Ngày 10 và 11/5 “Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen năm 2021” lần thứ 4 tổ chức tại Đan Mạch đã nhấn mạnh rằng thế giới cần sự lãnh đạo của Mỹ, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang là mối đe dọa lớn nhất cho dân chủ toàn cầu.
Ngày 10/5/2021 cựu Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen và Tổng thống đắc cử Chaputova của Slovakia chụp ảnh chung trước Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen (Nguồn: MADS CLAUS RASMUSSEN/Ritzau Scanpix/AFP/Getty Images).
Đài VOA Mỹ đưa tin, người sáng lập “Liên minh Dân chủ” (International Democrat Union, IDU) là cựu Tổng thư ký NATO và cựu Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen cho biết, “Chúng ta cần kiên định với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, vì lịch sử cho thấy khi người Mỹ rút lui sẽ để lại khoảng trống quyền lực, lúc này khoảng trống đó sẽ bị kẻ xấu lấp vào. Đây là lý do tại sao chúng ta đã thấy những năm gần đây, nhiều nhà cầm quyền độc tài và những kẻ độc tài dần tiến lên. Chúng ta cần Mỹ nắm vai trò lãnh đạo toàn cầu để xây dựng liên minh dân chủ toàn cầu này”.
Cuối năm nay, ông Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ toàn cầu đầu tiên. Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen có kế hoạch hỗ trợ Hội nghị thượng đỉnh dân chủ của Tổng thống Biden thiết lập chương trình nghị sự “ngăn chặn làn sóng độc tài và thúc đẩy dân chủ tiến lên”.
Hội nghị đã mời Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan và nhà hoạt động dân chủ La Quán Thông của Hồng Kông (lưu vong ở Anh) tham gia. Bà Thái Anh Văn kêu gọi hợp tác toàn cầu để bảo vệ các giá trị dân chủ đang ngày càng bị xói mòn do sự bành trướng của hệ thống độc tài.
Nhà đấu tranh dân chủ La Quán Thông cho biết, sau khi ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia, Hồng Kông đã trở thành một thành phố khác dưới chế độ độc tài.
Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cũng có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh với tựa đề “Xem dân chủ như giá trị nòng cốt để gìn giữ”. Ông lên án các lệnh trừng phạt gần đây của ĐCSTQ đối với Liên minh châu Âu là “tồi tệ” và ám chỉ rằng ông sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với động thái của ĐCSTQ.
Về phía ĐCSTQ, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ bày tỏ không hài lòng với Hội nghị thượng đỉnh ngày 11/5, cho rằng hội nghị này mang đầy định kiến về ý thức hệ.
Tại Hội nghị, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Trump là H.R.McMaster cũng phát biểu cho biết rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất đối với dân chủ thế giới, ĐCSTQ càng lớn mạnh thì thế giới sẽ càng trở nên bất an và nguy hiểm.
“Vấn đề mà chúng ta đang đối mặt, vấn đề mà cả thế giới đang phải đối mặt là Trung Quốc đang thúc đẩy mô hình phát triển chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa trọng thương (*). ĐCSTQ không chỉ đàn áp tự do tại nội địa Trung Quốc, còn thúc đẩy các hành động diệt chủng dần dần ở Tân Cương, và mở rộng đàn áp đến Hồng Kông. Họ cũng sử dụng con tin để thúc đẩy lợi ích, những công dân Canada như Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị họ bắt giữ làm con tin. Họ sử dụng công nghệ phương Tây để hoàn thiện quốc gia cảnh sát. Tuyệt đối thiếu hụt pháp trị. Điều làm tất cả chúng ta lo lắng là ĐCSTQ đang tích cực xuất khẩu mô hình của họ”, ông nói.
McMaster nói thêm rằng những hành động của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã thúc đẩy các nước dân chủ trên toàn cầu đoàn kết hơn. Ông nhắc lại chuyện binh sĩ ĐCSTQ giết binh sĩ Ấn Độ tại biên giới giữa hai nước trên dãy Himalaya, ĐCSTQ đâm tàu đánh cá Việt Nam trên Biển Đông và tiến hành cải tạo quy mô lớn để xây dựng các đảo, ĐCSTQ áp đặt chế tài kinh tế đối với Úc và gây nhiều mối đe dọa đối với Đài Loan, đã thực hiện các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Mỹ, kiểm soát việc xuất khẩu thiết bị y tế trong thời kỳ dịch bệnh, đe dọa Nhật Bản tại quần đảo Senkaku (quần đảo Điếu Ngư), áp dụng “ngoại giao sói chiến” gây hấn với các nước, tất cả đều làm cho toàn thế giới thức tỉnh rằng ĐCSTQ không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc mà là vấn đề của toàn cầu.
Trước những hành động hiếu chiến của ĐCSTQ, nhiều nước từ Á sang Âu đến Úc đã phải có hành động đáp trả. Những bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh dân chủ kêu gọi thành lập “liên minh công nghệ” của các nước dân chủ để chống lại việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến trong thế kỷ 21.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh còn có các nhà hoạt động và chính trị gia đến từ các nước như Myanmar, Belarus, Venezuela.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Denver (The University of Denver, DU) của Mỹ, ông Fritz Mayer cho biết dù thế giới dân chủ trên toàn cầu hiện đang phải đối mặt đe dọa ở mức cấp bách, nhưng những nỗ lực tại các nước dân chủ cũng mang lại nhiều hy vọng cho loài người.
“Ban đầu chúng tôi cho rằng những gì phải làm là phát triển kinh tế, sau đó dân chủ sẽ đến sau. Nhưng chúng tôi không còn tự mãn nữa. Chúng tôi nhận thấy sự thức tỉnh và mong mỏi của mọi người để giải quyết vấn đề ở nhiều cấp độ. Thành lập một liên minh dân chủ trên quy mô toàn cầu, thông qua diễn đàn này có thể đoàn kết các nước dân chủ trên thế giới…”, ông nói.
Tiêu Nhiên, Vision Times
(*) Chủ nghĩa trọng thương là một ứng dụng thực hành giả thuyết kinh tế, được sử dụng rộng rãi ở châu Âu từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, thúc đẩy việc chính quyền điều phối nền kinh tế quốc gia với mục đích làm tăng quyền lực nhà nước đó bằng việc làm suy giảm sức mạnh của các nước đối địch.
Xem thêm:
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…