Các quan chức ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã gặp nhau hôm thứ Tư để thảo luận về những lo ngại liên quan tới vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương, việc Hồng Kông ngày càng xói mòn quyền dân chủ, cũng như các hành động của Trung Quốc tại biển Đông.
Được tổ chức tại Brussels, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và ông Stefano Sannino, người đứng đầu Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, đánh dấu việc nối lại đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ – EU về Trung Quốc đã được công bố vào tháng 10 dưới thời chính quyền Trump.
Trong số các lĩnh vực cùng quan tâm mà các quan chức đề cập đến là “vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, sự xói mòn các quy trình tự trị và dân chủ ở Hồng Kông, cưỡng bức kinh tế, các chiến dịch sai lệch thông tin và các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông,” theo một tuyên bố chung, tờ SCMP đưa tin.
Cũng trong cuộc thảo luận, các quan chức nói về sự cần thiết phải cho phép Đài Loan “tham gia có ý nghĩa” vào các diễn đàn đa phương, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan của Liên Hợp Quốc điều hành WHO.
Lời kêu gọi lần này theo sau lời kêu gọi của Nhóm G7 hồi tháng trước nhằm cho phép Đài Loan được trao tư cách quan sát viên tại Hội nghị y tế toàn cầu.
Bắc Kinh, vốn luôn coi hòn đảo tự trị là một tỉnh ly khai cần phải được thống nhất với Đại lục – đã tích cực ngăn chặn những nỗ lực này, viện lý do cần phải “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận của truyền thông về cuộc gặp Mỹ – EU.
Ngoài Trung Quốc, quan chức Mỹ và EU cũng đã thảo luận về một loạt các vấn đề chính sách đối ngoại khác mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm Nga, Ukraine, Belarus và cuộc khủng hoảng Israel-Gaza.
Ông Sannino mô tả các cuộc nói chuyện của mình với bà Sherman là “hiệu quả”, và rằng hai bên có “chung quan điểm và cam kết về dân chủ và chủ nghĩa đa phương dựa trên quy tắc”.
Bà Sherman cũng gọi đây là “cuộc họp tuyệt vời,” tập trung vào “các ưu tiên chung – từ chống biến đổi khí hậu đến xây dựng trở lại tốt hơn sau đại dịch”.
Mặc dù tuyên bố chung chính thức hôm thứ Tư nêu bật lên sự bất bình của các nền dân chủ phương Tây đối với hành vi của Bắc Kinh ở cả trong và ngoài nước, nhưng nó không bao gồm tuyên bố chính sách cụ thể.
Tuyên bố chung cũng không đề cập đến bất kỳ hành động phối hợp nào về việc Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, mặc dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ những người ủng hộ nhân quyền và các nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Biden tẩy chay Thế vận hội vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói với các phóng viên vào ngày 13/5 rằng ông sẽ tham khảo thêm ý kiến đóng góp từ các đồng minh “trong những tháng tới”.
Một mặt, các quan chức chính quyền Biden cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với những hành động sai trái của Bắc Kinh; nhưng mặt khác, họ cũng xác định các lĩnh vực mà họ hy vọng sẽ đảm bảo duy trì được sự hợp tác của Trung Quốc.
Trong tuyên bố của mình, bà Sherman và ông Sannino cho biết họ đã nói về việc “theo đuổi cam kết mang tính xây dựng với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như một số vấn đề khu vực”.
Đại diện của Mỹ và EU cũng nhắc lại rằng quan hệ của cả hai bên với Bắc Kinh “có nhiều mặt và bao gồm các yếu tố hợp tác, cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống”.
Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn căng thẳng với Washington và Brussels.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu áp đảo để tạm dừng xem xét Thỏa thuận toàn diện về đầu tư với Trung Quốc, mà trước đó phải mất bảy năm để đàm phán. Việc tạm dừng này diễn ra sau khi cả hai bên thực thi các biện pháp trừng phạt qua lại liên quan tới cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương.
Nhưng ngay cả khi sự nhiệt tình của châu Âu trong mối quan hệ tài chính với Trung Quốc suy giảm, các nhà quan sát dự đoán rằng Washington sẽ phải vật lộn để đưa khối này vào cuộc với tất cả các khía cạnh trong chính sách Trung Quốc của mình.
Chỉ năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU, theo dữ liệu từ Eurostat, văn phòng thống kê của EU. Cùng với vô số lợi ích và ràng buộc của các nước thành viên có với Bắc Kinh, EU dường như sẽ phải “thực hiện một hành động cân bằng”, cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky cho biết tại một sự kiện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào tuần trước.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…