Mỹ không thoả hiệp an ninh quốc gia trong tiếp cận kinh tế với Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết hôm thứ Năm (2/11) rằng Hoa Kỳ sẽ không thỏa hiệp lợi ích an ninh quốc gia và nhân quyền trong việc theo đuổi mối quan hệ kinh tế “lành mạnh” với Trung Quốc cộng sản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: flickr/Federalreserve)

Nhận xét của bà được đưa ra trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, California vào cuối tháng Mười Một.

Trong bài phát biểu trước Hiệp hội Châu Á ở Washington vào ngày 2/11, bà Yellen cho biết Hoa Kỳ không có ý định tách rời khỏi Trung Quốc mà sẽ tiếp cận “nghiêm túc và sáng suốt” tập trung vào ba mục tiêu chính.

Bà Yellen cho biết mục tiêu đầu tiên bao gồm đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và thúc đẩy nhân quyền. Bà nói rõ, Washington sẽ không thỏa hiệp trong hai lĩnh vực này.

Bà nói: “Khi chúng tôi thực hiện động thái an ninh quốc gia bằng cách sử dụng các công cụ kinh tế, chúng tôi thực hiện theo cách có mục tiêu hẹp, chẳng hạn như với lệnh điều hành của Tổng thống Biden về đầu tư ra nước ngoài, nhằm hoàn thành các mục tiêu an ninh quốc gia của chúng tôi chứ không phải bóp nghẹt sự tăng trưởng ở Trung Quốc”.

Theo bà Yellen, mục tiêu thứ hai là duy trì “mối quan hệ kinh tế lành mạnh” với Trung Quốc mà đôi bên cùng có lợi.

“Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ phản ứng thích hợp với các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc, chẳng hạn như các chính sách phi thị trường gây bất lợi cho các công ty và người lao động Mỹ, các rào cản mà nước này áp đặt trong việc tiếp cận thị trường và việc nước này sử dụng sức mạnh kinh tế để ép buộc các đối tác thương mại dễ bị tổn thương”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Về mục tiêu thứ ba, bà Yellen cho biết Hoa Kỳ đang hợp tác với Trung Quốc về những thách thức toàn cầu hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu và khó khăn nợ nần ở các nước thu nhập thấp.

Tuy nhiên, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua “sự liên lạc sâu sắc và bền vững” giữa hai bên. Bà Yellen nói rằng việc liên lạc như vậy là cần thiết “để ngăn chặn sự hiểu lầm và làm rõ sự đồng ý và bất đồng của đôi bên”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, rớt xuống mức thấp lịch sử do tranh chấp Đài Loan, Biển Đông, thương mại, an ninh, công nghệ và các vấn đề khác.

Chính quyền Biden tìm kiếm sự tham gia cấp cao với ĐCSTQ để ổn định căng thẳng. Các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ – bao gồm bà Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo – trước đây đã đến thăm Trung Quốc để đàm phán với những người đồng cấp nước sở tại. 

Vào ngày 27 tháng 10, Tổng thống Biden nói với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Washington rằng cả hai bên cần “quản lý cạnh tranh trong mối quan hệ một cách có trách nhiệm”“duy trì các kênh liên lạc cởi mở”.

Vì sao Mỹ không tách rời Trung Quốc

Bà Yellen nói rằng việc tách biệt hoàn toàn nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc “đơn giản là không thực tế”, khi xét đến mức độ liên kết kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Sự tách biệt hoàn toàn giữa các nền kinh tế của chúng ta, hoặc các quốc gia, bao gồm các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nếu buộc phải chọn theo bên nào, sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể trên toàn cầu”.

Bà nói: “Chúng tôi không muốn thấy một thế giới bị chia rẽ và những hậu quả tai hại của nó”.

Bà Yellen nói rằng thay vào đó, Washington sẽ theo đuổi việc “giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa” mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh bằng cách đầu tư trong nước và tăng cường liên kết với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới.

Bà Yellen nói: “Chúng tôi thấy sự hợp tác kinh tế với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất quan trọng để củng cố an ninh chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ”, đồng thời bà cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ, Việt Nam và các nước Ấn Độ-Thái Bình Dương khác.

Theo bà Yellen, thương mại giữa Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã “tăng đều đặn” trong thập kỷ qua, đạt 2,28 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Hoa Kỳ đã xuất khẩu khoảng 770 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang khu vực này vào năm ngoái .

“Chúng tôi đang giao dịch khối lượng đáng kể và ngày càng tăng với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì vậy những thay đổi này không có nghĩa là ít giao thương hơn với Trung Quốc, mà chỉ là một mô hình khác của dòng hàng hóa và dịch vụ”.

Bộ trưởng Tài chính nói thêm: “Chúng tôi đang tạo ra các chuỗi cung ứng đa dạng và an toàn, bảo vệ an ninh quốc gia và nâng cao các giá trị của chúng tôi đồng thời phát triển nền kinh tế trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Anh Nguyễn

Anh Nguyễn

Published by
Anh Nguyễn

Recent Posts

Vụ bán cảng Panama của ông Lý Gia Thành: JPMorgan không ngạc nhiên nếu bị trì hoãn thêm

Lần đầu tiên Đại Công Báo đăng bài trực tiếp lên tiếng cho rằng giao…

12 phút ago

Tổng Tham mưu trưởng Philippines: Nếu Đài Loan bị xâm lược, Philippines khó đứng ngoài cuộc

Tổng Tham mưu trưởng Philippines tuyên bố rằng nếu Đài Loan bị xâm lược, Philippines…

24 phút ago

[VIDEO] Việt Nam đánh thuế Mỹ 90% và sẽ nhận mức thuế đối ứng 46%

Ngày 2/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng…

30 phút ago

Tổng thống Trump loan báo thuế quan đối ứng, chào đón sự trở lại của ‘Giấc mơ Mỹ’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư (2/4) đã công bố mức thuế…

33 phút ago

Nhận hối lộ, Phó Chi cục Biển, Hải đảo và Kiểm ngư Cà Mau bị bắt

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam 2…

2 giờ ago

Thanh Hóa: 191 giáo viên bị ‘quên’ nâng lương sẽ được xếp lương tính từ ngày tuyển dụng

191 giáo viên ở huyện Hoằng Hoá nhiều năm nay không được nâng bậc lương,…

2 giờ ago