Vào hôm tối thứ Sáu (29/11), một vụ nổ nghiêm trọng đã làm hư hại tuyến kênh Ibar-Lepenac ở thị trấn Zubin Potok phía bắc Kosovo, nguồn cung cấp nước chính cho hai nhà máy điện than của khu vực. Vụ nổ đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện và nước uống tại một số khu vực của Kosovo mà không có bất kỳ báo cáo thương vong nào.
Thủ tướng Kosovo, ông Albin Kurti, tuyên bố vụ nổ này “là một hành động tội phạm và khủng bố nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta. [Vụ đánh bom] được thực hiện bởi những kẻ chuyên nghiệp”. Ông Kurti cũng cáo buộc Serbia đứng sau vụ việc: “nó đến từ các băng nhóm do Serbia chỉ đạo”, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Trên mạng xã hội X, ông Kurti cam kết mạnh mẽ rằng Pristina [thủ đô của Kosova] “sẽ truy cứu trách nhiệm những kẻ liên quan”.
Đảng Serb List, đại diện cho cộng đồng người Serbia thiểu số tại Kosovo nơi người Albania chiếm đa số, tuyên bố với truyền thông rằng vụ tấn công vào tuyến kênh này “hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của người dân Serbia”. Đảng này cũng yêu cầu NATO (lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế) và EULEX (phái đoàn dân sự của EU tại khu vực ly khai) tiến hành một cuộc “điều tra khẩn cấp” về vụ nổ.
Kosovo đã thực thi các biện pháp khẩn cấp, chẳng hạn như huy động lực lượng quân đội, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Hội đồng An ninh Kosovo, sau các cuộc họp khẩn cấp vào sáng hôm thứ Bảy (30/11), tuyên bố rằng “[họ] đã thông qua các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường bảo vệ các cơ sở và dịch vụ trọng yếu như cầu, trạm biến áp, ăng-ten, hồ chứa, và các kênh dẫn nước”.
Bộ trưởng Năng lượng, bà Artane Rizvanolli cho hay, một số các biện pháp khẩn cấp khác được thực thi, chẳng hạn như hợp tác chặt chẽ với Albania để bổ sung nguồn cung cấp điện, đồng thời điều động xe chở nước tới hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng.
Lực lượng cảnh sát Kosovo đã bắt giữ tám nghi phạm liên quan đến vụ nổ, đồng thời thu giữ một lượng lớn vũ khí, quân phục, và chất nổ trong các cuộc truy quét.
“Chúng tôi đã khắc phục được thiệt hại, bắt giữ các nghi phạm và tịch thu một kho vũ khí khổng lồ”, Bộ trưởng Nội vụ Xhelal Svecla tiết lộ trong một cuộc họp báo trực tiếp.
Chỉ huy cảnh sát Gazmend Hoxha cho biết các nghi phạm “bị nghi ngờ đã kích động, tổ chức, và thậm chí thực hiện các hành động khủng bố gần đây, đặc biệt là vụ nổ tại tuyến kênh Iber-Lepenac”.
Theo ông Hoxha, cuộc điều tra ban đầu cho thấy khoảng 15-20 kg thuốc nổ đã được sử dụng trong vụ tấn công, thể hiện mức độ chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh vi của kẻ chủ mưu.
Cảnh sát đã truy quét 10 địa điểm, tịch thu hơn 200 bộ quân phục, sáu bệ phóng tên lửa vác vai, súng trường, súng ngắn, và đạn dược.
Những nghi phạm bị nghi ngờ là thành viên của tổ chức Civilna Zastita, một tổ chức người Serbia địa phương bị chính phủ Kosovo liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vučić, phủ nhận mọi cáo buộc, nhận xét rằng đây là “những lời buộc tội vô căn cứ”.
Trên trường quốc tế, nhiều quốc gia và tổ chức đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ nổ.
Đại diện Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu tuyên bố ủng hộ Kosovo điều tra và xử lý vụ việc.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Kosovo, ông Jeff Hovenier, viết trên mạng xã hội X rằng Washington đã đề nghị “hỗ trợ toàn diện cho chính phủ Kosovo để bảo đảm những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ tấn công tội ác này được xác định và bị trừng phạt”.
Trong khi, liên minh NATO cũng lên án vụ tấn công và khẳng định sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực nhằm duy trì an ninh trong khu vực.
Vụ nổ khiến căng thẳng giữa Kosovo và Serbia vốn đã âm ỉ leo thang, đặc biệt tại khu vực phía bắc Kosovo nơi cộng đồng người Serbia chiếm đa số.
Trước đó trong tuần, hai vụ tấn công khác bằng lựu đạn đã xảy ra tại một đồn cảnh sát và một tòa nhà chính quyền ở Zvecan, tuy không gây thương vong nhưng để lại nhiều thiệt hại về tài sản.
Kosovo, với đa số dân cư là người Albania, đã tuyên bố độc lập rời khỏi Serbia vào năm 2008, gần một thập kỷ sau cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Serbia.
Hoa Kỳ cùng nhiều đồng minh đã công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền vào năm 2008 sau khi vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, cho đến nay Serbia vẫn không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, cùng với Nga và Trung Quốc, cũng như một số quốc gia khác, khiến tình hình chính trị và sắc tộc tại khu vực luôn trong trạng thái căng thẳng.
Người Serbia, cư ngụ chủ yếu tại khu vực phía bắc Kosovo, vẫn coi thủ đô Belgrade của Serbia là thủ đô của họ.
Liên minh NATO, với vai trò gìn giữ hòa bình tại Kosovo từ năm 1999, vẫn luôn duy trì sự hiện diện tại Kosovo, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh trong bối cảnh tranh chấp vẫn tiếp diễn không hồi kết.
Hầu như tất cả bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Han Duck-soo muốn…
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã lên tiếng chỉ trích cách chi tiêu quốc phòng…
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun đứng ra nhận trách nhiệm vụ thiết…
Sau khi Nga và Ukraine khai chiến, xuất hiện nghi ngờ sự cố về tuyến…
Khuya ngày 1/12, tại làng Đại Đôn ở Tp. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung…
Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí cho thuê vỉa hè để…