Jack Ma được xác nhận là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc

Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn Alibaba có quy mô lớn nhất Trung Quốc, vừa được chính thức xác nhận là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, một cơ quan ngôn luận của chính phủ nước này.

Jack Ma, chủ tịch, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba vừa được xác nhận là thành viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ảnh: Flickr)

Ông Jack Ma, đồng sáng lập và chủ tịch tập đoàn Alibaba, là một trong 100 nhân vật đã “có nhiều đóng góp” cho sự phát triển của đất nước, được Trung Ương ĐCSTQ vinh danh trong dịp kỷ niệm 40 năm mở cửa đổi mới hôm 26/11.

Trước đó, Jack Ma đã từng được giới thiệu là thành viên ĐCS một vài sự kiện của chính phủ Trung Quốc, nhưng ông chưa bao giờ công khai thừa nhận điều này.

“Jack Ma, 54 tuổi, thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có đóng góp to lớn thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước”, tờ Nhân Dân Nhật Báo trích tuyên bố của Trung Ương ĐCSTQ ghi.

“Dưới sự lãnh đạo của ông, Alibaba đã vươn lên đứng trong top 10 công ty toàn cầu về giá trị thị trường, khiến cho Trung Quốc trở thành một thành viên hàng đầu trong ngành thương mại điện tử, tài chính internet và điện toán đám mây thế giới, sản sinh ra một số lượng lớn các doanh nhân và dự án khởi nghiệp khác,” tờ báo viết tiếp.

Trong danh sách này còn có CEO của Tencent Pony Ma, CEO Baidu Robin Li, hai người được tờ báo mô tả là “phi đảng phái”.

Jack Ma là người giàu nhất Trung Quốc với số tài sản 38,4 tỷ USD, theo Danh sách Tỷ phú của Bloomberg. Tập đoàn Alibaba do ông sáng lập đã thống trị ngành thương mại điện tử Trung Quốc và đang vươn ra các quốc gia khác một cách mạnh mẽ. Giá trị thị trường của công ty này đạt 400 tỷ USD, và đứng thứ 10 trong số các công ty lớn nhất thế giới.

Hiện chưa rõ Jack Ma đã là đảng viên từ lâu và giữ bí mật hay ông mới tham gia ĐCSTQ. Theo tờ Nikkei của Nhật, một số người hoài nghi động cơ việc chính phủ Trung Quốc tiết lộ thân phận của Jack Ma. ‘ĐCSTQ rõ ràng muốn lợi dụng sự nổi tiếng của ông ta để tăng uy tín của mình”, nhà phân tích Kokichiro Mio tại Viện nghiên cứu NLI, Tokyo nói.

Mio nghi ngờ rằng lí do là vì sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với ĐCS đang giảm đi và người ta ngày càng xem Đảng là một tổ chức của giới tinh hoa, quý tộc, tách biệt với phần còn lại của xã hội Trung Quốc.

ĐCSTQ có 90 triệu thành viên còn dân số Trung Quốc là gần 1,4 tỷ người. Chưa rõ Jack Ma chỉ là đảng viên bình thường hay sẽ được thăng cấp vào ban chấp hành trung ương đảng gồm 200 thành viên do chính ông Tập Cận Bình làm chủ tịch. Hồi tháng 9, Jack Ma tuyên bố ông sẽ từ chức chủ tịch Alibaba vào năm sau, và giao lại vị trí này cho CEO Daniel Zhang.

Ông Ma là một người tích cực ủng hộ các chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vài năm qua. Năm 2016, ông đề xuất Cục an ninh quốc gia vận dụng công nghệ big data để phòng chống tội phạm, ủng hộ nỗ lực xây dựng một “nhà nước giám sát” đầu tiên trên thế giới để thu thập thông tin và theo dõi hơn 1 tỷ người.

Năm ngoái, sau khi ông Tập nói rằng việc xóa bỏ bất công xã hội đang trở thành một vấn đề quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Jack Ma là một trong những người đầu tiên hưởng ứng. Ông nói với một tờ báo nhà nước rằng các doanh nhân Trung Quốc giàu có phải có trách nhiệm giúp những người khác cùng giàu lên.

Ranh giới giữa kinh doanh và chính trị tại Trung Quốc đang ngày càng mờ nhạt sau khi ông Tập Cận Bình ra chiến dịch củng cố sự lãnh đạo của ĐCS trên khắp các mặt của xã hội, đặc biệt là kinh tế. Nhưng việc này có lúc đã tạo ra căng thẳng khi lợi ích giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước có xung đột, theo Bloomberg.

“Chúng ta đang chứng kiến quan hệ ngày càng mật thiết giữa các công ty internet hàng đầu Trung Quốc với chính phủ nước này, bởi vì chính phủ Trung Quốc nhìn nhận họ là một trong những công cụ hiệu quả nhất để thực hiện các kế hoạch chính trị,” Mark Natkin, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Marbridge có trụ sở tại Bắc Kinh nói với Bloomberg.

Năm 1978, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách kinh tế biến một quốc gia bảo thủ theo học thuyết kinh tế tập trung trở thành một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó khu vực tư nhân có nhiều không gian hoạt động hơn. Điều này, cộng với chính sách mở rộng cửa thu hút đầu tư nước ngoài đã khiến nước này mau chóng đạt tốc độ tăng trưởng cao và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Trọng Đức

Xem thêm:

Trọng Đức

Published by
Trọng Đức

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

4 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

18 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

40 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago