Truyền thông Hàn Quốc tiết lộ, vào năm 1991 tại thành phố Kanggye ở Bắc Triều Tiên xảy ra một vụ nổ lớn tại nhà máy vũ khí khiến hơn ngàn người tử vong. Do vụ nổ quá khủng khiếp, người dân địa phương tưởng nhà máy bị tên lửa của địch tấn công. Tuy nhiên, vì thông tin liên quan bị các nhà chức trách Bắc Triều Tiên ngăn chặn nên thế giới bên ngoài ít người biết vụ thảm họa này.
Theo trang “Tin tức Bắc Triều Tiên” của Hàn Quốc, nhà máy quân sự này nằm ở phía tây nam thành phố Kanggye, được gọi là “Nhà máy số 26”. Thành phố Kanggye là thủ phủ của tỉnh Chagang, nằm ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, có vị trí chiến lược khá quan trọng.
Tên gọi đối ngoại của “Nhà máy 26” là Nhà máy máy kéo Kanggye (Kanggye General Tractor Plant), dùng tên giả để che giấu mục đích thực sự. Trên thực tế, nhà máy này không sản xuất máy kéo mà sản xuất vũ khí.
Vào đầu những năm 90 thế kỷ 20, nhà máy này ngoài sản xuất các loại đạn dược như đạn pháo và đạn súng, còn sản xuất các loại tên lửa, bao gồm tên lửa Scud. Nhà máy này có thể là nhà máy vũ khí nổi tiếng nhất của Bắc Triều Tiên, sản xuất các sản phẩm vũ khí xuất khẩu cho các nước Syria, Iraq, Iran, Libya và Ai Cập, qua đó giúp Bắc Triều Tiên kiếm được rất nhiều ngoại hối.
“Nhà máy số 26” có hơn 1.000 nhân viên, đa số là theo truyền thống thừa kế cha con, có thể nói nơi đây có nhiều người tài trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự của Bắc Triều Tiên. Cựu lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il-sung rất thích nhà máy này, gọi là “mẹ của ngành công nghiệp quân sự” Bắc Triều Triên. Ông Kim Il-sung và Kim Jong-un đã nhiều lần viếng thăm nhà máy.
Tổ chức tư vấn chiến lược Mỹ “38 độ Bắc” (38 North) từng chỉ ra, có thể thông qua hình ảnh vệ tinh xác định chính xác vị trí “Nhà máy số 26”, tọa độ tại cổng chính nhà máy này là 40°57’39.34″N,126°36’21.76″E.
Vào lúc 09:30 sáng 30/11/1991, một quản đốc trong bộ phận lắp ráp đã vô tình gây ra một vụ nổ nhỏ khi xử lý thuốc súng và gây ra hỏa hoạn.
Đội cứu hỏa nhận được tin đã kịp thời đến hiện trường, sau đó cố gắng để đóng cánh cửa thép ngăn cách tầng hầm nhà máy và bên ngoài, tuy nhiên ngọn lửa nhanh chóng bùng lên thành trụ lửa khổng lồ, gây thêm nhiều vụ nổ tiếp theo.
Vụ nổ không chỉ chấn động làm vỡ kính cửa sổ của các ngôi nhà lân cận, còn làm cả nhà máy điện của thành phố Kanggye bị hư hại gây mất điện. Ngọn lửa lây lan xung quanh, khiến nhiều nhà máy lân cận cũng bị cháy. Nhiều người thậm chí còn nghĩ rằng đã xảy ra một trận động đất, nhiều người khác thì tưởng nhà máy bị tên lửa của địch tấn công…
Thông tin chỉ ra, vụ nổ khiến những người ở khoảng cách xa thành phố hơn 150 km cũng có thể nhìn thấy. Chính quyền địa phương đã ngay lập tức sơ tán dân trong vòng bán kính 40 km. Vụ việc đã kích động hàng chục nghìn người hoảng sợ chạy trốn khỏi thành phố, như thể nổ ra cuộc chiến tranh. Sau vụ việc, giới chức Bắc Triều Tiên tuyên bố 130 người thiệt mạng. Tuy nhiên nhiều người chứng kiến tiết lộ, trên thực tế số người chết là gần 1000 người.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã không đưa tin vụ tai nạn này, nhưng tin đồn cho rằng vụ việc làm ông Kim Jong-il rất tức giận. Sau đó, người phụ trách “Nhà máy số 26” bị đưa đến trại cải tạo lao động; nhiều quan chức cấp cao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thứ hai Kim Chol-man cũng đã bị giáng chức.
Trong vòng 20 ngày sau vụ nổ, chính quyền Bắc Triều Tiên phong tỏa tất cả các thông tin liên lạc và dòng người ra vào thành phố Kanggye để cố gắng ngăn chặn thông tin lây lan.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…