Năm 1999, phát biểu sau khi vận động thành công giúp Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói: “Đưa Trung Quốc vào WTO là một quyết định cả hai cùng thắng, nó sẽ bảo vệ sự thịnh vượng của chúng ta, đồng thời nó sẽ thúc đẩy loại thay đổi đúng đắn tại Trung Quốc”.
25 năm sau, “loại thay đổi đúng đắn” mà ông Clinton trông đợi đã không bao giờ xảy ra, thay vào đó là một hệ thống chính trị được gọi là “Xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”, một thứ lai tạp từ chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa bá quyền, thân hữu và độc tài, hoàn toàn trái ngược với mọi giá trị mà nước Mỹ đại diện và do đó, tự nhiên trở thành một đối thủ định mệnh của nước Mỹ. Vấn đề là đối đầu với Trung Quốc mười năm trước thì dễ dàng hơn nhiều khi phải xử lý Trung Quốc vào thời điểm này.
Đi ngược lại lịch sử mấy chục năm trước trong quan hệ Mỹ-Trung, ta có thể thấy sự ngây thơ của giới lãnh đạo Mỹ đã khiến họ tự gieo nên hạt giống tạo thành Trung Quốc hiện nay. Việc Clinton bỏ cấm vận, vận động giúp Trung Quốc được ưu tiên vào WTO, cộng với sự vận dụng của học thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình và chính sách “cúi đầu chờ thời” được truyền đi truyền lại khắp các đời lãnh đạo Trung Quốc đã khiến đất nước rộng lớn này thu gom được một lượng tư bản đầu tư khổng lồ, cộng với sức bật từ hàng trăm triệu người dân lao động đang vùng vẫy trong nghèo đói, Trung Quốc đã dần trở thành công xưởng của thế giới với sức mạnh của nhân công rẻ mạt, hàng hóa giá rẻ len lỏi khắp mọi quốc gia. Chỉ sau hơn 20 năm, nền kinh tế Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu, đang ngập trong khủng hoảng thể chế sau sự sụp đổ của đàn anh Xô Viết, trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Tới nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà nhiều người đã gọi là “Hoàng đế Tập” sau khi gom đủ quyền lực để tự phong danh hiệu “lãnh đạo suốt đời” quyết định rằng thời đại mà Trung Quốc phải cúi mình đã chấm dứt. Kế hoạch “Made in China 2025” tuyên bố dõng dạc một tham vọng biến Trung Quốc từ công xưởng trở thành lãnh đạo kinh tế thế giới, đứng đầu trên các mũi nhọn công nghệ trọng điểm nhất như robot, tự động hóa và mạng viễn thông. Cũng trong thời gian này, nhà kinh tế học cảnh báo nếu tiếp tục xu hướng hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và Mỹ sẽ không bao giờ có thể kiềm chế Trung Quốc được nữa.
Ông Tập khẳng định rằng con đường mà Trung Quốc đang đi, “Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” là một lựa chọn mới cho các quốc gia khác trên thế giới học theo, ám chỉ cho cho việc Trung Quốc sẽ ồ ạt xuất khẩu mô hình chính trị ra nước ngoài nhằm tạo ra một liên minh đối chọi với trật tự thế giới cũ vốn do khối xã hội tự do kiểu Mỹ nắm giữ.
Ông Trump có vẻ đã không sai khi ông nói rằng chính các lãnh đạo của Mỹ và WTO đã tạo ra một Trung Quốc như hiện nay và ông là người được “bề trên” giao sứ mạng phải đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ và lập lại trật tự thế giới tự do.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản thua tan tác. Nước Mỹ tiếp quản Nhật Bản với tư thế của kẻ chiến thắng, nhưng thay vì biến Nhật Bản thành thuộc địa, người Mỹ đã giúp nước Nhật vực dậy. Tướng Douglas MacArthur, người giám sát cuộc chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1951 đã được người Nhật mãi mãi ghi công vì những đóng góp to lớn cho nền dân chủ của đảo quốc này. Nước Mỹ cũng giúp bảo vệ Nhật Bản, trợ cấp giúp nước Nhật vươn lên nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới và trở thành đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Đông bán cầu. Người Mỹ có thể đã cho rằng họ đã có thể biến kẻ thù không đội trời chung là Nhật trở thành đồng minh, thì họ cũng có thể khiến Trung Quốc thay đổi. Nhưng họ đã nhầm.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy đến như một điều tất nhiên sau khi ông Trump tiếp quản Tòa Bạch Ốc. Dù bị chính nhiều người Mỹ không ưa, ông Trump lại đại biểu cho những giá trị bảo thủ truyền thống của nước Mỹ, cho dù có là phiên bản gồ ghề: Ông sùng bái Chúa, chủ trì chính phủ phải giới hạn, đề cao chủ nghĩa tư bản, ủng hộ tự do cá nhân tối đa, bảo vệ mạnh mẽ quyền giữ súng ống và quyền được sống của thai nhi. Đây lại là tất cả những giá trị mà ĐCSTQ đối địch. Sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ, người Trung Quốc phải sùng bái Đảng trước khi sùng bái Chúa hay bất cứ tín ngưỡng vào Thần, Phật nào khác; họ không được tự do biểu đạt mà được hưởng một nền “báo chí kiểm duyệt”, không có quyền sở hữu đất đai, không được giữ vũ khí để bảo vệ tài sản và chỉ vài năm trước, đứa con thứ hai của họ có thể bị công an lôi tuột ra khỏi bụng mẹ nếu bị phát hiện. Sự đối đầu của chính quyền Trump đối với ĐCSTQ không chỉ giới hạn ở chiến tranh thương mại vốn hiện hữu rõ rệt nhất trên các trang báo và truyền thông, đó là cuộc chiến sâu sắc hơn về tất cả các mặt từ ý thức hệ, an ninh cho tới ngoại giao.
