Hôm thứ Ba (19/7), Hoa Kỳ đã thêm Việt Nam, Campuchia, Brunei và Macao vào danh sách đen buôn người, với cáo buộc những quốc gia này có nỗ lực yếu kém trong việc ngăn chặn hoạt động mại dâm hoặc hỗ trợ lao động nhập cư.
Trong báo cáo thường niên về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao, Mỹ cũng thêm Belarus do chế độ độc tài cai trị vào danh sách đen và đặc biệt còn đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi vì lo ngại nước này không coi trọng việc chống lại nạn buôn người.
“Nếu bạn nhìn vào bản báo cáo, bạn sẽ thấy một bức tranh tổng thể về sự tiến bộ”, Ngoại trưởng Antony Blinken nói khi trình bày.
Ông Blinken nói rằng tham nhũng là “công cụ hàng đầu” của những kẻ buôn người, vốn trông cậy vào sự làm ngơ của các chính phủ.
Ông nói: “Khi chúng tôi giải quyết các vấn đề như khí hậu và tham nhũng trong suốt quá trình ngoại giao của mình, chúng tôi cũng phải giải quyết cách chúng giao thoa với nạn buôn bán người.”
Báo cáo buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ trước đến nay không “tha” cho các đồng minh thân cận. Các quan chức Mỹ nói rằng những tiêu đề không mấy hay ho này đã khiến các chính phủ phải hành động.
Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen – Cấp 3 – phải chịu các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, mặc dù Mỹ sẽ thường từ bỏ trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn cải thiện.
Kari Johnstone, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao phụ trách chống buôn người, nói rằng một số chính phủ châu Á đã bị hạ cấp vì trước đó họ đã nằm trong danh sách theo dõi và không có tiến bộ.
“Thật không may, năm nay có một số quốc gia trong khu vực đã không gia tăng nỗ lực”, bà nói với các phóng viên.
Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy, đã bị hạ cấp xuống Cấp 3, với Bộ Ngoại giao cho biết rằng các vụ truy tố đã chấm dứt vào năm 2021.
Báo cáo cho hay Hà Nội đã không có hành động nào chống lại một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân của họ.
Tại Campuchia, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “nạn tham nhũng phổ biến” đã cản trở nỗ lực giúp đỡ hàng nghìn trẻ em, bao gồm cả trẻ em bị buôn bán đến các cơ sở giải trí, lò gạch và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
“Các nhà chức trách thường bỏ qua, từ chối hoặc coi nhẹ việc lạm dụng lao động – bao gồm cả cưỡng bức lao động trẻ em – trong các nhà máy và tại các lò gạch và thậm chí thông đồng với các nhà sản xuất gạch để bắt giữ, bỏ tù những lao động có hợp đồng lao động đã cố gắng bỏ trốn”, báo cáo cho biết.
Tại thành phố bán tự trị của Trung Quốc Macao, báo cáo cho biết chính quyền đã không cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho một nạn nhân buôn người trong ba năm liên tiếp.
Về vấn đề Bulgaria, Bộ Ngoại giao cho biết các nhà chức trách đã điều tra “ít hơn đáng kể” đối với những kẻ buôn người và đôi khi trừng phạt các nạn nhân.
Nhật Minh (theo Reuters)
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…