Thế Giới

EU yêu cầu Bắc Kinh giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại

Chỉ còn 2 tuần nữa là diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen yêu cầu Bắc Kinh giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng 7, đã được rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, Bỉ hôm 23/06/2023. (Ảnh: Shutterstock)

Trong bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg (Pháp) hôm thứ Ba (8/7), bà von der Leyen nói: “Để thúc đẩy quan hệ đối tác EU – Trung Quốc tiến triển, cần đạt được sự tái cân bằng thực sự, bao gồm giảm thiểu méo mó thị trường, giải quyết vấn đề xuất khẩu dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc, và đảm bảo các doanh nghiệp châu Âu được tiếp cận thị trường công bằng, bình đẳng tại Trung Quốc.”

Việc Bắc Kinh áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với nam châm đất hiếm đã gây tổn hại nặng nề cho ngành công nghiệp EU, làm trầm trọng thêm mối quan hệ thương mại ngày càng mất cân bằng. Năm 2024, thâm hụt thương mại EU – Trung Quốc đạt 300 tỷ euro. Do Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, trong nội bộ EU ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi dựng hàng rào thuế quan để ngăn hàng hóa Trung Quốc bóp nghẹt ngành công nghiệp châu Âu.

EU lo ngại về trợ cấp của ĐCSTQ

Do các khoản trợ cấp không công bằng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dành cho các nhà sản xuất xe điện, 27 quốc gia thành viên EU đã áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. EU cũng dự kiến loại các công ty Trung Quốc khỏi các hợp đồng công về thiết bị y tế từ đầu năm 2025, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.

Bà von der Leyen nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể dựa vào xuất khẩu để giải quyết các thách thức kinh tế trong nước. Dư thừa năng lực sản xuất phải được giải quyết từ gốc rễ, không thể đơn giản chuyển sang thị trường toàn cầu. Đây là thông điệp rõ ràng đằng sau cuộc điều tra của chúng tôi về xe điện.”

Bà chỉ ra rằng Bắc Kinh đầu tư vào các công nghệ tương lai từ sớm, sau đó dùng trợ cấp lớn để đưa hàng hóa giá rẻ ra thị trường toàn cầu, nhằm triệt tiêu các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. “Từ tấm pin năng lượng mặt trời đến chế biến khoáng sản, tất cả các ngành công nghiệp phương Tây này đều đã đóng cửa, chỉ còn Trung Quốc chiếm vị trí thống lĩnh,” bà von der Leyen ví dụ.

Bà còn cho biết chính sách “mua hàng nội địa” của Bắc Kinh khiến sản phẩm châu Âu bị phân biệt đối xử một cách hệ thống trong các gói thầu công tại Trung Quốc. “Hàng hóa và dịch vụ ‘Made in China’ tự động được hưởng lợi thế giá 20% trong đấu thầu công, điều này hoàn toàn không công bằng. Hệ thống này rõ ràng bị thao túng một cách có tổ chức.”

Các khoản trợ cấp của Chính phủ ĐCSTQ cho doanh nghiệp chiếm khoảng 20%, giúp hàng hóa Trung Quốc có lợi thế giá rẻ ngay từ đầu và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Chế độ ĐCSTQ gây rủi ro thực sự cho EU

Bà von der Leyen cho rằng EU đối mặt với “rủi ro rất thực tế” từ ĐCSTQ, cả về chiến lược lẫn hệ thống.

“Những rủi ro này ảnh hưởng đến an ninh và khả năng cạnh tranh của chúng ta, xuất phát từ việc Trung Quốc (ĐCSTQ) có một hệ thống hoàn toàn khác biệt và sử dụng các phương thức độc đáo để lách luật,” bà nói.

Ủng hộ Putin là yếu tố quyết định tương lai quan hệ EU – Trung Quốc

Bà von der Leyen cũng mạnh mẽ đặt câu hỏi về lập trường của Bắc Kinh trong cuộc chiến Nga-Ukraine. “Chúng ta biết rằng sự ủng hộ kiên định của phía Trung Quốc dành cho Nga đang làm gia tăng bất ổn và mất an ninh ở châu Âu. Có thể nói, Bắc Kinh thực chất đang tiếp tay cho nền kinh tế chiến tranh của Nga.” bà nói.

Bà cảnh báo: “Chúng ta không thể chấp nhận điều này. Tôi luôn nói rằng cách Bắc Kinh tiếp tục tương tác với cuộc chiến của Putin sẽ là yếu tố quyết định tương lai quan hệ EU – Trung Quốc.”

Tờ South China Morning Post tuần trước dẫn nguồn tin cho biết, trong chuyến thăm châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với quan chức ngoại giao cấp cao của EU rằng Bắc Kinh không thể chấp nhận việc Nga thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine, vì lo ngại Mỹ sẽ chuyển toàn bộ sự tập trung sang Trung Quốc sau đó. Một cách hiểu trong nội bộ EU cho rằng kéo dài chiến tranh có thể phù hợp với nhu cầu chiến lược của Bắc Kinh, bởi vì điều này có thể tiếp tục kéo dài sự tập trung của Mỹ vào vấn đề Ukraine.

Xung đột Nga – Ukraine kéo dài 3 năm là một trong những điểm gây căng thẳng lớn nhất giữa EU và Trung Quốc. EU lâu nay chỉ trích Bắc Kinh cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga, trong khi Bắc Kinh phủ nhận và tự nhận mình là “người kiến tạo hòa bình”. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa từng chỉ trích Nga xâm lược Ukraine và vẫn duy trì quan hệ ngoại giao, kinh tế chặt chẽ với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc tập trung vào 3 vấn đề

Về hội nghị sắp tới, bà von der Leyen cho biết EU tập trung vào 3 ưu tiên: tái cân bằng quan hệ kinh tế EU – Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy hợp tác ngoại giao về các vấn đề toàn cầu, bao gồm khí hậu.

Bà kết luận: “Chúng ta sẽ giảm rủi ro kinh tế, nhưng không muốn cắt đứt quan hệ. Chúng ta sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ EU – Trung Quốc cân bằng và ổn định hơn.”

Lâm Yến

Published by
Lâm Yến

Recent Posts

Bộ Quốc phòng giải đáp việc bố trí quân nhân công tác gần nhà

Bộ Quốc phòng giải đáp kiến nghị của cử tri về việc bố trí quân…

20 phút ago

4 hành vi của phụ nữ trong hôn nhân còn tệ hơn ngoại tình

Khi người phụ nữ trở nên thờ ơ trong hôn nhân và không còn chú…

3 giờ ago

Chính quyền Zelensky dự định thay hàng chục nhà ngoại giao, gồm cả đại sứ tại Mỹ

Ngoại trưởng Ukraine Sybiha nói sẽ có “khoảng 20 sắc lệnh bãi nhiệm và bổ…

3 giờ ago

Xuất khẩu container của Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 6 giảm mạnh 28,3%

Từ tháng Năm, số lượng container nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh,…

4 giờ ago

Kẻ mạo danh dùng AI giả giọng nói Ngoại trưởng Rubio gọi cho các quan chức cấp cao

Có người đã sử dụng phần mềm hỗ trợ AI để bắt chước giọng nói…

4 giờ ago