Sau khi bắn tiếng súng đầu tiên khai mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào tháng 7/2018, chính quyền Trump lần lượt “vạch tội” ĐCSTQ ở trên mọi lĩnh vực. Phó Tổng thống Mike Pence chỉ thẳng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh chủ yếu của nước Mỹ; Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định đích danh ĐCSTQ mới là kẻ địch của nước Mỹ chứ không phải Trung Quốc hay người dân Trung Quốc. Mới đây, ông Trump ký 2 đạo luật ủng hộ cuộc biểu tình ở Hồng Kông và chế tài bất kỳ quan chức Hồng Kông và Trung Quốc nào liên quan đến việc đàn áp người biểu tình. Trung Quốc mặc dù vô cùng tức giận và đã thề sẽ trả đũa Mỹ, nhưng việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Washington và gượng cười đặt bút ký vào một thỏa thuận hoàn toàn có lợi cho nước Mỹ đã chứng tỏ Bắc Kinh đang phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” tới mức nào.
Ngoài ra, trong năm 2019, Tòa Bạch Ốc khẳng định sự ủng hộ đối với Đài Loan qua các hợp đồng bán vũ khí, lên án Trung Quốc đàn áp tín ngưỡng đối với người Hồi giáo tại Tân Cương và lần đầu tiên, Tổng thống Trump đã tiếp nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Tòa Bạch Ốc. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài hơn 20 năm qua tại Trung Quốc, cùng với chiến dịch mổ bán nội tạng hàng ngàn tín đồ là một trong những bí mật ghê gớm mà ĐCSTQ sợ bị phanh phui nhất.
Cuộc chiến thương mại như một bộ phim đấu trí đầy kịch tính khi mà Washington và Bắc Kinh lúc thì tỏ ra thân tình như huynh đệ thân thiết, khi thì “đấu khẩu” không ngớt, và lúc thì giáng “đòn thuế” kịch liệt. Sau 18 tháng ‘trầy da tróc vảy’, 2 bên tạm thời đi đến thỏa thuận giai đoạn một, về bản chất chỉ là một chốc lát đình chiến ngắn ngủi để hai bên thở lấy hơi trước những gì gay gắt hơn nhiều sẽ diễn ra ở “tập 2”. Trong thỏa thuận đoạn một, Trung Quốc phải “chiều lòng Trump” với cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa trong vòng 2 năm tới, mở rộng thị trường tài chính và ngăn chặn đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của các công ty Mỹ.
Nhưng cái ông Trump cần ở Trung Quốc không chỉ là bán được thêm nhiều hàng hóa, giảm bớt thâm hụt mậu dịch thuần túy, mà còn là sự thay đổi cơ bản trong “cách chơi” của Bắc Kinh trên những sân chơi thương mại quốc tế. Hơn 20 năm qua, Trung Quốc âm thầm tích trữ bí mật thương mại, công nghệ của Mỹ thông qua cưỡng bức chuyển giao, ăn cắp và gián điệp. Có thể nói Trung Quốc giàu mạnh lên là nhờ đứng đằng sau và bòn rút từ gã khổng lồ ngốc nghếch là nước Mỹ, trong khi Mỹ đầy cao thượng một cách ngây thơ khi nghĩ rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”, một khi Trung Quốc đủ giàu có, họ cũng sẽ “chơi đẹp” và gia nhập vào hệ thống chính trị dân chủ như của Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, việc ông Trump đòi hỏi Trung Quốc chơi “công bằng”, tức là ngừng thao túng tiền tệ, chấm dứt trợ cấp cho các công ty quốc doanh và các tập đoàn thân hữu, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và không đánh cắp các bí mật thương mại, cũng tương đương động chạm tới gốc rễ của chế độ Trung Quốc và sự tồn vong của Đảng. Và điều này không dễ chịu đối với ĐCSTQ. Chính lý do này đã khiến Tập Cận Bình ra lệnh cho cấp dưới gỡ bỏ một phần lớn các nội dung trong dự thảo thỏa thuận thương mại song phương mà 2 bên đã đạt được hồi tháng 5 năm ngoái, sau 13 vòng đàm phán gay go. Việc này đã khiến Tổng thống Trump vô cùng tức giận, đẩy cuộc chiến thuế khóa lên mức cực điểm ngay sau đó. Trung Quốc chưa sẵn sàng thay đổi và giới lãnh đạo nước này trong thời gian tới ít có khả năng sẽ nới lỏng bàn tay quyền lực vì lợi ích của người dân của họ. Điều này chính là lý do tại sao Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Trung cần có ít nhất 2 giai đoạn và “giai đoạn 2” của thỏa thuận này sẽ căng thẳng và gay gắt hơn giai đoạn trước rất nhiều lần.
