Hơn 3.000 thẻ tiêm vắc-xin COVID-19 giả từ Trung Quốc đã bị thu giữ tại Memphis, tiểu bang Tennessee khi đang trên đường vận chuyển tới các thành phố khác ở Mỹ.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã thu giữ một kiện hàng từ Thâm Quyến, Trung Quốc, gửi đến New Orleans, trong đó có chứa 51 thẻ tiêm vắc-xin giả để chừa các khoảng trống, theo CBP cho biết trong một tuyên bố hôm 13/8 vừa qua.
“Đó là chuyến hàng thứ 15 [chứa thẻ tiêm vắc-xin giả] trong đêm hôm đó”, trích nội dung tuyên bố.
Vào ngày 30/3, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết rằng việc mua, bán hoặc sử dụng thẻ tiêm vắc-xin COVID-19 giả là một hành vi phạm tội và những người vi phạm sẽ phải nộp phạt và đối diện với án phạt lên đến 5 năm tù giam.
Ông Jeff Zient, điều phối viên ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng, cho hay hôm 13/08 rằng việc làm giả thẻ tiêm chủng là “một hành vi phạm tội”, trong bối cảnh một số thành phố lớn đã đưa ra những hạn chế mới.
Sau khi thành phố New York thông báo sẽ quy định bắt buộc áp dụng hộ chiếu vắc-xin với một số doanh nghiệp bắt đầu từ tháng tới, và khi có ngày càng nhiều trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc yêu cầu tiêm chủng cho sinh viên tham gia học trực tiếp, thì việc lưu hành các giấy tờ giả mạo cũng bắt đầu tăng nhanh.
CBP cho biết: “Tính đến thời điểm này trong năm tài chính, thành phố Memphis đã thực hiện 121 vụ thu giữ với tổng số 3.017 thẻ tiêm vắc-xin loại [giả] này. Tất cả đều đến từ Trung Quốc”.
Các kiện hàng này đều được mô tả bên ngoài là “Thiệp Giấy Chúc Mừng/Thiệp Chúc Mừng” hoặc “THIỆP BẰNG GIẤY”.
“Các tấm thẻ để chừa những khoảng trống để viết tên người tiêm và ngày sinh, nhà sản xuất vắc-xin, số lô, ngày và nơi tiêm, cũng như logo của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh [và Phòng ngừa] (CDC) ở góc trên bên phải”, theo CBP.
Tuy nhiên, các nhân viên của CBP biết rằng những tấm thẻ này là giả do “chúng được chuyển đến bởi một tổ chức không phải là CDC hoặc tổ chức y tế, và đây không phải là lần đầu tiên họ nhìn thấy đơn vị giao hàng này”.
Những tấm thẻ giả như vậy có lỗi chính tả, từ ngữ không hoàn chỉnh, và có một số đoạn viết bằng tiếng Tây Ban Nha ở mặt sau bị sai chính tả.
“Nếu bạn không muốn tiêm vắc-xin, thì đó là quyết định của bạn. Nhưng đừng đặt hàng giả, lãng phí thời gian của các nhân viên của tôi, vi phạm pháp luật, và cung cấp thông tin không đúng về bản thân mình”, ông Michael Neipert, giám đốc cảng khu vực Memphis cho biết.
Các chính sách của thành phố và trường đại học đã dẫn đến sự xuất hiện của thị trường chợ đen chuyên buôn bán thẻ tiêm vắc-xin giả. Trên Instagram, Telegram, Reddit, Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội tương tự, người dùng có thể lấy thông tin liên hệ của những người bán thẻ tiêm chủng, người ta bán chúng với giá từ 25 USD đến 200 USD mỗi thẻ. Những tấm thẻ này có thể không phải là loại chính thống.
Theo thống kê của The Chronicle of Higher Education, có ít nhất 675 trường cao đẳng và đại học yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng ở Mỹ. Quy trình xác nhận điều này tại nhiều trường học có thể đơn giản như tải một tấm hình của thẻ tiêm vắc-xin lên cổng thông tin dành cho học sinh, theo tờ Associated Press đưa tin hôm 9/8.
Vắc-xin COVID-19 có thể dễ dàng tiếp cận trên khắp Mỹ, tuy nhiên, một số người không sẵn sàng tiêm chủng vì các lý do như tôn giáo hoặc lý do cá nhân.
Một số người dùng mạng xã hội chia sẻ các trường hợp tử vong và gặp những phản ứng phụ liên quan đến việc tiêm chủng, trong khi những người khác lại bày tỏ mối lo ngại rằng vắc-xin không thể bảo vệ mọi người khỏi việc bị nhiễm COVID-19.
Theo USA Facts, tính đến hôm 13/08, có 60% người Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong khi 51% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…