Thế Giới

Ông Tập lôi kéo EU chống lại Mỹ, báo chí Pháp kêu gọi cần cảnh giác “bạn giả”

Đối mặt với cuộc chiến thuế quan Trung – Mỹ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “cùng kháng cự” để đối phó với các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với ý đồ lôi kéo châu Âu đứng về phía mình. Tuy nhiên, truyền thông Pháp đã gọi hành động này là một “người bạn giả tạo”; thậm chí các nhà kinh tế học Pháp còn cảnh báo nếu Trung Quốc không thể xuất khẩu hàng hóa dư thừa sang Mỹ, lượng hàng giá rẻ này sẽ tràn sang châu Âu, và có thể phá hủy nền công nghiệp của lục địa này.

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Peru ngày 14/11/2024. (Ảnh: ERNESTO BENAVIDES/AFP qua Getty Images)

Truyền thông Pháp: “Bạn giả” có thể phá hủy ngành công nghiệp châu Âu

Gần đây, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế quan đối đẳng, đã giáng đòn mạnh vào thị trường toàn cầu. Vào ngày 9/4, ông tuyên bố sẽ hoãn áp thuế đối đẳng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia – ngoại trừ Trung Quốc. Trong khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp áp đặt thuế quan lên nhau, mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%, còn Trung Quốc đánh thuế lại Mỹ ở mức 125%, khiến căng thẳng thương mại hai bên càng thêm leo thang.

Ngày 11/4, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi EU cùng Trung Quốc “kháng cự” trước cuộc chiến thuế quan của ông Trump, rõ ràng đang cố gắng lôi kéo châu Âu trong thời điểm then chốt.

Cùng ngày, tờ Les Echos (một tờ báo kinh tế nổi tiếng của Pháp) nhận định rằng dù bề ngoài có vẻ EU và Trung Quốc có thể hợp tác để đối phó với khó khăn do thuế quan gây ra, nhưng chiến lược này ngoài việc có thể khiến ông Trump tức giận hơn, còn có nguy cơ rất lớn đối với ngành công nghiệp châu Âu. Lý do là mức thuế cao của Mỹ có thể đẩy hàng xuất khẩu dư thừa của Trung Quốc sang châu Âu. Nói cách khác, hàng hóa sản xuất dư thừa của Trung Quốc không thể bán được ở Mỹ có thể sẽ dồn vào thị trường châu Âu.

Cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard và nhà kinh tế học Lionel Fontagné cảnh báo với Les Echos rằng: “Tác động từ thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ giống như boomerang bay ngược lại vào châu Âu.”

EU hiện đang phát tín hiệu cảnh báo về hiệu ứng domino từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ngay cả khi không có thuế quan của ông Trump, riêng năm 2024, Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại lên tới 3.040 tỷ euro với châu Âu. Hiện Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất vào EU, và hàng hóa của họ đã tràn ngập các cảng lớn khắp châu Âu. Trong khi đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc thấp hơn từ 30% đến 40% so với doanh nghiệp châu Âu, cộng thêm sự phát triển về công nghệ và trợ cấp công khai từ nhà nước ĐCSTQ, khiến EU ngày càng bất mãn với sự cạnh tranh không công bằng từ Bắc Kinh.

Les Echos còn dùng tiêu đề phụ để gọi Trung Quốc là “bạn giả”, cho biết châu Âu đã sớm có ý thức phòng bị. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng: EU “sẽ không dung thứ” nếu hàng hóa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ mà lại tràn sang châu Âu. Nếu cơ chế giám sát mới phát hiện lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến, EU sẽ “áp dụng các biện pháp bảo vệ”.

Nhà kinh tế học Mary-Françoise Renard trả lời kênh truyền hình TF1 của Pháp rằng châu Âu cần đặc biệt tránh làn sóng xe điện và thiết bị điện tử giá rẻ của Trung Quốc tràn vào, điều này đối với châu Âu mà nói thì là mối đe dọa lớn, chủ yếu do giá thành thấp hơn đáng kể so với sản phẩm sản xuất tại châu Âu.