Một điều đáng lo ngại đối với Mỹ đến từ các báo cáo từ các tổ chức quan sát nhân quyền cho thấy Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình “kỹ trị” mang đầy tính áp bức thời đại kỹ thuật số ra các nước khác, thông qua hệ thống vòi bạch tuộc là các tập đoàn quốc doanh như Huawei cũng như hệ mạng lưới điệp cài cắm và mua chuộc ở nước ngoài.
Chính quyền Trump đã nhận ra và có hành động để chặt đứt các “vòi bạch tuộc” này, chặn đứng tham vọng kiểm soát mạng 5G thế giới của Huawei và lần lượt phanh phui các gián điệp Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng không hề chịu khuất phục Mỹ và cuộc đối đầu này cũng không dễ dàng như ông Trump đã tuyên bố. Ông Trump từng lặp đi lặp lại rằng những gì ông đang làm với Trung Quốc đã nên được làm từ rất lâu rồi, khi mà Trung Quốc chưa sở hữu sức mạnh như hiện tại.
Những năm qua, trong khi Mỹ sa lầy ở Trung Đông thì Trung Quốc âm thầm biến biển Đông thành “ao nhà” kiên cố của mình, tạo ra Sáng kiến Vành đai – Con đường đầy tham vọng, vung tiền và gây ảnh hưởng tới một loạt các quốc gia từ Á – Âu – Phi để biến mình trở thành trung tâm của thế giới. Tại Liên Hiệp Quốc, mỗi phát ngôn lên án Trung Quốc đều bị đáp trả lại bằng một mạng lưới “chư hầu” kiểu mới của Trung Quốc khiến việc chỉ trích Bắc Kinh tại cơ chế này là vô ích. Chẳng hạn hồi tháng 10/2019, khi Mỹ cùng 22 nước khác đưa ra tuyên bố chung lên án cuộc đàn áp phi nhân đạo của Trung Quốc đối với người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương, trong đó có các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã bắt giam và ép “chuyển hóa” hơn 1 triệu người dân địa phương, thì có tới 54 quốc gia “tự nguyện” gửi thư bảo vệ các hành động tốt đẹp đảm bảo “an toàn và nhân quyền” của người dân Trung Quốc tại Tân Cương.
Năm 2016, khi chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G20, Trung Quốc tỏ ra thách thức Mỹ một cách trắng trợn khi không chuẩn bị thang máy và thảm đỏ để đón Tổng thống Barack Obama tại sân bay. Ông Obama đã phải đi xuống từ cầu thang có sẵn mở ra từ bụng chiếc Air Force One của mình – một sự sỉ nhục đối với một nguyên thủ quốc gia khi đi công du nước ngoài. Nhưng sau khi Donald Trump lên tiếp quản, Trung Quốc đã không còn thực hiện các hành động mang đầy tính khiêu khích như vậy nữa. Ông Trump đã mở ra một kỷ nguyên mới khi mà nước Mỹ mở to mắt nhìn thẳng vào các sai lầm lịch sử cũng như nhận thức rõ đối thủ của mình là ai.
Lịch sử có những khoảng lặp kỳ lạ đến kinh ngạc. Trong thế kỷ 20, liên minh Ronald Reagan – Margaret Thatcher đã giúp thế giới tự do chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, thì nay một liên minh dân túy bảo thủ mới giữa Donald Trump và Boris Johnson (tân Thủ tướng Anh) đang manh nha hình thành. Ở bên kia chiến tuyến, Trung Quốc, Nga, Iran và các “chư hầu” phụ thuộc vào Bắc Kinh cũng rục rịch hành động cho tham vọng tái định hình thế giới. Một ván cờ đầy thú vị sẽ được bày ra vào thập kỷ mới này, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Trọng Đạt
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…