Mỹ đặt nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc vào vị trí trung tâm của chính sách về an ninh quốc gia trong nhiều năm nay, trong bối cảnh cả hai bên đang tỏ ra bất đồng trong hàng loạt các lĩnh vực từ công nghệ và nhân quyền, cho đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.
Chỉ thị của ông Austin dựa trên đề xuất của một lực lượng đặc nhiệm thuộc Lầu Năm góc do Tổng thống Joe Biden thành lập hồi tháng 2.
“Chỉ thị này từ Bộ trưởng đảm bảo rằng Lầu Năm Góc sẽ hoạt động theo các ưu tiên đã được đề ra đối với Trung Quốc”, một quan chức quốc phòng cấp cao cho hay.
Thông cáo của Lầu Năm Góc tuyên bố rằng những sáng kiến này sẽ giúp nâng cao năng lực của quân đội Mỹ nhằm “hồi sinh mạng lưới các đồng minh và đối tác, tăng cường khả năng răn đe và đẩy mạnh việc phát triển các ý tưởng vận hành mới”.
Hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết được tiết lộ về những sáng kiến nêu trên.
Tháng trước, trong dự thảo ngân sách quốc phòng, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất việc kêu gọi chuyển nhiều tỷ USD từ các hệ thống cũ sang những hoạt động hiện đại hoá quân đội nhằm răn đe Trung Quốc.
Hơn 5 tỷ USD sẽ được chi cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative). Sáng kiến này được tạo ra để đối phó với Trung Quốc và tập trung vào việc cạnh tranh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu nâng cao khả năng sẵn sàng của Mỹ thông qua đầu tư vào các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa.
Tuy nhiên, đề xuất ngân sách này đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp và chuyên gia, trong đó họ cho rằng nó không tập trung đủ mức vào những mối nguy cơ ngắn hạn đến từ phía Trung Quốc.
“Mặc dù chính quyền đã đúng khi đầu tư số tiền đáng kể vào việc nghiên cứu và phát triển nhằm bảo đảm lợi thế cạnh tranh của quân đội ở cuộc chiến trong tương lai, nhưng điều đó không được làm ảnh hưởng đến những nỗ lực tăng cường khả năng răn đe vốn có trước Trung Quốc trong ngắn hạn”, Ashley Townshend, người đến từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney nhận định.
Theo Reuters,
Phan Anh
Xem thêm: