Trong cuộc phỏng vấn với AFP hôm thứ Năm (9/9), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gợi ý cộng đồng quốc tế duy trì đối thoại với Taliban ở Afghanistan, cảnh báo rằng cần phải tránh một “sự sụp đổ kinh tế” với khả năng hàng triệu người chết.
Ông nói: “Chúng ta phải duy trì đối thoại với Taliban, trong đó chúng ta khẳng định các nguyên tắc của mình một cách trực tiếp. Đó là một cuộc đối thoại với tinh thần đoàn kết với người dân Afghanistan.”
“Nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng tình đoàn kết với một dân tộc đang chịu nhiều đau khổ, nơi hàng triệu triệu người có nguy cơ chết vì đói”, ông Guterres nói thêm.
Người đứng đầu LHQ cho biết “không có gì đảm bảo” về những gì có thể xảy ra từ các cuộc đàm phán nhưng các cuộc thảo luận là điều bắt buộc “nếu chúng ta muốn Afghanistan không trở thành trung tâm của Chủ nghĩa khủng bố, nếu chúng ta muốn phụ nữ và trẻ em gái không bị mất tất cả các quyền có được trong thời kỳ trước đó, nếu chúng ta muốn các nhóm dân tộc khác nhau có thể được quyền đại diện.”
Điều mà LHQ mong muốn là “một chính phủ hòa nhập”, nơi tất cả các thành phần của xã hội Afghanistan đều được đại diện, và “chính phủ sơ bộ đầu tiên” được công bố cách đây vài ngày “không mang lại ấn tượng đó”, ông Guterres nói thêm với vẻ tiếc nuối. Ông cũng không loại trừ việc sẽ đến Afghanistan một ngày nào đó nếu điều kiện phù hợp.
“Chúng ta cần tôn trọng nhân quyền, phụ nữ và trẻ em gái. Khủng bố không có cơ sở ở Afghanistan để tiến hành các hoạt động ở các nước khác và Taliban phải hợp tác trong cuộc đấu tranh chống ma túy”.“
Ông Guterres nói thêm rằng Taliban muốn được công nhận, hỗ trợ tài chính và các biện pháp trừng phạt được bãi bỏ.
“Điều đó tạo ra một đòn bẩy nhất định cho cộng đồng quốc tế”, ông nói và cho biết “một tình huống suy thoái kinh tế có thể tạo ra những hậu quả nhân đạo kinh hoàng” và điều đó phải được tránh.
“Tôi không nói về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay công nhận [Taliban]. Tôi đang nói về các biện pháp có mục tiêu để cho phép nền kinh tế Afghanistan dễ thở”, người đứng đầu LHQ nói với AFP.
Deborah Lyons, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Afghanistan, kêu gọi thế giới ít nhất hãy trao cơ hội cho Taliban khi lực lượng này bắt đầu quản trị đất nước đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Bà Lyons nói với trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an: “Phải tìm ra một phương thức nhanh chóng cho phép dòng tiền tiếp tục chảy đến Afghanistan để ngăn chặn sự suy thoái hoàn toàn của nền kinh tế và trật tự xã hội”.
Nếu không, kết quả sẽ là “một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến hàng triệu người khác rơi vào cảnh đói nghèo, có thể tạo ra một làn sóng lớn người tị nạn từ Afghanistan và thực sự khiến Afghanistan thụt lùi trong nhiều thế hệ”.
Bà cảnh báo rằng nhà cầm quyền mới của Afghanistan không thể trả lương và người dân đang đối mặt với một cơn bão khủng hoảng bao gồm tiền tệ lao dốc, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh, cùng với tình trạng thiếu tiền mặt tại các ngân hàng tư nhân.
Các nhà tài trợ nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp hơn 75% chi tiêu công dưới thời chính phủ được phương Tây hậu thuẫn của Afghanistan trong 20 năm qua. Khi Taliban tiếp quản Afghanistan, các khoản tài trợ đã nhanh chóng bị tạm dừng.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng cởi mở về viện trợ nhân đạo, nhưng nói rằng bất kỳ huyết mạch kinh tế trực tiếp nào, bao gồm cả việc giải phóng khoảng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan, sẽ phụ thuộc vào các hành động của Taliban, bao gồm việc cho phép người dân rời đi an toàn.
Bà Lyons nói rằng cần có các biện pháp để đảm bảo rằng số tiền này được chi tiêu đúng nơi cần tiêu và không bị các nhà chức trách trên thực tế sử dụng sai mục đích.
Bà cho rằng cần cho Taliban vài tháng tới có cơ hội thể hiện sự linh hoạt và ý chí thực sự để làm những điều khác biệt trong lần cầm quyền này, đặc biệt là từ góc độ nhân quyền, giới tính và chống khủng bố.
Theo Chương trình Phát triển LHQ cho biết, Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất, với 72% dân số sống không quá một đô la mỗi ngày.
Con số này có thể tăng lên 97% vào giữa năm 2022 do nguồn tiền nước ngoài cạn kiệt và đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, Giám đốc châu Á của cơ quan LHQ, Kanni Wignaraja cho biết.
Liên Hợp Quốc đang lên kế hoạch cho một hội nghị cam kết hỗ trợ nhân đạo Afghanistan vào thứ Hai tuần tới, mặc dù không có sự tham dự của chính phủ Taliban – vốn chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận.
Lời kêu gọi ủng hộ được đưa ra bất chấp những lo ngại rộng rãi về một chính phủ lâm thời do Taliban công bố hôm 7/9 vừa rồi, nhưng không có phụ nữ và lại bao gồm một số Bộ trưởng trong danh sách giám sát của LHQ về các cáo buộc khủng bố.
Bà Lyons cho biết đã có “những cáo buộc đáng tin cậy” rằng Taliban đã thực hiện các vụ sát hại trả đũa lực lượng an ninh bất chấp những lời hứa ân xá.
Bà cũng bày tỏ lo ngại về việc gia tăng quấy rối các nhân viên Afghanistan của Liên Hợp Quốc, mặc dù bà nói rằng Taliban phần lớn tôn trọng cơ sở của cơ quan thế giới này.
Malala Yousafzai, người bị chi nhánh Taliban ở Pakistan bắn vào đầu năm 15 tuổi vì ủng hộ giáo dục trẻ em gái, cho biết cô đã nghe về ngày càng nhiều trường hợp trẻ em gái Afghanistan và giáo viên nữ được yêu cầu ở nhà.
Người đoạt giải Nobel kêu gọi gia tăng áp lực quốc tế đối với Taliban.
Các cường quốc trên thế giới nên gửi một “thông điệp rõ ràng và cởi mở” tới Taliban rằng bất kỳ mối quan hệ nào cũng phụ thuộc vào việc giáo dục của trẻ em gái, cô nói với Hội đồng Bảo an.
Lê Xuân (theo AFP)
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…