Một phần của sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump tạm cấm người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ đã hết thời hạn 120 ngày vào hôm thứ Ba (24/10). Theo đó, người tị nạn đã được phép vào nước Mỹ trở lại, nhưng với các quy định kiểm tra nghiêm ngặt hơn, đặc biệt áp dụng cho 11 “nước rủi ro cao”.
Hoạt động biểu tình chống sách lệnh di trú tại Los Angeles, California hôm 15/10
Những người xin tị nạn sẽ được yêu cầu cung cấp bằng chứng về nơi ở của họ lùi lại từ một thập kỷ trước – lâu gấp hai lần trước đây, theo Reuters.
Quy trình kiểm tra người tị nạn bao gồm các cuộc phỏng vấn rộng và toàn diện, cũng như nhiều vòng kiểm tra an toàn với một loạt sự tham gia của các cơ quan tình báo và thi hành luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế – được cho là hoạt động kiểm soát nghiêm ngặt nhất thế giới.
Reuters cho biết chính quyền Trump đã gửi bản quy định liên quan đến người tị nạn nhập cảnh tới Quốc hội vào thứ Ba (24/10). Theo quy định mới, đơn xin tị nạn của công dân đến từ 11 “quốc gia rủi ro cao” sẽ bị hạn chế cho khoảng thời gian xem xét 90 ngày.
Các quan chức chính phủ cho biết những thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm anh ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ tị nạn nói rằng việc giới hạn 90 ngày để rà soát thực tế là lệnh cấm người tị nạn từ 11 quốc gia và điều này là không cần thiết vì tất cả người tị nạn đã phải trải qua các bước kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba (24/10) nói rằng việc kiểm tra theo Chương trình Cho phép Tị nạn Mỹ (USRAP) “nhìn chung đầy đủ”, nhưng vẫn “cần có thêm kiểm tra chuyên sâu đối với người tị nạn từ 11 quốc gia”.
Những biện pháp kiểm tra an ninh cấp cao hơn với 11 quốc gia “rủi ro cao” được gọi là Tư vấn Bảo mật (SAO), theo Reuters.
Từ cuối năm 2016, biện pháp SAO đã được áp dụng cho hầu hết những người nhập tư nam giới trưởng thành đến từ các nước Ai Cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Bắc Hàn, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, và Yemen, cũng như những người Palestines sống trong các quốc gia này.
Giới chức Mỹ không công khai danh sách 11 quốc gia chịu hạn chế tị nạn hiện tại, nhưng 3 nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng những nước có từ thời điểm 2016 nêu trên vẫn bao gồm trong danh sách mới nhất.
Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, công dân từ 11 quốc gia nêu trên chiếm 44% trong tổng số gần 54.000 người tị nạn được nhận vào Mỹ trong năm tài khóa 2017.
Trong số đó, phần lớn người tị nạn đến từ Iraq, Syria, Somalia và Iran. Hầu hết 11 quốc gia này, trừ Bắc Hàn và Nam Sudan, đa số đều là các nước theo Hồi giáo. Tuy nhiên, những người tị nạn vào Mỹ đến từ những nước này lại theo các tôn giáo khác. Trong số gần 2.600 người tị nạn Iran được nhập cư vào Hoa Kỳ năm ngoái, đa phần là các tín đồ Thiên Chúa giáo, theo dữ liệu Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bên cạnh việc hạn chế nghiêm ngặt hơn, chính quyền Trump cũng sẽ áp dụng chương trình cho phép tái đoàn tụ thân nhân cho các gia đình đã nhập cư vào Mỹ từ trước. Chương trình người tị nạn “tiếp nối” này đã được thực hiện từ vài năm trước và sắp tới sẽ được khởi động lại, nhưng sẽ rà soát thông tin chặt chẽ hơn.
Theo dữ liệu của Bộ An ninh Nội địa, hoảng 2.000 thành viên trong gia đình người tị nạn đã đến Hoa Kỳ vào năm 2015.
Vào hôm 29/9, Tòa Bạch Ốc đã thông báo rằng chính phủ Mỹ sẽ đặt hạn mức chỉ tiếp nhận 45.000 người tị nạn mỗi năm – mức thấp nhất kể từ khi chương trình cho phép tị nạn bắt đầu vào năm 1975. Năm 2016, khi Tổng thống Barack Obama còn tại nhiệm, Hoa Kỳ cho phép tiếp nhận 85.000 người tị nạn.
Chính quyền Trump hạn chế người tị nạn vì cho rằng đây là nhóm dân cư có thể đem tới mối đe dọa cho an ninh nội địa Mỹ.
Yên Sơn
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…