Ngày 7/10, phiến quân Hamas bất ngờ phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel, khiến người Israel như trải qua cơn ác mộng của Chiến tranh Yom Kippur 50 năm trước. Trong bối cảnh giám sát chặt chẽ của Israel thì nguồn vũ khí của Hamas đến từ đâu?
Trong màn khủng bố ngày 7/10/2023 của tổ chức Hamas nhắm vào Israel từ Dải Gaza, Hamas gọi chiến dịch này là chiến dịch “Lũ lụt Al-Aqsa” (Al-Aqsa Flood). Theo đó, ban đầu Hamas phóng máy bay không người lái tự sát tấn công các tháp quan sát của Israel ở Dải Gaza, sau đó hàng ngàn quả tên lửa được bắn vào miền trung và miền nam Israel, trong số đó đã có hàng trăm quả xuyên thủng hệ thống chống tên lửa Mái vòm sắt của Israel làm nhiều người Israel thương vong.
Ngoài ra, một số lượng lớn chiến binh Hamas đã xâm nhập Israel bằng tàu lượn lướt ở độ cao cực thấp, hoặc phá thủng bức tường ngăn cách của Israel, hoặc khủng bố thông qua cửa khẩu biên giới Dải Gaza, qua đó tấn công các cộng đồng và cơ sở quân sự xung quanh Israel, bắn chết người dân Israel và bắt cóc con tin.
Ngay lập tức, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, lời tuyên chiến chính thức đầu tiên kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Sau đó Lực lượng Phòng vệ Israel phát động phản công mang tên “Chiến dịch Kiếm sắt”.
Đài RFI Pháp đưa tin, từ năm 2003 – 2018, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quân sự và nhà thiết kế vũ khí của Hamas đã liên tiếp bị Israel loại bỏ, khiến tổ chức này không thể phát triển và sản xuất vũ khí độc lập.
Nhưng một báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Quan hệ Công chúng Jerusalem (Jerusalem Center for Public Affairs) công bố vào tháng 8/2021 cho biết: “Hamas đã bắt đầu tự sản xuất hầu hết vũ khí của mình, cũng đang phát triển máy bay không người lái và các phương tiện dưới nước không người lái, tham gia vào chiến tranh mạng và chuyển đổi từ tên lửa không điều khiển sang máy bay không người lái được dẫn đường bằng GPS và hệ thống tên lửa chính xác”.
Về vấn đề này, có chuyên gia nhận định, xét từ các cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas vào Israel cho thấy, dù chịu giám sát chặt chẽ của Israel nhưng sau nhiều năm nỗ lực thì tổ chức Hồi giáo cực đoan này không chỉ có khả năng độc lập sản xuất vũ khí hiệu quả, mà còn có được số lượng lớn vũ khí nhờ sự hỗ trợ của Iran, buôn lậu từ Ai Cập, việc thu thập bom mìn chưa nổ của Israel.
Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, giám đốc Ian Williams của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết có thể thấy bóng dáng của người Iran đằng sau từ số lượng tên lửa được phóng, cường độ hỏa lực và khả năng phối hợp tác chiến của Hamas. Tuy nhiên, trình độ vũ khí của Hamas còn ở mức thô sơ, vì tình hình Dải Gaza bị phong tỏa từ năm 2007.
Trong một báo cáo về việc phổ biến vũ khí của Iran xuất bản năm 2021, nhà nghiên cứu Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã viết: “Iran đã và đang giúp đỡ người Palestine ở Dải Gaza chế tạo tên lửa, qua nghiên cứu và phân tích chuyên sâu về thông tin tình báo thu được từ Iran, cũng như phân tích toàn diện về thông tin tình báo bị rò rỉ từ Israel, có thể thấy rằng chiến lược của Iran nhằm mục đích thúc đẩy các đồng minh đạt được khả năng độc lập trong phát triển vũ khí”.
Mục tiêu chiến lược của Iran giúp những bên hưởng lợi lớn nhất là đồng minh truyền thống của nước này, như tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) có trụ sở tại Damascus (Syria), hay như Hamas. Ngoài xưởng chế tạo vũ khí bí mật, ít nhất đến năm 2020 Hamas mới nhận được hệ thống bệ phóng tên lửa đa nòng của Iran là Fajr-5 tầm bắn 75 km.
Theo kênh Al Jazeera, trong một cuộc phỏng vấn, chỉ huy Mohammed Deif (tên cũ là Mohammed Diab Ibrahim al-Masri) của Lữ đoàn Qassam – lực lượng vũ trang Hamas, cho biết: “Vũ khí gửi đến cho chúng tôi bằng cả đường bộ và đường biển, tất cả các loại vũ khí đã được Iran đưa đến đây. Các chiến binh ở Gaza rất cần những vũ khí này, ngoài ra các nước khác như Syria và Sudan cũng đã đóng vai trò giúp cuộc kháng chiến vũ trang của chúng tôi đạt hiệu quả”.
Tuyến đường buôn lậu vũ khí của Hamas nối Iran và Sudan, vận chuyển vũ khí và thiết bị đến Ai Cập bằng đường bộ rồi sau đó vào Dải Gaza thông qua mạng lưới đường hầm. Một con đường khác để buôn lậu vũ khí cùng trang thiết bị vào Dải Gaza là thông qua đường biển, theo đó có thể các tàu buôn lậu dỡ vũ khí cùng trang thiết bị xuống vùng biển Ai Cập, ở đó có các quân nhân Hamas cải trang thành ngư dân để nhận và vận chuyển về Dải Gaza; hoặc các tàu buôn lậu trực tiếp vận chuyển đến Dải Gaza vũ khí cùng trang thiết bị.
Báo cáo liên quan được Chính phủ Israel công bố cho thấy, chỉ riêng năm 2022 thì Israel đã phát hiện hơn 30 vụ buôn lậu hàng hải qua Ai Cập. Tuy nhiên, Israel không cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu có phải tất cả các vụ buôn lậu liên quan đến Dải Gaza hay không.
Phía quân đội Israel chỉ ra, dù là buôn lậu trên bộ hay buôn lậu trên biển thì lợi nhuận thu được đều rất khổng lồ. Ở Ai Cập, những người tham gia kiếm được từ 25.000 – 35.000 USD từ mỗi hoạt động buôn lậu.
Đài RFI Pháp đưa tin, chính quân đội Israel cũng là nguồn cung cấp vũ khí cùng trang thiết bị cho Hamas. Sau mỗi chiến dịch quân sự của quân đội Israel ở Dải Gaza, các chiến binh Hamas tìm kiếm vật liệu chưa nổ còn sót lại trong đống đổ nát và cánh đồng, từ đó có được bao gồm bom, mìn và đạn pháo 155mm.
Người đứng đầu lực lượng ném bom Hamas là Abu Salim đã công khai cho hay, trong chiến dịch quân sự duy nhất năm 2014 thì quân đội Israel đã thả xuống Dải Gaza rất nhiều bom MK84 do Mỹ sản xuất, điều đó giúp phiến quân Hamas có được một lượng lớn thuốc nổ TNT. Một dẫn chứng có thể thấy là vụ nổ ở Dải Gaza do sự cố ngày 7/6/2017 vô tình đã làm lộ ra một dây chuyền lắp ráp dưới lòng đất chuyên tái chế và cải tạo bom mìn chưa nổ của quân đội Israel.
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.