Chính quyền Trump đang tiến tới việc đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Bắc Triều Tiên, trong đó đặc biệt nhắm vào các công ty và ngân hàng của Trung Quốc mà Washington cho rằng đang đổ tiền vào các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay các quan chức cấp cao trong nội các Trump gần đây phát đi các chỉ dấu cho thấy Nhà Trắng đã sẵn sàng sử dụng quyền lực của mình để cắt dòng tiền đổ vào chế độ Kim Jong-un. Các nhà phân tích chính trị quốc tế nhận định rằng mặc dù các quan chức Hoa Kỳ muốn ưu tiên hành động tập thể thông qua Liên Hợp Quốc (LHQ) và sự hỗ trợ từ Trung Quốc, nhưng việc gần đây Bắc Hàn thử thành công tên lửa xuyên lục địa (ICBM) khiến cho Washington phải đẩy nhanh các nỗ lực đơn phương.
Các biện pháp trừng phạt của LHQ áp đặt lên Bắc Hàn chưa mang lại hiệu quả
Trong nhiều năm qua Bắc Triều Tiên đã đối phó khá hiệu quả với các áp lực như vậy từ cả Hoa Kỳ và cộng động quốc tế và nhiều chuyên gia đặt nghi vấn rằng liệu thời điểm này các biện pháp trừng phạt thắt chặt có tạo được khác biệt hay không. Bình Nhưỡng ngày càng trở nên thông thạo trong việc lách các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc che giấu các giao dịch thương mại quốc tế và các tổ chức tài chính thông qua các công ty ở nước láng giềng Trung Quốc.
Không giống như việc cấm vận Cuba hay các biện pháp trừng phạt Nga, Hoa Kỳ có thể cấm các công ty và cá nhân nước mình giao thương với các nước bị trừng phạt, với Bắc Triều Tiên biện pháp đó không có tác dụng. Bởi vì, kể từ năm 2009, Mỹ hầu như không có bất kỳ giao thương hay mối quan hệ chính thức nào khác với chế độ nhà Kim sau khi Washington đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì nước này liên tục thử hạt nhân và tên lửa. Càng khó khăn hơn cho Mỹ khi đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc cũng luôn phản đối việc bóp nghẹt kinh thế Bắc Hàn. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh ưu tiên giữ nguyên trạng chế độ nhà Kim vì điều đó tạo đòn bẩy địa chính trị cho họ trong bàn cơ ngoại giao quốc tế. Bắc Kinh vẫn luôn thúc giục các bên tránh leo thang căng thẳng và sớm trở lại bàn đàm phán để gải quyết tình hình.
Trước đây, vào năm 2007 chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã đưa được Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sau khi tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng Washington khi đó đã nhượng bộ quá nhanh và các cuộc đàm phán kéo dài và không đi đến đâu đã cho phép Bình Nhưỡng tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa.
Lần này, sau khi Bắc Hàn đã thử thành công ICBM có thể vươn tới các tiểu bang Hawaii và Alaska, các quân chức Hoa Kỳ cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã lớn hơn nhiều và những nỗ lực trừng phạt sẽ phải nghiêm khắc hơn trước đây.
Cả Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Hoa Kỳ gần đây đều đã có những động thái đối phó tích cực hơn với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, trọng điểm nhắm vào các thực thể của Trung Quốc đang hậu thuẫn chế độ Kim Jong-un.
Vào hôm thứ Năm (6/7), Bộ Tư pháp, thông qua một Tòa án liên bang tại Washington D.C, đã ra phán quyết cho phép các cơ quan quản lý hình chính được truy xuất các “tài khoản đồng USD của các các thực tế nước ngoài” có liên quan đến mạng lưới 5 công ty Trung Quốc, được biết đến là “mạng lưới Chi Yupeng”. Chi Yupeng là một công dân Trung Quốc sở hữu 90% cổ phần của Công ty Vật tư Thép Dandong Zhicheng và chi phối vốn ở 4 doanh nghiệp khác, những thực thể được cho là có quan hệ giao dịch thường xuyên với Bắc Triều Tiên.
