Israel và Lebanon đã đồng ý một dự thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát một vùng biển phía đông của Biển Địa Trung Hải.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun (phải) cùng Thủ tướng Lebanon Najib Mikatiâ (trái) sau khi thỏa thuận biên giới trên biển giữa Lebanon và Israel được ký kết tại Beirut, Lebanon vào ngày 11/10/2022. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Lãnh đạo của hai nước bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được cơ quan thẩm quyền hai nước phê chuẩn, qua đó giải quyết các vùng đặc quyền kinh tế và ranh giới hàng hải của họ, nơi mỗi nước sẽ có độc quyền khai thác tài nguyên. Đáng chú ý, cho đến nay, Israel và Lebanon vẫn chưa có quan hệ chính thức trực tiếp.
Khu vực tranh chấp bao gồm mỏ dầu khí Karish và khu vực hứa hẹn có mỏ dầu khí Qanaa. Israel cho biết, họ sẽ bắt đầu khai thác dầu khí từ mỏ Karish và xuất khẩu sang châu Âu.
Theo tờ The New York Times, Đặc phái viên Hoa Kỳ Amos Hochstein, người đã giúp môi giới cho thỏa thuận này, nhận định rằng có thể mất “vài năm” trước khi khí đốt đến tay người tiêu dùng châu Âu, nhưng ông nhấn mạnh rằng “nó gửi một thông điệp rất quan trọng đến Nga” trong bối cảnh Moscow đã sử dụng nguồn cung năng lượng để gây sức ép lên EU.
Trong một thông báo, Tổng thống Lebanon Michel Aoun lưu ý, thỏa thuận này, được Hoa Kỳ bảo đảm, “đáp ứng các yêu cầu của họ và bảo vệ quyền của Lebanon đối với tài sản thiên nhiên này.”
Thủ tướng Israel Yair Lapid ca ngợi, đây là một “thành tựu lịch sử” sẽ củng cố an ninh của Israel, bơm hàng tỷ đô la vào nền kinh tế Israel và đảm bảo sự ổn định cho biên giới phía bắc của chúng tôi.
Thỏa thuận này vẫn phải đối mặt với những thách thức chính trị và pháp lý ở Israel. Thủ tướng Lapid sẽ triệu tập một cuộc họp nội các an ninh, sau đó là một cuộc họp đặc biệt của chính phủ vào ngày 12/10.
Các quan chức Lebanon tuyên bố họ sẽ phê chuẩn thỏa thuận này, nhưng cảnh báo rằng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ký bất kỳ “hiệp ước” nào với Israel và thỏa thuận này không phải là một bước để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, về cơ bản vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
CNN đưa tin, tuần trước, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati giải thích, một thỏa thuận “sẽ giúp chúng ta tránh khỏi một cuộc chiến rõ ràng trong khu vực.”
Thỏa thuận biên giới hàng hải giữa Israel và Lebanon không ảnh hưởng đến biên giới trên bộ giữa hai nước, nhưng có khả năng sẽ làm giảm căng thẳng về an ninh và kinh tế. Các chuyên gia an ninh dự đoán, thỏa thuận có thể làm giảm căng thẳng giữa Israel với nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon, vốn đã đe dọa sẽ tấn công các tài sản khí đốt tự nhiên của Israel ở Địa Trung Hải
Theo hãng tin AP, Tiến sĩ Yoel Guzansky, giảng viên nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho rằng: “Nó [thỏa thuận] có thể giúp tạo ra và tăng cường khả năng răn đe lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah.”
Gia Huy (Theo Newsweek)
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…