Kinh Tế

Breitbart: Nền kinh tế Mỹ vượt qua bài kiểm tra lạm phát do thuế quan

Kênh truyền thông cánh hữu Breitbart của Mỹ nói rằng nếu bạn chỉ đọc tiêu đề của các bài báo truyền thông dòng chính cánh tả, bạn sẽ nghĩ rằng lạm phát tại Mỹ đang bùng phát, ví như:

  • Tờ New York Times kêu thét: “Lạm phát tại Mỹ tăng tốc trong tháng Sáu do thuế quan của Tổng thống Trump đẩy giá lên cao”;
  • Tờ Axios cảnh báo: “Lạm phát tăng cao trong tháng Sáu do lo ngại tác động của chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump gây ra”;
  • Tờ Washington Post tuyên bố rằng lạm phát đang tăng “khi thuế quan bắt đầu làm tăng giá trên khắp nền kinh tế”.

Tuy nhiên, dữ liệu thực tế đã cho thấy một câu chuyện khác.

(Ảnh minh họa: Denys Kurbatov/Shutterstock)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,3% trong tháng Sáu. CPI cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng nhẹ 0,2%, so với mức tăng 0,1% trong tháng Năm. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung ở mức 2,7% và lạm phát cốt lõi ở mức 2,9%. Mặc dù cả hai con số này đều cao hơn một chút so mức lạm phát của tháng trước, nhưng khó có thể đạt đến mức tăng vọt do thuế quan như tiêu đề của các bài báo truyền thông dòng chính dự đoán.

Thuế quan có thể làm thay đổi giá cả, nhưng lạm phát không thay đổi

Đúng vậy, một số mặt hàng đã tăng giá, chủ yếu là các hàng hóa gắn liền với các chuỗi cung ứng quốc tế. Đồ nội thất và vật dụng gia đình tăng 1,0%, giá thiết bị gia dụng tăng 1,9%, máy vi tính tăng 1,4% và hàng may mặc tăng 0,4%. 

Tất cả các mặt hàng này đều có khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới và chúng đã tăng mạnh.

Tuy nhiên, chúng cũng là những mặt hàng đã giảm giá hoặc giảm mạnh cho đến gần đây. Biến động giá hàng năm vẫn khá im ắng. Đồ nội thất gia đình chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá thiết bị gia dụng tăng 0,8% và giá máy vi tính thực tế thậm chí còn giảm 0,3%. Còn giá quần áo ra sao? Giảm 0,5%. Đây không phải là những con số khiến các gia đình Mỹ phải hủy bỏ các kỳ nghỉ hoặc tiết kiệm chi tiêu.

Quan trọng hơn: lạm phát chung không cho thấy áp lực do thuế quan gây ra. Việc tăng giá chỉ diễn ra trong diện hẹp và riêng lẻ. Đó không phải là sự bùng nổ lạm phát do thương mại thúc đẩy, mà chỉ là sự xáo trộn giá cả tương đối.

Hành động cân bằng thú vị

Giá xe hơi cũ giảm 0,7%, trong khi giá xe mới giảm 0,3%. Giá vé máy bay giảm 0,1%. Giá trứng giảm mạnh 7,4%. Giá sữa giảm 0,3%. Giá đồ ăn nhẹ giảm 0,6%. Giá phòng khách sạn và nhà nghỉ giảm mạnh 3,6%.

Bạn có thể nhìn thấy dấu ấn phi lạm phát của giá cả tương đối trong các ngành hàng như may mặc. Giá quần áo nam tăng 0,9%, chủ yếu là do mức giá tăng mạnh của áo len và áo sơ mi (4,3%). Giá đồ vest giảm 2,7%, và giá đồ lót/đồ bơi giảm 0,5%. Giày nam tăng giá, nhưng giày trẻ em lại giảm giá. Giá áo khoác ngoài nữ giảm 3,3%, trong khi giá váy và đồ lót nhích lên. Thuế quan ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng, nhưng giá cả của từng mặt hàng không biến động cùng chiều.

Điều này xảy ra khi chính sách thương mại tác động nhẹ đến chi phí ở một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng: các thương nhân tăng giá một cách chiến lược ở những nơi họ có thể tăng giá, và giảm giá ở những nơi họ phải giảm giá. Đó không phải là lạm phát tổng thể, mà là sự thích ứng của kinh tế vi mô.

Ngay cả ngành dịch vụ cũng có kết quả lạm phát khả quan. Chi phí nhà ở, trọng số của CPI, chỉ tăng 0,2%. Bảo hiểm xe cơ giới, vốn từ lâu là vấn đề gây đau đầu cho lạm phát cốt lõi, hầu như không thay đổi, chỉ tăng 0,1%.

Vì vậy, đúng là thuế quan đã tác động nhẹ đến giá cả của một số mặt hàng, nhưng điều đó không giống như cụm từ tiêu đề “làm tăng giá trên khắp nền kinh tế” mà các biên tập viên của tờ Washington Post tán thành. Hầu hết các mức thuế quan của Tổng thống Trump không nhằm mục đích tăng giá. Các mức thuế quan này nhằm mục đích chuyển dịch các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất trong nước, và đảm bảo đạt được các điều khoản thương mại tốt hơn với các đối tác nước ngoài. Ở những nơi giá cả tăng lên, chúng sẽ được bù đắp bởi sự giảm giá ở những nơi khác.

