Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lớn nhất trong 25 năm và điều này gây ra mối nguy hiểm lớn hơn cho nền kinh tế của đất nước so với các lệnh trừng phạt mà nước này phải đối mặt trong năm ngoái, theo các chuyên gia.
Khủng hoảng nhân khẩu học, thương vong trong cuộc chiến ở Ukraine và làn sóng di cư của người Nga cố gắng tránh quân dịch đã gây nên áp lực lớn cho nền kinh tế Nga, bất chấp khả năng phục hồi tương đối của nước này kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Ngân hàng trung ương Nga đã khảo sát 14.000 nhà sử dụng lao động từ các lĩnh vực phi tài chính và nhận thấy rằng số lượng nhân viên sẵn có đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998, theo Newsweek.
Các ngành gặp khó khăn nhất trong việc tìm kiếm lao động là sản xuất, xí nghiệp công nghiệp, cấp nước, khai khoáng, vận tải và kho bãi. Nhật báo kinh doanh Kommersant đưa tin tình trạng thiếu ít nhân công nhất được ghi nhận trong lĩnh vực bán xe hơi, thương mại bán buôn và lĩnh vực dịch vụ.
Chris Weafer, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược Macro Advisory Ltd, nói với Newsweek: “Có thể nói rằng tình trạng thiếu hụt lao động và kỹ năng này sẽ gây tổn hại cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Nga, giống như các lệnh cấm vận đối với lĩnh vực công nghệ”.
Ông Weafer, người đã báo cáo về nền kinh tế Nga từ năm 1998, nói rằng đã có những dự đoán từ hơn một thập kỷ trước về tình trạng thiếu lực lượng lao động vào đầu năm 2020 và cảnh báo rằng số người trong độ tuổi lao động có thể giảm 10%. “Đây là một vấn đề đã được biết đến từ khá lâu.”
Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đã ký thành luật một dự luật không được lòng dân, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ từ 55 lên 60 và đối với nam từ 60 lên 65, nhằm giúp ngăn chặn việc suy giảm lực lượng lao động. Cùng năm đó, ông Putin đã công bố chương trình phát triển các Dự án Quốc gia trị giá 400 tỷ USD, một phần trong đó cũng sẽ giải quyết việc thúc đẩy lực lượng lao động và đào tạo lại người lao động để làm việc hiệu quả hơn. Chương trình đã được thu hẹp lại vào năm 2020 trong đại dịch COVID.
Ông Weafer cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đã “lấy đi các nguồn lực” từ kế hoạch trên. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang đã đưa công nhân ra khỏi các nhà máy và khoảng 1,5 triệu người Nga đã rời khỏi đất nước để tránh bị nhập ngũ, nhiều người trong số họ ở độ tuổi 20 và có tay nghề cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, COVID cũng đã cướp đi sinh mạng của gần 398.000 người ở Nga.
Vào tháng 2 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp chính thức được Nga công bố đã giảm xuống 3,5%, theo Trading Economics. Tuy nhiên, điều này che giấu tình trạng thiếu việc làm, trong khi thị trường lao động được thắt chặt có nghĩa là các công ty sẽ phải trả nhiều tiền hơn để thu hút người lao động, và do đó, tốc độ tăng lương có thể vượt xa tốc độ tăng năng suất.
Ông Weafer nói: “Tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp như vậy trong bối cảnh nền kinh tế rất trì trệ có nghĩa là chi phí cho các công ty sẽ tăng lên và nó sẽ là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát,”… Điều đó chỉ có nghĩa là chi phí sẽ tăng lên.”
Nhật Minh (theo Newsweek)
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…