Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tại Đồi Capitol ở Washington, ngày 20/5/2025. (Ảnh: Madalina Vasiliu/ The Epoch Times)
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết đang khẩn trương phân phối hàng chục ngàn tấn lương thực viện trợ trên toàn cầu, phản bác các báo cáo cho rằng Hoa Kỳ chuẩn bị thiêu hủy hàng trăm tấn hàng cứu trợ tồn kho trước khi kịp phân phát.
Theo số liệu chia sẻ với Fox News Digital, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hiện có 59.305 tấn hàng hóa thực phẩm được lưu trữ trong các kho hàng trên khắp Hoa Kỳ và ngoại quốc.
“Mọi lô thực phẩm sẽ hết hạn trước tháng Mười năm 2026 đã được chúng tôi sắp xếp phân phối,” một viên chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại Giao cho biết. “Ý kiến cho rằng chúng tôi đang lãng phí hàng tấn thực phẩm sắp hết hạn là hoàn toàn sai lầm.”
Bộ Ngoại Giao cho biết đã chấp thuận 44.422 tấn lương thực được chuyển giao hoặc tái phân bổ thông qua quan hệ đối tác với Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP), Tổ Chức Cứu Trợ Công Giáo (Catholic Relief Services), Đoàn Thương Xót (Mercy Corps) và Khai Phá Những Biên Giới Mới Trong Nông Nghiệp (CNFA). Con số này bao gồm 30.000 tấn lương thực gần hết hạn đã được lên kế hoạch phân phối đến các khu vực khủng hoảng như Syria, Bangladesh và Sudan.
Ngoài ra, 12.000 tấn lương thực khác đang chờ tái phân bổ cuối cùng. Bộ Ngoại giao nói rằng sự chậm trễ này là do Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) tạm thời đình chỉ việc phân bổ ngân sách theo Điều Khoản II — một vấn đề mà giới chức cho biết hiện đã được giải quyết.
“Trong trường hợp có sự chậm trễ nào gây [trở ngại] cho hoạt động [phân phối lương thực], thì đó không phải là lỗi của Bộ Ngoại giao,” viên chức này nói. “Tất cả số lương thực sẽ hết hạn trong 16 tháng tới đều đã được [tính toán và bố trí].”
Viên chức này cũng bác bỏ các bản tin truyền thông gần đây, cho rằng việc giới truyền thông chỉ tập trung vào một phần rất nhỏ số lương thực sắp hết hạn đã làm sai lệch bức tranh tổng thể. “Một phần rất nhỏ — chưa đến 1% số lượng thực phẩm dự trữ của USAID — mà báo chí đề cập đến chỉ là một ngoại lệ, làm lu mờ một quá trình rất quy mô và có trật tự mà chúng tôi đã điều phối nhằm bảo đảm mọi lô hàng thực phẩm đều được quản lý một cách hữu hiệu và chiến lược.”
Lời biện minh công khai này được đưa ra sau khi nhiều cơ quan truyền thông loan tin rằng chính quyền Trump đã ra lệnh thiêu hủy khoảng 500 tấn lương thực khẩn cấp được lưu trữ tại Dubai do gần hết hạn.
Theo Reuters, trong số đó, 622 tấn đã được chuyển thành công đến các quốc gia như Syria, Bangladesh và Myanmar, còn 496 tấn — trị giá 793.000 USD — đã bị tiêu hủy, kèm thêm 100.000 USD chi phí xử lý.
Sự cố này xảy ra trong khuôn khổ tái cấu trúc sâu rộng hơn nữa chính sách viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ. Đầu tháng Bảy, chính quyền Trump chính thức giải thể USAID, chuyển toàn bộ thẩm quyền về các chương trình phát triển và nhân đạo sang Bộ Ngoại Giao. Sự chuyển giao này đi kèm với những nỗ lực cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ ngoại quốc.
Một đợt tạm ngưng viện trợ hồi tháng Giêng từng khiến Cựu Thanh Tra Bộ Ngoại Giao cảnh báo rằng số lương thực viện trợ trị giá 500 triệu USD có nguy cơ hết hạn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cho hay viện trợ hiện đã được khôi phục trở lại theo mô hình mới.
Với việc USAID bị giải thể, Bộ Ngoại Giao nay chịu trách nhiệm quản trị các chương trình viện trợ quy mô lớn và đang chịu sức ép phải thực hiện hiệu quả. Giới lập pháp và các tổ chức cứu trợ đang theo dõi sát sao liệu lương thực tái phân bổ có đến được tay những người đang cần hay không.
Các Dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ đã khai thác các bản tin về việc thiêu hủy này trong các phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần qua, cáo buộc chính quyền Trump đã quay lưng lại với các nhu cầu nhân đạo cấp bách. Các báo cáo này được công bố lần đầu tiên trên tờ The Atlantic.
Đầu tháng này, Ngoại Trưởng Marco Rubio đã phác thảo tầm nhìn của chính quyền về viện trợ nước ngoài, cho hay ông đang từ bỏ cái gọi là “mô hình từ thiện” để thay thế bằng phương cách khuyến khích tăng trưởng và tự lực cho các quốc gia đang phát triển.
“Chúng ta sẽ ưu tiên cho những quốc gia chứng tỏ được năng lực và ý chí tự [nâng đỡ] chính mình,” ông Rubio viết, “và sẽ tập trung nguồn lực của chúng ta vào những lĩnh vực nơi chúng có thể tạo ra hiệu ứng nhân rộng và thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư bền vững — kể cả các công ty Hoa Kỳ — và đầu tư toàn cầu.”
Chính sách tiếp cận mới này được thiết kế nhằm nhấn mạnh thương mại và đầu tư hơn là viện trợ trực tiếp, đồng thời giúp Hoa Kỳ đối phó hữu hiệu hơn với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Trận mưa lớn tại tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc đã khiến 2 người…
Trong những năm gần đây, loại thuốc lá điện tử được gọi là “dầu không…
Chiếc xe ô tô bán tải chở cán bộ xã đi chống bão cùng người…
Tại thời điểm cuối quý 2, các công ty chứng khoán đã bơm ra thị…
Một thi thể nam giới được phát hiện trôi dạt giữa bãi tắm Bãi Cháy…
Ngành tiền điện tử đã đạt giá trị thị trường 4000 tỷ USD vào ngày…