Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 3 (6/10) rằng ông muốn chính thức hóa và tăng cường khả năng mở rộng Tổ chức đối thoại an ninh tứ giác, còn gọi là Bộ Tứ Kim cương (Quad).
Ông Pompeo đã đến Tokyo để tham dự cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng Bộ Tứ Kim cương. Ông cho biết: “Khi chúng ta thể chế hóa những gì chúng ta đang làm, cả bốn quốc gia chúng ta có thể bắt đầu xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự.” Ông gọi mạng lưới này là một “cơ cấu” có thể “chống lại thách thức mà ĐCSTQ gây ra cho tất cả chúng ta.”
Ông gợi ý rằng các quốc gia khác có thể trở thành một phần của cơ cấu đó vào “một thời điểm thích hợp.”
Cuộc họp nhóm Bộ Tứ tại Tokyo là cuộc họp thứ hai của bốn Ngoại trưởng các nước Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ sau cuộc họp đầu tiên tại New York. Đây cũng là mục đích chủ yếu của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Nhật Bản. Ông Pompeo đã lên kế hoạch đến cả Hàn Quốc và Mông Cổ trong chuyến công du đến châu Á, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Donald Trump bị nhiễm COVID-19.
Ông Pompeo cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống trước khi bay sang châu Á và tinh thần của Tổng thống “dường như rất tốt”. Ông nói thêm: “Tôi tin tưởng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục như nó đã diễn ra trong ba năm qua.”
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh trọng tâm trong chính sách của ông Trump là một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”. Ông cho biết Bộ Tứ “đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh sự hữu ích” trong việc thúc đẩy mục tiêu đó khi mối quan hệ của 4 nước đã vượt xa vấn đề an ninh với nghĩa thông thường.
“Hãy nhớ rằng, khi chúng ta nói về an ninh, chúng ta đang nói về năng lực kinh tế, luật pháp, khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại, các mối quan hệ ngoại giao. Tất cả những yếu tố này hình thành nên một khuôn khổ an ninh. Nó không chỉ là quân sự. Nó sâu sắc hơn nhiều. … Đó là một loại sức mạnh mà các nước dân chủ mới có, còn các chế độ độc tài không bao giờ có thể mang lại.”
Những nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ có thể là một lời tán đồng trước những khó khăn trong việc chính thức hóa một cấu trúc Bộ Tứ vốn chỉ tập trung vào quan hệ quân sự. Theo bản diễn giải lại năm 2014 về hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, Tokyo có thể trợ giúp một đồng minh như Hoa Kỳ chỉ khi an ninh của mình bị đe dọa. Ngược lại, NATO yêu cầu phòng thủ tập thể, nghĩa là các thành viên phải bảo vệ lẫn nhau bất kể bản thân họ có bị tấn công hay không.
Trong khi đó, Ấn Độ nổi tiếng thích tự chủ chiến lược và đã rút khỏi các khuôn khổ quốc tế như Hiệp định thương mại Quan hệ đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngay từ khi được thành lập vào năm 2017, Bộ Tứ được xem là lực lượng đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc toàn cầu. Ý tưởng này sau đó phai nhạt nhưng đã được hồi sinh vào năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại và công nghệ đối với Bắc Kinh. Cho đến nay, các cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề như an ninh hàng hải hay mạng 5G, và lần này các biện pháp đối phó với virus corona đã được thêm vào chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, bản chất lỏng lẻo, không chính thức của tổ chức này đã đặt ra những câu hỏi về viễn cảnh cho việc hợp tác bền vững và sự liên tục của Bộ Tứ. Trước khi ông Pompeo viếng thăm Tokyo, ông David R. Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á đã nói với các phóng viên rằng “Tư cách thành viên Bộ Tứ được thúc đẩy bởi lợi ích chung, chứ không phải nghĩa vụ ràng buộc.”
