Sông Moyka, thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga (ảnh Wikipedia)
Hôm qua người đứng đầu ngoại giao của EU Kallas nói rằng bà “rất buồn” khi tiết lộ rằng gói trừng phạt Nga sẽ lại không đạt được đồng thuận của tất cả các thành viên của Liên minh. Khúc mắc là liên quan tới vấn đề nguồn năng lượng, khi khối mong muốn đạt được mục tiêu hoàn toàn không dùng dầu khí của Nga kể từ 1/1/2028.
“Tôi rất buồn vì chúng ta đã không đạt được thỏa thuận này hôm nay. Tôi phải nói rằng chúng ta đã rất gần đích rồi. Để trấn an Slovakia, Ủy ban đã thực hiện những gì họ yêu cầu. Giờ đây, mọi việc đang ở trong tay Slovakia, và chúng ta phải hoàn tất thỏa thuận này. Đã hai tháng trôi qua rồi,” Kaja Kallas chia sẻ sau khi tham gia cuộc họp của các bộ trưởng của khối EU diễn ra tại Brussels, Bỉ.
Bratislava đã nhiều lần cản trở gói trừng phạt, khẳng định những lo ngại của họ về kế hoạch RePowerEU riêng biệt cần được giải quyết trước.
Hungary, Áo và được cho là Ý cũng phản đối. Họ cảm thấy rất lo lắng về vấn đề năng lượng khi Liên minh đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga bắt đầu từ năm 2028.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã chỉ trích gay gắt đề xuất này vào thứ Hai, cho rằng nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến đất nước ông và toàn bộ EU.
“Đề xuất của Ủy ban [Châu Âu], xin lỗi vì cách dùng từ của tôi, thật là ngu ngốc. Nó là kết quả của một nỗi ám ảnh vô hạn với Nga,” ông Fico tuyên bố.
Thủ tướng cũng bác bỏ một lá thư từ người đồng cấp Séc, Petr Fiala, kêu gọi ông ủng hộ gói trừng phạt thứ 18 của EU nhắm vào Nga. Ông Fico cho biết ông sẽ không nhượng bộ cho đến khi Slovakia nhận được “những đảm bảo cần thiết rằng sau ngày 1/1/2028, Slovakia sẽ có đủ nguồn cung cấp khí đốt với giá cả hợp lý.”
Mặc dù khí đốt Nga chưa bị EU cấm trực tiếp, hầu hết các quốc gia thành viên đã tự nguyện giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, một số quốc gia không giáp biển –bao gồm Slovakia, Hungary, Áo, và Cộng hòa Séc– vẫn phụ thuộc vào khối lượng hạn chế thông qua các miễn trừ.
Slovakia và Hungary cũng nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga.
Liên bang Nga hiện nay là quốc gia giữ kỷ lục phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, và từ khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, cho đến nay đã chiếm được 20% lãnh thổ Ukraine, thì phương Tây liên tục gia tăng các biện pháp nhằm cô lập Nga trên mọi phương diện: Kinh tế, công nghệ, ngoại giao, thậm chí cả thể thao, với lý do rằng Nga xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
Nga tuyên bố rằng trong thời gian qua hiệu quả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây càng ngày càn kém. Nga cáo buộc phương Tây đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm với Ukraine được sử dụng như bàn đạp chiến tranh.
Các lệnh trừng phạt mà EU nhắm vào Nga, theo luật của EU, thì phải được các quốc gia thành viên duyệt lại cứ 6 tháng 1 lần, và phải được đồng thuận của tất cả 27 thành viên trước khi nó trở nên có hiệu lực. Cuối tháng trước, EU đã không đạt được đồng thuận cho gói lần thứ 18 này, cho nên lúc đó đã ‘tạm’ cứ tiếp tục gói trừng phạt cũ.
Nhật Tân
EU đã không thông qua được gói trừng phạt mới đối với Nga khi Slovakia…
srael đã thực hiện cuộc không kích vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria tại…
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay rằng hạn chót 50 ngày để Nga giải…
Ông Trump đã công bố một kế hoạch hơn 100 tỷ USD vào xây dựng…
Tối 16/7, một vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 ô tô và 4 xe…
Các thương nhân đang gấp rút vận chuyển cà phê Brazil sang Hoa Kỳ để…