Thế Giới

Nghị sĩ Mỹ yêu cầu tân TT Mexico xem xét rủi ro từ nhà sản xuất ô-tô TQ

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp cận người Mỹ thông qua các phương tiện vận chuyển được kết nối internet, vì vậy đã yêu cầu tổng thống tân cử của Mexico, bà Claudia Sheinbaum, giải quyết những vấn đề do các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc đặt tại Mexico gây ra.

Triển lãm xe điện Trung Quốc ở Thượng Hải, ngày 16/12/2020 – Thương hiệu Changan Automobile. (Ảnh: Shutterstock)

Trong một bức thư hôm 1/10, Dân biểu Đảng Dân chủ Elissa Slotkin và Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Dân chủ Sherrod Brown đã dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu Tổng thống Sheinbaum thành lập một cơ quan quốc gia để xem xét các rủi ro do các nhà sản xuất ô-tô có liên quan đến ĐCSTQ này gây ra.

Tất cả các phương tiện vận chuyển hiện đại đều có chức năng kết nối, với phần cứng và phần mềm cho phép truy cập internet và truyền dữ liệu. Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đề xuất một quy tắc nhằm loại bỏ phần cứng và phần mềm của Trung Quốc khỏi các xe ô-tô chạy trên đường ở Mỹ.

Bức thư còn có chữ ký của các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ như Gary Peters, Debbie Stabenow, and Tammy Baldwin. Trong thư, các nghị sĩ đã cảnh báo: “Chúng tôi tin rằng khối dữ liệu thu thập này, dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là mối đe dọa an ninh quốc gia”. 

Các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu Tổng thống Sheinbaum cử một phái đoàn Mexico đến Hoa Kỳ vào đầu năm 2025 để thảo luận thêm.

Dân Biểu Slotkin và TNS Brown đã lên tiếng ủng hộ các quy định ngăn chặn việc sử dụng các phụ tùng của Trung Quốc trong các ô-tô Mỹ. Dân biểu Slotkin đã giới thiệu hai dự luật nhằm củng cố quy tắc do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất, tạo ra các quy trình xem xét đối với công nghệ Trung Quốc, đồng thời trao cho Bộ Thương mại Mỹ thẩm quyền hạn chế hoặc cấm bán hoặc nhập khẩu những xe ô-tô và công nghệ đó. TNS Brown nhấn mạnh nguy cơ Trung Quốc sử dụng Mexico để lách các biện pháp hạn chế thương mại của Hoa Kỳ.

Trong quá trình xây dựng quy tắc của Bộ Thương mại Mỹ, các nhà sản xuất ô-tô và các chuyên gia an ninh của Hoa Kỳ đã cân nhắc đến vấn đề này, khi mô tả một chuỗi cung ứng phức tạp với các phụ tùng ô-tô có thể có nhiều nguồn.

Trong bài bình luận công khai của mình, tổ chức Coalition for Reimagined Mobility của Hoa Kỳ, bao gồm các giám đốc điều hành trong ngành và các lãnh đạo khu vực công và tư về công nghệ, đã lưu ý rằng Mexico là nhà cung cấp phụ tùng ô-tô lớn nhất cho Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp phụ tùng ô-tô lớn thứ hai cho Mexico. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp phụ tùng ô-tô lớn thứ ba cho Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc còn sản xuất thêm nhiều loại phụ tùng và công nghệ có thể được sử dụng trong các phụ tùng ô-tô được lắp ráp tại Mexico và xuất khẩu sang nước khác.

Các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo, với hàng triệu chiếc ô-tô này đang được sử dụng có tuổi thọ hơn một thập kỷ, thì rủi ro an ninh quốc gia là rất cao. Hoa Kỳ coi ĐCSTQ là mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu bởi vì các nhóm tin tặc do nhà nước Trung Quốc bảo trợ đã đánh cắp số lượng lớn thông tin cá nhân và đang tiến hành các chiến dịch tấn công mạng.

Ông Brandon Barry, Giám đốc điều hành của Block Harbor Security, tổ chức đã cung cấp bản tóm tắt rủi ro cho Bộ Thương mại Mỹ trong quá trình xây dựng quy tắc, lưu ý tờ The Epoch Times rằng mặc dù chưa có vụ ô-tô nào bị ĐCSTQ xâm nhập mạng được biết đến công khai, nhưng các phương tiện vận chuyển được kết nối internet vốn đã có rủi ro về an ninh mạng.

Các quan chức Mỹ lo ngại, các phương tiện được kết nối internet có thể được sử dụng để giám sát. Theo ông Barry, điều này có thể bao gồm theo dõi các nhân vật quan trọng hoặc các phương tiện thực thi pháp luật, vô hiệu hóa toàn bộ đoàn xe, nghe lén các cuộc trò chuyện, hoặc chặn dữ liệu cảm biến. Trong các bình luận công khai, các chuyên gia công nghệ khác cũng cảnh báo, một số công nghệ cảm biến có phạm vi hoạt động rộng và độ nhạy cao, có khả năng cho phép phương tiện bị xâm nhập truy cập dữ liệu để cung cấp các kết xuất chi tiết về các địa điểm nhạy cảm như các căn cứ quân sự cho kẻ thù nước ngoài.

Ông Barry lưu ý: “Hơn nữa, xét đến sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt trong thị trường xe điện, có thể có các động lực kinh tế tác động đến việc các công ty hoặc quốc gia nào nổi lên là những người dẫn đầu trong lĩnh vực này trong thập kỷ tới. Với nhiều nhà cung cấp tham gia vào sản xuất xe, mỗi nhà cung cấp đều có một lối vào tiềm ẩn mà kẻ thù nước nước ngoài có thể khai thác để xâm phạm an ninh của xe”.

Ông Barry đề xuất, điều tốt nhất mà ngành công nghiệp ô-tô có thể làm để giảm thiểu rủi ro là tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật an ninh mạng phù hợp và có nền tảng quản lý rủi ro toàn diện và tự động, bao gồm cả việc đánh giá chuỗi cung ứng.

Gia Huy biên dịch

The Epoch Times

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
The Epoch Times

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

6 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

7 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago