Kết thúc G7: Đoàn kết chống khủng bố, chia rẽ về khí hậu

Hội nghị thường niên nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 diễn ra tại Sicily, Ý đã kết thúc vào thứ Bảy (27/5). Các cường quốc kinh tế thế giới đạt được đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề khủng bố, nhưng lãnh đạo 6 nước còn lại vẫn chưa thể thuyết phục ông Trump ủng hộ thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo G7 có mặt tại thành phố Sicily, Ý trong hội nghị thượng đỉnh thường niên 26/5/2017

Reuters, dẫn nguồn từ các quan chức các nước G7, cho biết 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Candana đã đạt được đồng thuận cao về một loạt các vấn đề chính sách đối ngoại, trong đó bao gồm các đối sách với Syria, Libya và Bắc Triều Tiên.

Lãnh đạo cấp cao G7 cũng hứa sẽ tăng cường các nỗ lực để chống lại chủ nghĩa cực đoan sau khi một chiến binh Hồi giáo đánh bom tự sát giết chết 22 người tại một buổi hòa nhạc ở miền bắc nước Anh hôm thứ Hai (22/5). Nguyên thủ các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ internet và các công ty truyền thông xã hội nên “tăng đáng kể” nỗ lực kiềm chế nội dung cực đoan phát tán trên mạng.

Thủ tướng Anh Theresa May, người đã phải bỏ dở các cuộc đàm phán hôm thứ Bảy để về nước sớm  một ngày vì cuộc tấn công khủng bố tại Manchester, nói rằng: “Mối đe dọa khủng bố là điều mà tất cả các quốc gia chúng ta phải đối mặt và hơn bao giờ hết, bây giờ chúng ta phải củng cố quyết tâm để vượt qua mối đe dọa này”.

Cuộc họp giữa 7 siêu cường đã phải kéo dài lâu hơn lịch trình ban đầu khi 6 nước còn lại cố gắng thuyết phục tân lãnh đạo Hoa Kỳ đồng ý thông qua thỏa thuận Paris ngay lập tức.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn không dịch chuyển quan điểm của mình.

Sau nhiều giờ thảo luận, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni nói với các phóng viên rằng quan điểm của Mỹ về hiệp định Paris vẫn là một “câu hỏi mở”.

Tất cả các lãnh đạo khác [Đức, Nhật Bản, Ý, Anh, Pháp và Canada] đã xác nhận họ hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận Paris”, ông Gentiloni nói. Cựu Tổng thống Barack Obama đã ký thỏa thuận Paris về hạn chế phát thải carbon vào năm 2015, nhưng ông Trump hiện đang cân nhắc có thể rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận này. Ông đã cam kết làm như vậy trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, nhằm tiết kiệm chi phí cho chính phủ và giảm rào cản pháp lý khiến các ngành năng lượng và công nghiệp liên quan của Mỹ bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nói rằng các cuộc thảo luận với ông Trump về vấn đề biến đổi khí hậu đã “gây nhiều tranh cãi” và “cực kỳ căng thẳng”.

Theo tờ Washington Times, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ đưa ra quyết định về thỏa thuận Paris sau khi về nước. Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, ông Gary Cohn cũng nói rằng lịch trình làm việc của tổng thống chưa có gì thay đổi.

Ông Cohn giải thích rằng: “Các nhà lãnh đạo G7 muốn biết bao giờ nước Mỹ quyết định về [thỏa thuận Paris], và ông Trump nói cần chờ xem: ‘đây là điều mà tôi muốn đưa ra quyết định đúng đắn. Tôi chấp nhận tốn thời gian, tôi muốn hiểu rõ các vấn đề và đưa ra quyết định đúng’

Ông ấy đến đây để học hỏi. Ông đến đây để có nhiều hiểu biết hơn. Ông đến đây để lắng nghe quan điểm của các nhà lãnh đạo thế giới”. Ông Cohn cho biết thêm.

Ông Cohn cũng nói rằng quan điểm của tổng thống “đang có tiến triển”.

Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông H.R. McMaster nhấn mạnh rằng ông Trump cuối cùng sẽ đưa ra quyết định của mình bằng việc dựa vào “điều mà ông nghĩ là tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ”.

Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Trump cũng không có cùng quan điểm với các nhà lãnh đạo khác về thương mại và nhập cư.

Ông Trump cho rằng thương mại đa phương chính là nguyên nhân dẫn đến nước Mỹ chịu thâm hụt  cán cân xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua. Ông chủ Nhà Trắng đòi hỏi các bên cần tạo ra “một sân chơi công bằng”.

Chủ nhà Ý mong muốn giải quyết vấn đề người châu Phi di cư vào châu Âu bằng các biện pháp hòa dịu và vận động. Nước Ý muốn các nước G7 giúp ‘lục địa đen’ phát triển được nền kinh tế của họ qua đó thuyết phục những thanh niên trẻ châu Phi ở lại quê hương mình.

Theo Reuters, hơn một nửa triệu người Phi châu đã đổ bộ vào Ý từ năm 2014 qua biển Địa Trung Hải. Chỉ riêng trong ngày thứ  Sáu (26/5) giới chức Ý đã cứu được 1.400 di dân châu Phi lênh đênh trên biển vào bờ an toàn.

Một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng, chính quyền Trump đã phản đối mãnh mẽ đề xuất của chủ nhà Ý rằng cần tập trung vào tác động tích cực của di dân và thúc đẩy một sáng kiến an ninh lương thực, tuy nhiên không rõ sáng kiến này là gì.

Sau khi hoàn thành 2 ngày làm việc tại Sicily, Tổng thống Trump sẽ trở lại Washington vào Chủ Nhật 28/5, kết thúc chuyến công du 8 ngày qua 5 điểm đến ở cả 2 châu lục Á và Âu.

Tân Bình

Xem thêm:

Tân Bình

Published by
Tân Bình

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

10 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

41 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

55 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

1 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago