Hàng loạt quốc gia cùng nỗ lực ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ

Gần đây, chín chuyên gia và giáo sư trong lĩnh vực y tế, pháp lý và đạo đức sinh học từ các quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Canada đã tổ chức một hội thảo về buôn bán nội tạng và du lịch cấy ghép tạng tại Đại học Tokyo. Các chuyên gia từ Đài Loan và Hàn Quốc đã chia sẻ thông tin về tình hình tiến hành sửa đổi điều luật ở quốc gia của mình, cũng như nội dung chính của điều luật sửa đổi, và kêu gọi quốc hội các quốc gia thúc đẩy bổ sung hoặc sửa đổi các điều luật nhằm ngăn chặn bệnh nhân ở nước họ mua bán nội tạng không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc.

Hình ảnh minh họa tội ác thu hoạch nội tạng sống. (Ảnh: Getty Images)

Nhiều quốc gia phơi bày và lên án tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ

Tờ Zhongbao của Đài Loan ngày 23/6 đưa tin, ông Enver Tohti Bughda, người đứng đầu Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ tại Anh, kiêm bác sĩ ngoại khoa u bướu từng đứng ra làm chứng trước Quốc hội Anh và Mỹ về việc ĐCSTQ mổ trích nội tạng từ tử tù, trong một cuộc phỏng vấn đã lấy ra một bức ảnh minh họa về “Kênh vận chuyển nội tạng người” ở sân bay tại Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương và chất vấn: “Phải cần có số lượng bao nhiêu cơ quan tạng mới khiến cho một sân bay đồng ý cung cấp một kênh riêng biệt, một kênh vận chuyển nhanh?”

Câu chuyện bên trong những kênh vận chuyển đặc biệt ở Sân bay Thanh Hải, Tân Cương hết sức chấn động. (Ảnh: NTD)

NTD đưa tin, sau năm 2000, số ca phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc đã tăng lên đột biến, mãi đến khi có một cuộc điều tra độc lập được tiến hành thì sự thật đằng sau mới được hé lộ. Năm 2008, các chuyên gia của Hiệp hội Cấy ghép Thế giới (TTS) và Hiệp hội Thận Quốc tế (ISN) đã tổ chức một hội nghị tại Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ và sau khi thảo luận đã công bố “Tuyên bố Istanbul”, đề xuất “nghiêm cấm thương mại hóa cấy ghép nội tạng và du lịch ghép tạng”. Tuyên bố này đã trở thành phương châm đạo đức chỉ đạo trong hiến tạng và ghép tạng ở nhiều quốc gia khác nhau.

Ngày 30/12 vừa qua, các chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã lần đầu tiên cùng tổ chức một hội thảo quốc tế về chủ đề “ngăn chặn buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng” ở châu Á, nhân dịp kỷ niệm 11 năm Tuyên bố Istanbul 2008. Các nhà tổ chức hội thảo gồm có Hiệp hội Đánh giá Du lịch Cấy ghép của Nhật Bản, Mạng SMG, Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Tạng Quốc tế Đài Loan (TAICOT), Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, Trung tâm Nhân quyền Quốc tế Hàn Quốc và Hiệp hội Đạo đức Ghép tạng (KAEOT).

Hội thảo được chia thành bốn chủ đề, về vấn đề nguồn cung cấp tạng quy mô lớn của Trung Quốc với du lịch ghép tạng tại châu Á, vấn nạn cưỡng bức mổ cướp tạng và buôn bán tạng của ĐCSTQ, từ đó thúc giục các quốc gia tiến hành sửa đổi hoặc ban hành các điều luật nhằm ngăn chặn người dân đến Trung Quốc du lịch cấy ghép tạng.

Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế người Canada từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010 phát biểu tại hội thảo: “Có bằng chứng chắc chắn và thuyết phục cho thấy, vấn nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc và du lịch ghép tạng vẫn đang tiếp diễn. Nạn nhân bên cạnh tù nhân lương tâm vô tội, chủ yếu vẫn là những người tập Pháp Luân Công, những năm gần đây còn có thêm người Duy Ngô Nhĩ.”

Ông David Matas nói: “Mặc dù Tuyên bố Istanbul đã được công bố 11 năm rồi, nhưng Trung Quốc vẫn lạm dụng cấy ghép nội tạng.” “Cần phải thiết lập quy định và tiêu chuẩn đối với Trung Quốc cũng như các bác sĩ cấy ghép, thì tuyên bố này mới có thể phát huy tác dụng.

Trong một cuộc phỏng vấn với SecretChina hồi tháng 10, ông Matas từng cho biết: “Tại Đài Loan có hàng trăm nghìn người tập Pháp Luân Công, tại Hồng Kông cũng có rất nhiều. Tôi đã đến cả Đài Loan và Hồng Kông, đều từng bàn luận về vấn đề mổ cướp nội tạng. Tôi thấy rằng, các vấn đề mà Hồng Kông phải đối mặt là rất nghiêm trọng, liên quan đến sinh tử, không chỉ là tình huống của những người biểu tình, mà còn bao gồm cả những người tập Pháp Luân Công. Sự việc diễn ra ở Hồng Kông cũng có ảnh hưởng tới Đài Loan. Nếu như ĐCSTQ có thể hoàn toàn khống chế Hồng Kông, họ cũng sẽ cảm thấy rằng họ hoàn toàn có thể khống chế Đài Loan.”

Ngoài ra, tiến sỹ Jessica D. Russo, đại diện của Hiệp hội các Bác sỹ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng cũng trả lời phỏng vấn của Secretchina và cho hay: “ĐCSTQ giống như một loại chất độc. Nếu bạn chấp thuận nó, nó sẽ từ từ xâm nhập khắp mọi nơi, giống như có hàng loạt Học viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ. Hồng Kông hiện đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, tôi cũng đồng ý rằng nếu ĐCSTQ hoàn toàn tiếp quản Đài Loan hoặc Hồng Kông, đây thực sự sẽ là thảm họa đối với người dân ở đó, đặc biệt là với người tập Pháp Luân Công. Học viên Pháp Luân Công vẫn luôn phơi bày những hành vi tà ác của ĐCSTQ, nói với thế giới và người Trung Quốc rằng ĐCSTQ là một chính quyền tà ác. Điều này khiến ĐCSTQ cảm thấy như một mối đe dọa nghiêm trọng. ĐCSTQ dùng những lời lẽ và tuyên truyền dối trá để che giấu hành vi tà ác của mình, tự tô vẽ rằng bản thân nó rất tốt đẹp. Nhưng khi rất nhiều người tập Pháp Luân Công khắp nơi cùng lên tiếng phơi bày tội ác của ĐCSTQ, họ cảm thấy hết sức bất an. ĐCSTQ cũng trấn áp tàn bạo những người biểu tình Hồng Kông, biểu hiện vô cùng tà ác, không hề có bất cứ sự dung nhẫn nào. Do đó, ngoại giới cần có sự can thiệp kịp thời, nếu không tình tình Hồng Kông có thể diễn biến tồi tệ hơn nữa.”

Bác sĩ Hoàng Sỹ Duy, Chủ nhiệm Khoa tiết niệu tại Phân viện Vân Lâm của Bệnh viện Liên kết Đại học Đài Loan, đã quan sát và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cấy ghép tạng ở Trung Quốc trong suốt hơn 15 năm. Ông đã phỏng vấn hàng trăm bác sĩ cấy ghép tạng cũng như các bệnh nhân Đài Loan đã đến Trung Quốc ghép nội tạng.