Người tiêu dùng chứng kiến giá xe hơi rẻ hơn, vé máy bay rẻ hơn, hàng tạp hóa rẻ hơn, quần áo trẻ em rẻ hơn. Rổ hàng hóa tính CPI tự cân bằng.

Đối với ai viện dẫn mức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước làm bằng chứng cho thấy nền kinh tế quá nóng, xin nhắc lại: hiệu ứng cơ sở đang góp phần vào điều đó. Lạm phát giảm nhẹ bất thường vào tháng 6/2024, chỉ 2,4%, khiến số liệu tháng Sáu năm nay có vẻ cao hơn thực tế. Khi so sánh một tháng bình thường (CPI bình thường) của năm nay với một tháng yếu (CPI giảm) cùng kỳ năm trước, thì con số so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng vọt, ngay cả khi xu hướng CPI hàng tháng vẫn chỉ tăng nhẹ.

Ví dụ, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy năm nay tăng 4% so với tháng Bảy năm ngoái, nhưng tháng Bảy năm ngoái lại giảm 10% so với năm trước đó, thì hiệu ứng cơ sở có thể làm cho mức tăng 4% này có vẻ cao hơn so với thực tế. Ngược lại, nếu tháng Bảy năm ngoái lại tăng 10% so với năm trước, thì hiệu ứng cơ sở có thể làm cho mức tăng 4% này có vẻ thấp hơn thực tế. 

Fed sẽ giữ nguyên lãi suất

Tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed)? Có lẽ không có gì thay đổi trong tháng Bảy. Mức gia tăng khiêm tốn của CPI chính và CPI cốt lõi tạo điều kiện cho Chủ tịch Fed Jerome Powell không cần hành động. Không có vấn đề lạm phát cấp bách nào, và thị trường lao động mềm có nghĩa là không có áp lực tiền lương nào khiến Fed phải hành động. Chủ tịch Powell có thể chờ thêm thời gian và ông ấy có thể sẽ làm như vậy.

Thị trường lao động mềm, còn gọi là thị trường lao động yếu, là thị trường mà nhu cầu tìm việc làm nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng. 

Đến tháng Chín, mọi thứ sẽ trở nên thú vị hơn. Đến lúc đó, Fed sẽ có dữ liệu CPI của tháng Bảy và tháng Tám, cùng với hai báo cáo việc làm nữa. Nếu lạm phát vẫn ổn định và thị trường lao động tiếp tục lơi lỏng (nhu cầu tìm việc nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng), khả năng cắt giảm lãi suất sẽ cao hơn.

Như tờ Wall Street Journal nhận định, dữ liệu CPI tháng Sáu đã cho cả hai phe trong Fed một cơ sở để bám víu. Phe diều hâu có thể chỉ ra những ngành hàng bị ảnh hưởng bởi thuế quan khiến giá cả tăng cao. Phe ôn hòa có thể chỉ ra bức tranh tổng thể – thị trường trầm lắng, cân bằng, và không hề đáng báo động. Chủ tịch Powell gần đây đã phát tín hiệu về một ngưỡng cắt giảm lãi suất thấp hơn so với hồi mùa xuân. Đó vẫn là tâm lý chung.

CPI tháng Sáu cho thấy thuế quan có thể làm gì và chưa làm được gì. Thuế quan đã làm dao động giá cả của một vài mặt hàng. Chúng đã không làm thay đổi nền kinh tế. Người tiêu dùng hầu như không nhận thấy sự thay đổi nào. Thị trường vẫn ổn định và Fed có thêm một lý do nữa để giữ im lặng và không hành động.

Nếu đây là những gì phương tiện truyền thông dòng chính gọi là lạm phát, có lẽ đã đến lúc họ phải hiệu chỉnh lại nhiệt kế của mình.

Liên Hoa

Published by
Liên Hoa

Recent Posts

Slovakia tuyên bố vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga đến năm 2034

EU đã không thông qua được gói trừng phạt mới đối với Nga khi Slovakia…

1 giờ ago

Israel tiến hành không kích trụ sở Bộ Quốc phòng Syria

srael đã thực hiện cuộc không kích vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria tại…

2 giờ ago

Tổng thống Trump: Hạn chót 50 ngày cho Nga là không quá dài

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay rằng hạn chót 50 ngày để Nga giải…

2 giờ ago

Ông Trump: Công bố đầu tư lớn, Mỹ vượt xa Trung Quốc về AI và năng lượng

Ông Trump đã công bố một kế hoạch hơn 100 tỷ USD vào xây dựng…

3 giờ ago

Hà Nội: Ô tô đâm liên hoàn trên đường, ít nhất một người tử vong

Tối 16/7, một vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 ô tô và 4 xe…

4 giờ ago

Trước khi thuế 50% có hiệu lực, cà phê Brazil được gấp rút vận chuyển sang Mỹ

Các thương nhân đang gấp rút vận chuyển cà phê Brazil sang Hoa Kỳ để…

4 giờ ago