Bà Renard cho rằng điểm tích cực là chính sách thương mại của EU nằm trong thẩm quyền của Ủy ban châu Âu, do đó các quốc gia thành viên không thể hành động đơn lẻ. Trong khi đó, ĐCSTQ luôn có ý đồ khiêu khích mâu thuẫn giữa các nước trong khối EU.

Chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức tài chính Financière de la Cité, ông Nicolas Goetzmann, chia sẻ với Les Echos rằng năm ngoái Trung Quốc đã xuất khẩu 600 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, nhưng hiện nay đang mất đi thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, chiếm đến 30% toàn cầu.

Ông Goetzmann cho biết: “Trong suốt 25 năm qua, người tiêu dùng và người nộp thuế Mỹ đã tài trợ cho sự phát triển của Trung Quốc (ĐCSTQ) – nhưng thời kỳ đó đã kết thúc.” Ông nói thêm rằng với nền kinh tế đang suy yếu và nguy cơ giảm phát, Bắc Kinh đang quay sang châu Âu như một điểm tựa để duy trì tăng trưởng.

“Nếu châu Âu tiếp tục mở cửa với Trung Quốc Đại Lục, điều đó có nghĩa là chúng ta đang giao thương với một quốc gia đặt mục tiêu phá hủy ngành công nghiệp châu Âu, tôi không chắc đây là một ý tưởng hay,” ông nói.

Tờ Les Echos cũng nhấn mạnh, chưa kể Trung Quốc đang hỗ trợ Nga bằng cách cung cấp thiết bị và mua nguyên liệu, gián tiếp cho phép ông Putin tiếp tục tiến hành chiến tranh tại Ukraine, trong khi chính EU lại đang chi hàng trăm tỷ euro để chống lại sự tấn công từ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Pháp: Việc ông Trump “nới lỏng” thuế quan tạo điều kiện cho đàm phán, châu Âu phải cảnh giác với dòng hàng hóa Trung Quốc ồ ạt đổ vào

AFP đưa tin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tuyên bố tạm ngừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Trung Quốc. Trước thông tin này, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Eric Lombard khi trả lời phỏng vấn tờ Ouest-France đã nhấn mạnh: “Quyết định này cho thấy vẫn còn một mức độ thương lượng nào đó với chính quyền Trump, nhưng chúng ta không nên vì thế mà mất cảnh giác.”

Ông Lombard phát biểu: “Mỹ vẫn duy trì mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ, và các biện pháp bổ sung trong lĩnh vực thép và ô tô cũng chưa bị bãi bỏ. Vì vậy, đây chỉ đơn thuần là ‘chưa có tin xấu hơn’ chứ không phải một bước ngoặt thực sự. Chính vì vậy, châu Âu cần tiếp tục duy trì gây áp lực.”

Mặc dù hiện tại vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động kinh tế của việc tăng thêm 10% thuế quan, nhưng ông Lombard ước tính động thái này có thể làm tăng trưởng kinh tế Pháp giảm 0,2 điểm phần trăm. Ông nói: “Chính vì dự báo này, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 hôm thứ Tư, tôi đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2025 xuống còn 0,7%.”

Nhằm ổn định môi trường đầu tư, ông Lombard gần đây đã triệu tập một loạt giám đốc điều hành doanh nghiệp, khuyến khích họ tăng cường đầu tư vào thị trường châu Âu. Ông nhấn mạnh: “Đây là một lựa chọn hợp lý, vì châu Âu là một khu vực kinh tế ổn định, dân chủ và có thể dự đoán được.”

Đồng thời, phía Pháp cũng đang theo dõi chặt chẽ các số liệu xuất nhập khẩu. Ông Lombard cảnh báo: “Trung Quốc có thể sẽ cố gắng chuyển trọng tâm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tôi hy vọng chúng ta có thể kiên quyết chống lại bất kỳ làn sóng hàng hóa nào từ Trung Quốc tràn vào theo kiểu ‘bán phá giá’!”

Về chính sách thương mại, ông Lombard cho biết, ông ủng hộ việc ký kết thỏa thuận thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), nhưng với điều kiện nội dung thỏa thuận phải được “điều chỉnh”. Ông tuyên bố: “Văn bản hiện tại vẫn cần cải thiện ở các khía cạnh nông nghiệp và môi trường, các điều khoản hiện trong giai đoạn hiện tại là không thể chấp nhận được.”

Những tuyên bố trên của Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho thấy chiến lược kép của Pháp trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu và biến động địa chính trị: Một mặt tìm kiếm không gian cho đối thoại ngoại giao, mặt khác tăng cường khả năng phòng vệ và sức chống chịu của thị trường nội địa châu Âu.

Phân tích: Châu Âu sẽ không nghiêng về phía Bắc Kinh

Theo kênh truyền thông tài chính Mỹ CNBC, ông Max Bergmann – Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Á – Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington – nhận định: “Tôi không cho rằng Liên minh châu Âu sẽ liên kết với Trung Quốc để cùng chống lại Mỹ.”

Ông cho rằng mặc dù hai bên có thể không loại trừ khả năng tăng cường hợp tác trên phương diện địa chính trị, nhưng những xung đột kinh tế đang tồn tại, cùng với các vấn đề liên quan đến thương mại và cạnh tranh thị trường, lại là những trở ngại lớn.

Ông Bergmann nói thêm: “Khả năng EU xích lại gần Trung Quốc về mặt kinh tế là không cao, bởi cả hai đều là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, do đó là đối thủ của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và công nghệ xanh. Tôi cho rằng cả hai bên đều có nhu cầu hợp tác, nhưng lại bị thực tế ràng buộc nghiêm ngặt. Trừ khi Trung Quốc chịu nhượng bộ lớn, tôi rất khó hình dung EU sẽ thống nhất ủng hộ chiến lược tăng cường hợp tác với Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Trên thực tế, quan hệ giữa EU và ĐCSTQ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mặc dù ĐCSTQ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU (sau Mỹ), mối quan hệ kinh tế song phương lại đầy rẫy căng thẳng, với các cuộc điều tra thương mại và các biện pháp trả đũa lẫn nhau.

EU từ lâu đã cáo buộc ĐCSTQ trợ cấp cho các ngành công nghiệp trọng yếu như xe điện, pin và thép – nhôm, gây tổn hại cho thị trường toàn cầu và năng lực cạnh tranh. Vì vậy, vào năm ngoái, EU đã áp dụng các mức thuế trừng phạt đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đáp lại, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm xuất khẩu của EU như thịt heo, rượu brandy và sản phẩm từ sữa, động thái này được cho là các hành động trả đũa.

Ông Carsten Nickel, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn doanh nghiệp Mỹ Teneo, nói với CNBC rằng căng thẳng hiện tại giữa EU và ĐCSTQ không chỉ bắt nguồn từ thương mại. Dù EU và ĐCSTQ có quan hệ như thế nào với Mỹ, thì “giữa họ vẫn tồn tại những khác biệt mang tính căn bản.”

Theo ông, điều này liên quan đến vấn đề sản lượng dư thừa chưa được giải quyết của ĐCSTQ; đến những lo ngại kéo dài của Nghị viện châu Âu về ĐCSTQ, đặc biệt là vấn đề nhân quyền; và cả mối nghi ngại về việc ĐCSTQ ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Một phó trưởng phòng thuộc Viện KSND tối cao bị bắt

Một nữ phó trưởng phòng thuộc Viện KSND tối cao bị cáo buộc môi giới…

25 phút ago

Điện Kremlin hé lộ khả năng có hội nghị Putin-Trump

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xác nhận hội nghị giữa Tổng thống…

26 phút ago

Bộ trưởng Thương mại Anh: Các công ty thép có vốn Trung Quốc không còn được chào đón

Bộ trưởng Thương mại Anh - ông Jonathan Reynolds tuyên bố rằng Trung Quốc không…

1 giờ ago

Thiếu vắng lòng biết ơn người già…

Người già ngày nay không những không được hưởng thụ lòng hiếu thảo của con…

1 giờ ago

Elena Pucillo: “Tôi là con dâu xứ Nẫu”

Bà hào hứng nói luôn, tôi vẫn hay nói với bè bạn với tất cả…

1 giờ ago

Cảnh tùy tâm chuyển: Thiện niệm có thể biến hung thành cát

Thiện niệm và ác niệm một khi xuất ra, chỉ sai khác một chữ nhưng…

2 giờ ago