Ông Hoàng Sỹ Duy nói: “Cấy ghép tạng là một vấn đề rất chuyên nghiệp. Nếu không nghiên cứu chuyên sâu, rất dễ bị ĐCSTQ lừa dối. Nhưng sau khi nghiên cứu sâu, bạn sẽ tin rằng cho đến hôm nay, nguồn cung cấp tạng cho ghép tạng ở Trung Quốc chủ yếu đến từ những người tập Pháp Luân Công cùng các nhóm nạn nhân bị đàn áp nhân quyền khác.”

Theo bác sĩ Hoàng, trong 20 năm qua, ít nhất 4.000 người ở Đài Loan đã đến Đại Lục để tiến hành ghép gan và thận. Bệnh nhân chỉ cần chờ đợi trong một thời gian ngắn là có thể tìm thấy cơ quan tạng phù hợp cho cấy ghép.

Tiến sĩ Thái Phủ Xương, giáo sư tại Đại học Y khoa Đại học Quốc gia Đài Loan, cũng là Giám đốc Trung tâm Đạo đức Y sinh, đã đặt nghi vấn trước tuyên bố của ĐCSTQ về nguồn gốc của nguồn cung tạng. Đặc biệt là việc họ phản bác sử dụng nội tạng từ tử tù, khiến các học giả và chuyên gia khó lòng chấp nhận được.

Tiến sĩ Thái nói rằng, nhằm ngăn người dân ở các nước phát triển mua bán nội tạng từ ở các nước nghèo hoặc ở các nước không rõ nguồn gốc (đặc biệt là Trung Quốc), hàng loạt điều luật đã được ban hành liên tiếp. Có thể kể đến như Đạo luật sửa đổi Philippines năm 2007 cấm người nước ngoài đến Philippines cấy ghép nội tạng; Tuyên bố Istanbul 2008; “Nguyên tắc chỉ đạo về cấy ghép mô, tế bào và cơ quan nội tạng” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 cũng thêm vào hai nguyên tắc là “yêu cầu phải minh bạch và truy xuất rõ nguồn gốc”. Năm 2014, Liên minh châu Âu cũng thông qua “Công ước của Hội đồng châu Âu về chống buôn bán nội tạng người”. Ngoài ra Tây Ban Nha và Israel cũng sửa đổi các điều luật về cấm du lịch cấy ghép tạng. Năm 2015, “Điều lệ cấy ghép nội tạng người” của Đài Loan cũng được sửa đổi nhằm cấm người dân ra nước ngoài cấy ghép nội tạng.

Ông Yuki Ogawa, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tạng từ Okinawa, Nhật Bản cho biết, người Nhật thường cấy ra nước ngoài ghép nội tạng, trước đây chủ yếu là ở Hoa Kỳ. Nhưng kể từ năm 2006, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến chính cho mục đích du lịch cấy ghép nội tạng của người Nhật Bản, cho dù không thể xác minh rõ được nguồn gốc tạng.

Ông Hàn Hy Triết, giáo sư tại Đại học Y khoa Hàn Quốc, đã gia nhập Hiệp hội Đạo đức Ghép tạng (KAEOT) vào năm 2012. Ông nói rằng thời gian chờ đợi tạng cho cấy ghép trung bình ở Hàn Quốc là khoảng hơn bốn năm và ở Hoa Kỳ phải mất bốn đến năm năm. Tại Canada thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, ít nhất phải bảy năm. Vậy mà tại Trung Quốc, chỉ vài tuần, tối đa là vài tháng có thể tìm được tạng phù hợp để cấy ghép, đó là điều khó mà tin được.

Giáo sư Hàn cho biết, số người được tiếp nhận ghép tạng ở Hàn Quốc tăng đáng kể từ 2003 lên đến đỉnh điểm vào năm 2005, và giảm dần kể từ đó. Kể từ năm 2006, do phía Trung Quốc phong tỏa hết tin tức và dữ liệu nên khó thống kê được chính xác số người đến Trung Quốc để cấy ghép tạng. Hiện tại các tổ chức và hiệp hội cũng không ngừng đề xuất với chính phủ Hàn Quốc ban hành điều luật nhằm cấm công dân đến Trung Quốc du lịch ghép tạng.

