Trong khi Facebook mô tả “đội quân “fact-check” (các chương trình xác minh thông tin thực tế) của mình đang hoạt động một cách độc lập thì sự thật là mỗi đồng tiền những công ty này kiếm được đều là một vết nhơ.
Lead Stories là một trong số những chương trình “fact-check” như vậy, nền tảng này được trả tiền một phần thông qua quan hệ đối tác với TikTok, mạng truyền thông xã hội được điều hành bởi một công ty có “lòng trung thành” với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). TikTok hiện đang bị các quan chức Hoa Kỳ xem là một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Thêm vào đó, đơn vị được cho là chịu trách nhiệm giám sát các nền tảng “fact-check” này trên thực tế được điều hành bởi Viện Poynter – chủ sở hữu của Mạng lưới Kiểm tra Dữ kiện Quốc tế (IFCN), một đối tác khác của TikTok
Lead Stories cho biết nó đã được ByteDance, một công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở chính tại Bắc Kinh, ký hợp đồng cho “công việc xác minh thông tin thực tế (fact-check)”. Nền tảng này đã đề cập đến một thông báo của TikTok vào đầu năm nay rằng nó đã hợp tác với một số tổ chức “để hỗ trợ thêm những nỗ lực của chúng tôi trong việc giảm thiểu sự lan truyền thông tin sai lệch”, cụ thể là thông tin về đại dịch virus Trung Cộng (virus corona mới), bắt nguồn từ Trung Quốc và ngày càng trầm trọng hơn do sự che đậy của chế độ ĐCS.
Lead Stories ra đời vào năm 2015 bởi nhà phát triển trang web người Bỉ – ông Maarten Schenk, một nhân viên kỳ cựu của CNN – ông Alan Duke và hai luật sư đến từ Florida và Colorado. Năm 2017, công ty này công bố chi phí hoạt động của mình chưa đến 50.000 đô la, nhưng con số này đã tăng gấp 7 lần vào năm 2019. Số tiền phần lớn là do Facebook đã chi trả hơn 460.000 đô la cho các dịch vụ “fact-check” vào năm 2018 và 2019. Lead Stories đã nhận hơn một chục nhân viên và khoảng một nửa trong số đó là từ CNN đầu quân sang, từ đó trở thành một trong những nền tảng xác minh thực tế đắc lực nhất của Facebook đối với các nội dung về Hoa Kỳ.
Năm nay, dòng tiền đổ về Lead Stories đến từ Google, Facebook, ByteDance và một số dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Nhóm cho biết năm ngoái, quảng cáo đã mang về cho công ty gần 25.000 đô la. Tuy nhiên “phần lớn” nguồn tài trợ vẫn đến từ Facebook.
Một phần doanh thu của Lead Stories đến từ việc xây dựng “Trendolizer”, một công cụ theo dõi những tin tức có nội dung lan truyền. Nền tảng này cho biết: “Vì lý do bảo mật, chúng tôi không thể tiết lộ danh sách người dùng Trendolizer… nhưng không ai trong số họ đóng góp trên 5% doanh thu của chúng tôi.”
Website của Trendolizer chỉ hiển thị ba nhà cung cấp dịch vụ cho nó gồm: Trendolizer.com, LeadStories.com và StoryTide.com – một trang tổng hợp tin tức do Lead Stories xây dựng vào năm 2016.
Các nhà đối tác cung cấp dịch vụ “fact-check” cho Facebook đã bị chỉ trích vì họ đang tạo điều kiện cho những chính sách kiểm duyệt tùy tiện của công ty này. Trên trang web của mình, Facebook cho biết các bài đăng một khi bị những đối tác “fact-check” “gắn cờ” là sai sự thật thì không chỉ nhận một nhãn cảnh báo và bị liên kết đến nền tảng “fact-check” mà còn bị “cắt giảm đáng kể số lượng người nhìn thấy bài đăng (lượng reach).”