>> Ông Suga phát triển di sản ngoại giao ‘Bộ Tứ’ của ông Abe
Tuy nhiên, cả bốn nước rõ ràng đều đang cảnh giác trước các động thái gần đây của Trung Quốc: từ việc lái máy bay quân sự gần Đài Loan, điều tàu xâm nhập vùng biển xung quanh Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cho đến việc thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Quan hệ Ấn – Trung cũng trở nên căng thẳng sau khi quân đội hai nước đụng độ dọc theo biên giới đất liền tại dãy Himalaya vào tháng 6/2020, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Quan hệ Úc – Trung cũng tiếp tục xấu đi với việc Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với hàng hóa Úc, bao gồm thịt bò, lúa mạch và than đá sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Vũ Hán.
Ông Pompeo cho biết các hành động của Trung Quốc trong khu vực chẳng khác gì là “bắt nạt.”
“Đây là việc sử dụng sức mạnh cưỡng chế của Trung Quốc. Đây không phải là cách mà các quốc gia lớn làm. Do đó nhiệm vụ của chúng ta là giảm thiểu điều đó,” ông Pompeo nói.
Khi được hỏi trực tiếp về Đài Loan, ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ cam kết giảm căng thẳng xuyên eo biển. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn mang lại hòa bình, chứ không phải xung đột,” nhưng ông khẳng định rằng “nhân nhượng không phải là câu trả lời.”
“Nếu chúng ta nhân nhượng mỗi khi ĐCSTQ làm một điều gì đó trên thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng sẽ phải nhân nhượng họ thêm rất nhiều lần. Vì vậy chúng tôi đã rất nghiêm túc phản đối việc nhân nhượng này với các đối tác ngoại giao của mình.”
Hải quân Hoa Kỳ đã điều hai tàu sân bay đến Biển Đông tham gia các cuộc tập trận trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên hai tàu sân bay hội tụ trong khu vực kể từ năm 2014. Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận và phản đối kịch liệt Bộ Tứ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói vào ngày 29/6 khi đề cập đến cuộc họp của Bộ Tứ Kim cương: “Thay vì thành lập những nhóm nhỏ riêng biệt, việc hợp tác đa phương nên cởi mở, toàn diện và minh bạch.” Ông Uông còn nói: “Thay vì nhắm vào các bên thứ ba hoặc phá hoại lợi ích của các bên thứ ba, việc hợp tác nên đưa đến sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực.”
Tuy nhiên, ông Pompeo liên tục cáo buộc đích danh ĐCSTQ đang vi phạm các cam kết quốc tế. Ông nói rằng Bắc Kinh đã hứa với người dân Hồng Kông rằng “trong 50 năm, họ có được quyền lợi của thỏa thuận [một quốc gia, hai chế độ]” nhưng sau đó đã dẫm đạp lên điều này. Tương tự, ông nói họ đã hứa “không quân sự hoá tại Biển Đông,” nhưng ngay lập tức họ vi phạm.
Ông Pompeo đang tìm cách chứng minh với các quốc gia liên quan rằng Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy hơn.
Trước đó, hôm thứ 3 (6/10), ông đã gặp trực tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt giữa hai nước dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ông Pompeo và ông Motegi nhất trí về sự cần thiết phải thiết lập một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, làm nền tảng cho sự ổn định trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ coi liên minh Mỹ – Nhật là “viên đá đặt nền” cho điều đó.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei, ông Pompeo nhấn mạnh khái niệm Mạng lưới Sạch của Hoa Kỳ như một trong nhiều lĩnh vực để hợp tác với Nhật Bản. Ông nói: “Tôi muốn đảm bảo dữ liệu của công dân Nhật Bản không bị lọt vào tay ĐCSTQ. Đây là điều mọi quốc gia đều muốn, cho dù đó là Mạng lưới Sạch hoặc sự phản đối của chúng tôi đối với các công ty có liên kết với chính phủ Trung Quốc như Huawei, vốn lộ ra chẳng khác gì một một mạng lưới của nhà nước Trung Quốc để phá hoại tự do và chủ quyền của quốc gia mà họ đang hoạt động.”
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn mang đến một con đường khác, là mối quan hệ toàn diện với Nhật Bản mà có thể cho phép hai nước hợp tác với nhau “theo những cách mà Trung Quốc không bao giờ có thể phù hợp.”
Gia Huy (theo Nikkei)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…