Ông Lee Dong-Hyun, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Y Yonsei, Hàn Quốc, tin rằng việc ngăn chặn bệnh nhân đi du lịch ghép tạng không có nghĩa là các bác sĩ không tận tâm với nghề nghiệp. Với tiền đề cơ bản là tôn trọng sinh mệnh, hòa bình chính nghĩa và đạo đức y học, việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như du lịch ghép tạng là điều nhất định phải thực hiện.

Nỗ lực thúc giục các chính phủ ban hành luật cấm buôn bán và du lịch ghép tạng

Luật sư Chu Uyển Kỳ, cố vấn pháp lý của Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Tạng Quốc tế Đài Loan (TAICOT), người đã thúc đẩy việc sửa đổi Quy định Cấy ghép Nội tạng Đài Loan, giải thích trong hội thảo rằng xu hướng lập pháp quốc tế hiện nay tập trung vào ngăn chặn việc buôn bán nội tạng, du lịch cấy ghép, cũng như thu hoạch nội tạng từ các nguồn không được chấp thuận. Bà kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sớm thông qua điều luật sửa đổi về vấn đề này.

Thẩm phán Kim Song của Tòa án quận Suwon ở Hàn Quốc cho biết theo luật hiện hành của Hàn Quốc, buôn bán nội tạng bị cấm ở Hàn Quốc. Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đứng ra mua bán nội tạng đều sẽ bị trừng phạt.

Thẩm phán Kim cũng kiến nghị, khi bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị sau phẫu thuật, các bác sĩ có nghĩa vụ báo cáo lại các trường hợp cấy ghép ở nước ngoài, đồng thời giảm thiểu lợi ích thụ hưởng từ bảo hiểm quốc gia với các cá nhân ra nước ngoài ghép tạng. Điều này có thể giúp giảm thiểu số người đi du lịch ghép tạng.

Tại hội thảo, nhà bình luận thời sự nổi tiếng của Nhật Bản Kasumi Kawai nhấn mạnh, “ĐCSTQ đã công bố con số các ca ghép tạng mỗi năm vào khoảng 10.000 – 15.000. Nhưng dữ liệu từ các cuộc điều tra độc lập ở nước ngoài cho thấy, các bệnh viện Trung Quốc tiến hành 60.000 – 100.000 ca cấy ghép mỗi năm. Vậy nguồn tạng khổng lồ này đến từ đâu? Quốc hội Nhật Bản, các phương tiện truyền thông cũng như các tổ chức nhân quyền và nhân sĩ các giới cần phải tìm hiểu sự thật một cách sâu rộng hơn. Điều này hết sức quan trọng.”

Hiện Châu Âu và Hoa Kỳ cực lực lên án hành vi mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343, yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công và ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công. 

Tại châu Âu ngày 17/6, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này.

Nửa đầu năm 2019, nhiều quốc gia cũng có động thái lập pháp nhằm ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, có thể kể đến như Nghị viện Anh xem xét việc cấm du lịch ghép tạng tới Trung Quốc: Nghị viện Canada ủng hộ dự luật chống buôn bán nội tạng; Hạ viện Bỉ thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng; Séc sửa luật cấy ghép tạng, chống nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc; Bang Maine, Mỹ, thông qua nghị quyết phản đối thu hoạch nội tạng; Lưỡng viện bang Missouri, Mỹ, lên án việc thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc hay Bang Minnesota, Mỹ, kêu gọi nâng cao nhận thức về thu hoạch nội tạng

Lần này, tại hội thảo, các chuyên gia, giáo sư và luật sư từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đã cùng nỗ lực thúc đẩy việc sửa đổi luật pháp ở các nước châu Á, từ đó có thể ngăn chặn công dân của họ tham gia vào tội phạm mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Minh Ngọc

Xem thêm:

Minh Ngọc

Published by
Minh Ngọc

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

19 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

10 giờ ago