Bộ Tư pháp Mỹ, dẫn lời hai người đào tị Bắc Triều Tiên, cho biết mạng lưới Chi Yupeng đã che giấu rất nhiều giao dịch giúp tài trợ cho các chương trình quân sự và vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Mạng lưới Chi Yupeng hiện tại chưa nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, nhưng các nhà phân tích cho rằng đó là một nguồn tài chính quan trọng cho Bắc Hàn và cần phải sớm cho vào danh sách cấm để chặn dòng tiền đổ vào chế độ nhà Kim, tương tự như việc chỉ tên và trừng phạt công ty Phát triển Công nghiệp Dandong Hongxiang vào năm ngoái. Các nhà phân tích nói hiện có hơn 20 ngân hàng bị cáo buộc rửa tiền từ công ty Dandong Hongxiang cũng có thể bị Hoa Kỳ nhắm mục tiêu trừng phạt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận về mạng lưới và cá nhân ông Chi Yupeng. Các phóng viên quốc tế cũng chưa thể tiếp cận được Công ty Vật tư Thép Dandong Zhicheng để yêu cầu đại diện doanh nghiệp này cho ý kiến về các cáo buộc liên quan đến giao dịch bất hợp pháp với Bắc Hàn.
Về phía Bộ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Steven Mnuchin nói rằng ngay từ trước khi Bắc Triều Tiên thử ICBM, chính quyền Trump đã bắt đầu cố gắng thắt chặt các biện pháp trừng phạt để cắt đứt “tất cả các dòng tiền bất hợp pháp tới Bình Nhưỡng. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những hành động này và tiếp tục đưa ra biện pháp trừng phạt”.
Cuối tháng trước, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ loại bỏ Ngân hàng Dandong của Trung Quốc khỏi các thị trường tài chính Mỹ vì cho rằng Bắc Triều Tiên đang sử dụng các tài khoản ngân hàng giả mạo tại đây và tiến hành các giao dịch tài chính thông qua các ngân hàng ở cả Trung Quốc, Hồng Kông và Đông Nam Á.
Nhiều cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó có ông Juan Zarate – nhà ngoại giao hàng đầu trong chính quyền Bush, nói rằng Washington phải tăng áp lực hơn nữa lên các công ty và ngân hàng Trung Quốc.
Hiện tại Mỹ vẫn đang thận trọng từng bước trong việc gây sức ép trực tiếp lên Bắc Kinh.
Ông Nicholas Eberstadt, chuyên gia an ninh Bắc Triều Tiên thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhận định rằng vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng đã làm thay đổi tính toán của chính quyền Trump. Ông hy vọng Nhà Trắng sẽ tăng cường trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.
Ông Eberstadt cho rằng để có thể loại bỏ các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ, thì cũng cần phải đóng băng các giao dịch của các tổ chức Trung Quốc khác. Tiếp cận các thị trường tài chính của Hoa Kỳ và đồng USD là rất quan trọng đối với thương mại và tài chính trên toàn cầu. Do đó, đây là một biện pháp tốt để gây sức ép lên Trung Quốc và ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp đổ về Bắc Hàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia và các cựu quan chức từ các chính quyền trước cũng cho biết rằng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên hiện tại về cơ bản giống với những gì mà chính quyền Obama từng áp đặt lên Iran.
Các nỗ lực trừng phạt khi đó của ông Obama đã đẩy Tehran vào suy thoái kinh tế và buộc nước này phải trở lại bàn đàm phán, cuối cùng ký thỏa thuận dừng phát triển chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, các chuyên gia về chính sách đối ngoại và Tổng thống Trump đều đặt dấu hỏi về hiệu quả của thỏa thuận mà Mỹ đã đạt được với Iran. Bắc Triều Tiên lại không tham gia sâu vào thị trường toàn cầu như Iran nên hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng vẫn đang là bài toán lớn cần chính quyền Trump giải.
Các quan chức Hoa Kỳ từng đặt nhiều kỳ vọng vào Trung Quốc trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng qua vài tháng chờ đợi Washington đã khá thất vọng với các phản ứng cầm chừng của Bắc Kinh.
Bộ trưởng tài chính Mỹ, ông Mnuchin cho biết vào tuần tới, hai nước Trung – Mỹ sẽ tiếp tục có cuộc hội đàm cao cấp tại Washington và Bắc Triều Tiên vẫn sẽ là trọng điểm trong chương trình nghị sự rất đáng chú ý này.
Tân Bình
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…