Bản thân các chương trình “fact-check” có thể tự chọn những nội dung để xem xét và quyết định cái nào sẽ bị dán nhãn là thông tin sai sự thật, cũng như tự định ra lý do vì sao. Bất kỳ khiếu nại nào về quyết định dán nhãn phải được gửi đến các công ty “fact-check”, vốn được cho là không dễ dàng lật lại nhận định của mình, ngay cả khi bản thân các chương trình “fact-check” cũng cần phải bị “fact-check”.
Lead Stories gần đây đã nhắm mục tiêu vào những tuyên bố tranh chấp về hành vi gian lận cử tri của Hoa Kỳ, đóng góp cho những chính sách kiểm duyệt về chủ đề này trên Facebook.
Chủ sở hữu của TikTok, công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh cũng có những chính sách kiểm duyệt gây tranh cãi.
Vào tháng 9/2019, tờ The Guardian đưa tin rằng TikTok đã chỉ đạo các đối tác của mình kiểm duyệt một số video nhất định đề cập đến các chủ đề bị chính quyền Trung Quốc coi là “nhạy cảm”, chẳng hạn như Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn và Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Báo cáo dựa trên các tư liệu bị rò rỉ, trong đó liệt kê chi tiết những nguyên tắc kiểm duyệt của ứng dụng này.
Tại thời điểm đó, TikTok cho biết các chính sách như vậy đã bị thay thế vào tháng 5/2019 và không còn được sử dụng nữa.
Tuy nhiên đến tháng 12, nền tảng này lại bị chỉ trích vì đã tạm khóa tài khoản của một nữ sinh trung học tại bang New Jersey, Hoa Kỳ, người đã đăng tải một video phản đối việc Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc.
Vào tháng 6/2020, ứng dụng này tiếp tục đóng tài khoản của một du học sinh Trung Quốc ở New Jersey sau khi anh ấy đăng tải một video nhái lại quốc ca Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc được yêu cầu phải tuân theo đường lối của Đảng; người sáng lập ByteDance, ông Trương Nhất Minh đã học được một bài học đau đớn rằng ngay cả sự thiếu nhiệt tình trong nhận thức đối với các chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ cũng sẽ không được dung thứ.
Vào năm 2018, các quan chức ĐCSTQ đã đóng cửa một ứng dụng video hài hước của ông Trương Nhất Minh tên là Neihan Duanzi (tạm dịch: “Trò đùa nội gián”). Để bày tỏ “sự hối lỗi” của mình, ông Trương đã viết một lá thư tự phê bình và cam kết trung thành với đường lối của Đảng.
Một phần bức thư viết rằng: “Sản phẩm của chúng tôi đã đi sai đường và nội dung xuất hiện không phù hợp với những giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa, không thực hiện đúng đắn nhiệm vụ dẫn hướng dư luận.”
Ông Trương đã hứa rằng công ty của mình sẽ tập trung vào việc “tăng cường công tác xây dựng Đảng, giáo dục toàn thể cán bộ nhân viên của chúng tôi về ‘Bốn ý thức’ và các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa, dẫn hướng dư luận một cách đúng đắn, [tuân thủ] luật pháp và các quy định, thực sự hành động theo trách nhiệm xã hội của công ty.”
“Bốn ý thức” đề cập đến các chỉ thị tư tưởng do lãnh đạo ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình ban hành vài năm trước, trong đó yêu cầu các đảng viên phải tuân thủ chặt chẽ tư tưởng của ĐCSTQ, ủng hộ Tập, phù hợp với sự lãnh đạo của Đảng và suy nghĩ về “bức tranh toàn cảnh”.
Ông Trương cũng cam kết sẽ “hợp tác sâu rộng hơn nữa với các phương tiện truyền thông có thẩm quyền [chính thống của Đảng], tăng cường truyền tải nội dung của các kênh thông tin có thẩm quyền, đảm bảo rằng tiếng nói của những kênh truyền thông [chính thống của Đảng] sẽ được truyền đi một cách mạnh mẽ.”
