Hôm thứ Bảy (7/4), Nhật Bản tuyên bố thành lập đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của mình kể từ Thế chiến thứ hai với nhiệm vụ chống lại khả năng quân xâm lược tấn công các đảo của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông trong bối cảnh áp lực quân sự từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Theo Reuters, buổi lễ thành lập được tổ chức tại một căn cứ quân sự trên đảo Kyushu ở tây nam Nhật Bản. Tham gia sự kiện có khoảng 1.500 thành viên của Lữ đoàn Cơ động Thủy Lục (ARDB).
“Trong bối cảnh tình hình quốc phòng và an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khó khăn, việc phòng vệ các đảo của chúng ta đã trở thành một nhiệm vụ trọng yếu,” Tomohiro Yamamoto, Thứ trưởng Quốc phòng nói.
Các binh sĩ tiến hành một cuộc diễn tập giả chiếm lại một hòn đảo xa xôi từ quân xâm lược, diễn ra công khai trong 20 phút.
Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã có tranh chấp trên các đảo không người ở Biển Hoa Đông. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang được Nhật Bản quản lý, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên cho tàu xâm phạm vùng nước xung quanh đảo khiến chính phủ Tokyo dè chừng.
Đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng số lượng lên 3.000 binh lính, sử dụng các máy chuyên chở V-22 Osprey và phương tiện đổ bộ để có thể triển khai tấn công đất liền từ biển.
Việc thành lập lữ đoàn thủy quân lục chiến này gây nên tranh cãi bởi vì các đơn vị thủy lục có thể thể hiện sức mạnh quân sự và có thể được sử dụng để tấn công một nước láng giềng. Sau Thế chiến II, Nhật Bản áp dụng Hiến pháp theo đường lối hòa bình, trong đó cấm quân đội Nhật chiến đấu tại nước ngoài.
Lữ đoàn này là thành phần mới nhất của một lực lượng thủy quân lục chiến đang phát triển, thành lập với mục tiêu răn đe Trung Quốc trong khi nước này ra sức giành quyền tiếp cận dễ dàng hơn đối với vùng Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc, nước đang thống trị tại biển Đông, đang vượt qua Nhật Bản về chi tiêu quốc phòng. Năm 2018, Trung Quốc sẽ chi 176,56 tỉ USD cho lực lượng vũ trang của mình, hơn gấp ba lần Nhật Bản.
Việc kích hoạt 2.100 thủy quân lục chiến ARDB đưa Nhật Bản tiến gần hơn tới việc tạo nên một lực lượng tương tự như Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh Hoa Kỳ (MEU) có khả năng hoạch định và tiến hành các hoạt động trên biển cách xa căn cứ của mình.
“Họ đã thể hiện khả năng thành lập một đội MEU đặc biệt. Nhưng để đạt được khả năng lâu dài, chắc chắn của một MEU cần có nỗ lực phối hợp”, Grant Newsham, chuyên gia tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản nhận xét.
“Nếu người Nhật quyết tâm, trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi, họ có thể sở hữu một khả năng [quân sự] hợp lý”.
Các nhà hoạch định quân sự Nhật Bản đã lên kế hoạch bổ sung các điều kiện cần thiết để tăng cường khả năng tiến công của đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên này. Lực lượng không quân tự phòng vệ của Nhật muốn mua các máy bay tiêm kích F-35B để vận hành từ các tầu sân bay trực thăng, hoặc triển khai từ các đảo trên Biển Hoa Đông, một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…