Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nhiều phe phái người Palestine, trong đó có hai đối thủ của nhau Hamas và Fatah, mới đây đã ký tuyên bố để thành lập chính phủ chung trong khi đàm phán hòa giải dưới sự bảo trợ của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Tuyên bố Bắc Kinh được ký vào ngày cuối cùng của hội nghị hòa giải được tổ chức tại thủ đô Trung Quốc từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin theo Bộ Ngoại giao nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp với nhiều đại diện của các phe phái người Palestine, trong đó có lãnh đạo cao cấp Hamas Moussa Abu Marzouk, Phó Chủ tịch Fatah Mahmoud al-Aloul và đại diện từ 12 nhóm Palestine nhỏ hơn. Ông Vương Nghị nói rằng các phe phái này đã đồng ý thành lập “chính phủ hòa giải toàn quốc tạm quyền” để điều hành Dải Gaza một khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Tuyên bố Bắc Kinh bao gồm cam kết “chấm dứt chia rẽ và củng cố đoàn kết”, ông Vương Nghị cho biết, nhưng không đề cập chi tiết cách thức và thời gian chính phủ đoàn kết của người Palestine được thành lập. Tuyên bố cũng công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là “đại diện hợp pháp duy nhất của tất cả người dân Palestine”.
PLO được thành lập vào năm 1964 với vai trò là tổ chức bảo trợ để thúc đẩy mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập. Fatah từ lâu đã là nhóm lãnh đạo cả PLO và Chính quyền Palestine (PA) hiện đang điều hành một phần khu Bờ Tây.
Các thành viên Hamas chưa bao giờ là một phần của PLO. Nhóm chiến binh Hồi giáo do Iran hậu thuẫn này có tiền lệ từ chối chia sẻ quyền lực, trong đó nổi bật là năm 2007, thời điểm Hamas hất cẳng Fatah và giành quyền kiểm soát Gaza sau khi chiến thắng đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử.
Israel đã chỉ trích lãnh đạo Fatah Mahmoud Abbas vì theo đuổi điều hành chung Gaza cùng với Hamas vốn là nhóm đã tiến hành cuộc tấn công chết chóc vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, từ đó làm bùng lên cuộc chiến tranh Gaza đang tiếp diễn.
Ngoại trưởng Israel Israel Katz viết trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter) hôm 23/7: “Thay vì phản đối chủ nghĩa khủng bố, ông Mahmoud Abbas lại bấu víu vào những kẻ sát nhân và những kẻ phạm tội hãm hiếp Hamas. Hành vi đó phơi bày bộ mặt thật của ông ta”.
Từ sau vụ tấn công 7/10 năm ngoái, Israel đã đặt ra mục tiêu phải nhổ tận gốc rễ Hamas khỏi Gaza và phản đối trao bất kỳ vai trò nào cho nhóm này trong chính phủ hậu chiến tranh Gaza.
Phản ứng với việc Bắc Kinh tán thành một chính phủ Palestine gồm có cả Hamas, Ngoại trưởng Katz đã gọi ý tưởng đó là phi thực tế. Ông nói rằng khi cuộc chiến này kết thúc, sẽ không còn Hamas nữa để mà thành lập một chính phủ chung có sự tham gia của nhóm này.
“Trên thực tế, điều này sẽ không xảy ra bởi vì quyền lực của Hamas sẽ bị phá bỏ, và ông Abbas sẽ quan sát Gaza từ xa. An ninh của Israel sẽ vẫn chỉ nằm trong tay của Israel”, ông Katz viết trên X.
Tuyên bố Bắc Kinh đến vào thời điểm Israel và Hamas tiếp tục đàm phán thỏa thuận kết thúc chiến đấu ở Gaza, thả hàng trăm tù binh Palestine, và tất cả con tin Israel được trở về an toàn. Quân đội Israel tin rằng hiện vẫn còn 120 con tin tại Gaza, trong đó bao gồm thi thể của hơn 40 con tin được cho là đã chết.
Tuyên bố Bắc Kinh cũng đánh dấu một nỗ lực khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc mở rộng tiếp cận ngoại giao tới Trung Đông, định vị chính họ là lực lượng thay thế cho Mỹ trong vai trò hòa giải các cuộc xung đột.
Năm ngoái, các quan chức của Iran và Ả Rập Saudi đã gặp nhau tại Bắc Kinh và ký thỏa thuận nối lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Vùng Vịnh này. Hiệp định Saudi – Iran được xem là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đạt được sự ngang hàng với các Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian hòa giải giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập.
Là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu, ĐCSTQ đã đang tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các nhóm khủng bố, chẳng hạn như Hamas và Taliban.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban gần như ngay lập tức tiếp quản đất nước này vào năm 2021, thì Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì phái đoàn ngoại giao tại Kabul. Vào tháng Hai năm nay, ĐCSTQ đã chính thức công nhận một đại diện của Taliban là đại sứ Afghanistan tại Bắc Kinh, là nước đầu tiên trên thế giới làm như vậy kể từ khi nhóm khủng bố này tái cầm quyền tại quốc gia Nam Á.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…