các nước ở Vùng Vịnh, và theo giáo sư, hiển nhiên Trung Quốc đang tận dụng cơ hội quan hệ của Mỹ đang trở nên ngày càng xấu tệ đi ở đây.

Quan hệ Mỹ-Israel được ông nói trong nhiều dịp, và cả trong lần phỏng vấn này, là quan hệ độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Nhóm vận động (lobby) ủng hộ Israel ở Mỹ là một lực lượng rất mạnh, và cách làm của họ là đúng theo luật Mỹ, hợp pháp. Theo giáo sư Mearsheimer thì do điều đó mà Mỹ hiện đang cung cấp một cách vô điều kiện tất cả những hỗ trợ mà Israel cần, cả về quân sự, tài chính, và ngoại giao.

Trong các dịp khác, giáo sư Mearsheimer đã chỉ ra rằng trong các đời tổng thống Mỹ, đã từng xuất hiện các mong muốn chủ trương đi ngược lại yêu cầu của Israel, nhưng mà, trong tất cả các lần giao đấu đó, tổng thống Mỹ đều thua, bởi vì lực lượng vận động chính trị ủng hộ Israel quá mạnh.

Giáo sư Mearsheimer nói rằng đây là vấn đề có từ lâu ở Mỹ, và ông cho rằng trước mắt không có lời giải cho vấn đề này. Theo ông, trong một vài trường hợp cụ thể, vận động ủng hộ Israel không chỉ có hại cho chính quyền Mỹ, mà còn có hại cho chính người dân đang sống ở Israel.

Ông cũng nói rằng vấn đề này sẽ không vì đảng nào nắm quyền, dù là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, mà trở nên có kết quả khác nhau, mặc dù về bề mặt, các ứng viên Donald Trump và Kamala Harris có các biểu hiện trên lời nói là khác nhau.

Cho nên, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, cũng có thể nói là Mỹ đang thua ở mảng này mà không làm gì được để cải thiện tình huống đó. Đây là điều mà truyền thông phương Tây không đưa tin.

Ông gọi đó là sự “ngu ngốc” trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Vấn đề Nga và chiến tranh Ukraine ở Châu Âu

Theo giáo sư Mearsheimer, từ năm 1994, thời tổng thống Bill Clinton, NATO đã thực hành “chính sách mở cửa” (open door policy) mà trong đó các quốc gia, nếu muốn, có thể đăng ký gia nhập khối liên minh quân sự này.

Lật lại lịch sử, có thể thấy sự mở rộng của NATO. Đợt mở rộng thứ nhất là vào quãng 1982 cho tới thập kỷ 1990, gồm Tây Âu như Ban Nha, rồi đến Cộng hòa Xéc, Hungary, Ba Lan (1999). Đợt tiếp là quãng 2004, với Estonia, Latvia, Lítva, Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia.

Thời điểm đáng chú ý là 2008, NATO ngỏ ý đưa Ukraine và Georgia (Gruzia) nhập hội. Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận điều đó xảy ra. Theo nhìn nhận của ông Mearsheimer, thì việc Ukraine và Georgia gia nhập NATO đã được Nga xác định là uy hiếp an ninh một cách nghiêm trọng đến Nga.

Đây là điểm mâu thuẫn giữa hai bên, theo phân tích của giáo sư.

Một bên này, NATO kiên trì rằng “chính sách mở cửa” thực hành lâu nay của mình đã vậy rồi, và “phương Tây, ý nói chủ yếu ở đây là Mỹ, cho rằng nếu Ukraine muốn gia nhập NATO thì Ukraine có thể gia nhập NATO, mặc kệ Nga nói thế nào.”

Một bên khác, ông Mearsheimer nói “Đương nhiên, người Nga nói điều đó là không thể được đâu.” Thời điểm này (2008), Nga vừa mới chớm hồi sinh sau nền kinh tế kiệt quệ hậu cộng sản, nghèo nàn không thể tả. Tuyên bố như vậy của Nga là do họ cảm thấy bị uy hiếp, chứ không phải là do tổng thống Nga ôm mộng tái hiện Đế quốc Nga thời Pyotr Đại đế như tuyên truyền của báo chí phương Tây. Trong các thuyết trình khác, ông Mearsheimer thường nói Nga là hồi sinh từ cõi chết.