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã trích dẫn bức thư của ông Trương trong một hồ sơ gửi tòa án gần đây, gọi ông này là “cơ quan ngôn luận” của chế độ ĐCSTQ.
Chính quyền Trump đang điều tra việc mua lại Musical.ly của ByteDance vào năm 2017, một nền tảng video hát nhép của Trung Quốc rất được thanh thiếu niên Hoa Kỳ ưa chuộng. ByteDance đã đóng cửa Musical.ly và hàng triệu người dùng của nó buộc phải chuyển sang TikTok sau khi hai nền tảng này sáp nhập, mở đường cho sự phát triển vượt bậc của TikTok trong giới trẻ Mỹ.
Chính quyền Trump và một số thành viên Quốc hội cho rằng TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia vì ByteDance đang chịu sự quản lý của luật pháp Trung Quốc, trong đó có quy định rằng công ty này phải cho phép đảng cầm quyền kiểm soát tất cả dữ liệu mình có. ByteDance cho biết dịch vụ TikTok của nó được lưu trữ tại Hoa Kỳ và sao lưu ở Singapore, trong khi ĐCSTQ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Singapore.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một lệnh cấm đối với TikTok được cho là có hiệu lực vào ngày 12/11, nhưng động thái này đã bị các tòa án ngăn chặn.
Chính quyền Trump đang đàm phán với ByteDance, đề nghị công ty này bán lại tài sản của mình tại Hoa Kỳ cho Walmart và Oracle.
Facebook biện minh cho việc sử dụng các nền tảng “fact-check” của mình bằng cách nói rằng nó cần được Mạng lưới Kiểm tra Dữ kiện Quốc tế (IFCN) chứng nhận. Tổ chức IFCN được thành lập vào năm 2015, do Viện Poynter – một trường đào tạo báo chí phi lợi nhuận điều hành.
Viện Poynter và một dự án “fact-check” khác tên MediaWise cũng là những đối tác của TikTok.
Giám đốc marketing của Poynter, bà Tina Dyakon đã từ chối cung cấp thông tin về số tiền mà ByteDance chi trả cho tổ chức này.
Bà Tina Dyakon đã trả lời The Epoch Times qua email rằng: “Chúng tôi không tiết lộ chi tiết về các hợp đồng kinh doanh. Poynter đã hợp tác với TikTok trong năm nay để thực hiện những công việc liên quan đến xác minh thông tin thực tế và xây dựng sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông.”
Bà cho biết Poynter duy trì nguyên tắc độc lập về biên tập và tuân theo chính sách đạo đức của nó.
Vào năm 2019, IFCN gần như được tài trợ hoàn toàn bởi người sáng lập eBay là ông Pierre Omidyar – cũng là một nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ, cùng với Google và tỷ phú George Soros. Facebook cũng được liệt kê là một trong những nhà tài trợ trước đó.
Việc chấp thuận công ty nào sẽ được chứng nhận do ban cố vấn gồm bảy thành viên đại diện cho các tổ chức “fact-check” bỏ phiếu quyết định. Trong số đó chỉ có hai người dường như là có kinh nghiệm về tin tức chính trị của Hoa Kỳ. Một người là Glenn Kessler, cựu phóng viên chính sách đối ngoại và hiện là trưởng bộ phận “fact-check” tại The Washington Post. Ông này và nhóm của mình vào đầu năm nay đã xuất bản một cuốn sách có tên “Donald Trump và sự công kích của ông ấy đối với sự thật”.
Người còn lại là Angie Drobnic Holan, tổng biên tập tại PolitiFact, một dự án cũng thuộc sở hữu của Viện Poynter.
Giám đốc IFCN, ông Baybars Orsek trước đây đã trả lời The Epoch Times rằng các thành viên hội đồng quản trị sẽ rút lui khỏi việc bỏ phiếu và cân nhắc về việc cấp chứng nhận cho các tổ chức mà họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong đó.
Theo The Epoch Times
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…