Ông nói, “cho nên sự đụng độ nổ ra vào tháng 2/2014, đó là mở đầu của một khủng hoảng, mà một bên là phương Tây và Ukraine, và một bên là Nga.”

Người Mỹ bấy giờ đã không lựa chọn phương án lùi lại, mà lựa chọn phương án kiên trì kế hoạch mở rộng NATO “tới tận họng của người Nga” và kết quả là chiến tranh 2022 nổ ra, và tiếp diễn cho đến nay.

Sau khi chiến tranh nổ ra, Mỹ lại “kiên trì tăng cường cam kết với Ukraine.”

Thông qua việc miêu tả chính sách của Mỹ suốt một thời gian dài từ quá khứ cho tới nay liên quan tới chiến tranh Ukraine, giáo sư Mearsheimer đã chỉ rõ ra rằng sự tham dự của Mỹ vào Ukraine, hay nói đúng hơn, là vào việc chống Nga, đã quá sâu rồi.

Ứng viên tổng thống Donald Trump thường nói rằng ông sẽ quan hệ tốt với Nga, với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng theo giáo sư Mearsheimer, thì điều đó sẽ không xảy ra. Nhiều nhất là quan hệ Mỹ-Nga sẽ bớt căng một chút, nhưng không thể thay đổi vị thế đối đầu được nữa. Một phần là vì Deep State có ảnh hưởng, một phần là vì bản thân Mỹ thời chính quyền Joe Biden đã đẩy hẳn Nga trở thành kẻ thù đối đầu với Mỹ, đẩy Nga vào thế buộc phải liên minh với Trung Quốc.

Theo nhìn nhận của giáo sư John Mearsheimer, quân Kiev đang thua quân Nga, và tình huống đã tới điểm không thể vãn hồi, nếu tiếp tục hình thức chiến tranh như nó đang diễn ra, chiến tranh tiêu hao. Chiến tranh tiêu hao này là xuất phát từ nhận định của phương Tây rằng họ có thể dùng chiến tranh cộng với các biện pháp trừng phạt kinh tế, áp chế ngoại giao, để đánh bật Nga khỏi vị thế cường quốc mà Nga vừa mới giành được sau khi kinh tế vừa mới được khôi phục từ cái chết kế thừa từ thời Liên Xô tan rã. Tổng thống Nga Vladimir Putin lập được vị thế của mình là nhờ vào việc này.

Chính vì điều này mà ông Mearsheimer gọi đó là sự “kiêu ngạo”“ngu ngốc” của những người làm chính sách ngoại giao của Mỹ. Thay vì hòa Nga đấu Trung, thì họ đã lựa chọn cùng lúc đấu với cả hai.

Kết quả là sau gần 3 năm chiến tranh, Nga tuy bị thiệt hại nặng về người và của, nhưng lại thắng lợi trên chiến trường, với gần 20% lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập vào bản đồ Nga. Kinh tế Nga tuy bị ảnh hưởng, nhưng không vì chiến tranh mà thoái hóa như Mỹ mong muốn, thậm chí còn phát triển trong một số lĩnh vực quan trọng.

Nếu thắng lợi của Nga ở Ukraine trở thành định cục, thì nó sẽ chính thức ổn định vững vàng vị thế của Nga như một cường quốc số 3 trong thế cờ đa cực mới ở thế giới, đồng thời tiếp tục ổn định hơn nữa vị thế của Tổng thống Nga Putin. Đây hiển nhiên là điều mà Mỹ và NATO không muốn. Nhưng hiện nay chưa thấy có biện pháp nào để giải quyết điều này.

Khi được hỏi về kết cục của cuộc chiến sẽ như thế nào, theo phán đoán của giáo sư, thì ông Mearsheimer dự đoán rằng sẽ có khả năng rất cao là đóng băng xung đột, tựa như Mỹ đã làm khi giải vấn đề Triều Tiên / Hàn Quốc.

Cơ sở để đưa ra phán đoán đó, theo ông, là do Ukraine không thể tiếp tục tiêu hao trong cuộc chiến tranh tiêu hao này được nữa. Đứng ở vị trí yếu hơn về quân sự, Kiev không nên tiếp tục chiến tranh, vì càng đánh sẽ càng thiệt.

Trong lần phỏng vấn này, cũng giống như trong nhiều dịp khác, giáo sư Mearsheimer tin rằng Kiev mong muốn lôi kéo Mỹ dấn sâu hơn nữa vào xung đột với Nga, từ đó đạt được ủng hộ mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Tuy nhiên giáo sư Mearsheimer cho rằng không có khả năng cao là Mỹ sẽ làm như vậy. Rủi ro đụng độ hạt nhân vào thời điểm này không có lợi cho Mỹ. Do đó, thiếu sự can thiệp sâu hơn của Mỹ, thì quân Kiev không thắng Nga được.

Về tham vọng của Nga, giáo sư Mearsheimer không đồng ý với điều mà truyền thông phương Tây miêu tả về dã tâm chinh phục Châu Âu, hoặc dã tâm chiếm lĩnh Ukraine của ông Putin. Theo giáo sư, Nga muốn đảm bảo rằng Ukraine không thể trở thành uy hiếp của Nga, không để Ukraine gia nhập NATO.

  • NATO mở rộng dần từ khi thành lập cho tới khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022:

  • Một số cảnh của nhiều năm trước về Tổng thống Nga Vladimir Putin, vị tổng thống thân thiện nhất đối với phương Tây nếu xét lịch sử các đời nguyên thủ quốc gia cả Liên Xô và Nga hôm nay:

Ban đầu, Mỹ muốn mở rộng NATO tới Ukraine là để biến Ukraine thành “thành lũy” (bulwark) sát cạnh Nga, tựa như năm xưa Liên Xô muốn biến Cuba thành “tiền đồn” của phe cộng sản. Theo ông Mearsheimer, Nga mong muốn biến Ukraine trở thành “quốc gia suy sụp” (dysfunctional state), vì đó là cách tốt nhất để bảo đảm Ukraine sẽ không trở thành uy hiếp đối với Nga, theo góc nhìn của Moskva.

Đó là mong muốn ban đầu của hai bên, theo nhận định của ông Mearsheimer. Ông đã nói nhiều lần như vậy kể từ khi chiến tranh khai nổ, và nay được ông nhắc lại trong phỏng vấn này. Hiện nay, nếu Nga đang thắng thế ở chiến trường, thì điều đó có nghĩa là mục tiêu đó của Mỹ đã không thành công như dự kiến, trong khi đó Nga đang có cơ hội để thực hiện mong muốn ban đầu của mình.

Nhật Tân

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Thay đổi suy nghĩ để có một cuộc sống tích cực hơn

Chúng ta không thể kiểm soát những sự cố, thử thách, nỗi đau diễn ra…

52 phút ago

Ukraine có thể huy động phụ nữ ra tiền tuyến để “cứu Châu Âu” — Zaluzhny

Khi các hình ảnh bắt lính ở toàn quốc Ukraine rộ lên trên mạng xã…

1 giờ ago

Vô tình ngã vào đá, người đàn ông phát hiện hóa thạch 439 triệu năm tuổi

Trong lúc chơi đùa, một nhà cổ sinh học đã vô tình ngã vào mỏm…

1 giờ ago

Người đàn ông Canada phá kỷ lục thế giới khi dắt 38 con chó đi dạo cùng lúc

Một người đàn ông Canada gần đây đã phá kỷ lục Guinness thế giới khi…

2 giờ ago

Bác sĩ khiếp sợ khi người đàn ông mang con rắn độc cắn mình đến bệnh viện

Một người đàn ông ở Bihar, Ấn Độ, đã bị rắn độc cắn vào cánh…

2 giờ ago

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm tới Ukraine hôm 21/10…

5 giờ ago