Đề cử viên tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump tại buổi tập trung chiến dịch ở Asheboro, Bắc Carolina vào ngày 21 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: Melissa Sue Gerrits/Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhận xét về “cuộc gặp thú vị” giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm hôm thứ Hai (14/4), cho rằng họ đang cố tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để chơi xỏ Hoa Kỳ?”
Ông Trump đưa ra bình luận nêu trên trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống El Salvador Nayib Bukele. Tổng thống Hoa Kỳ được cho là đã trả lời một câu hỏi về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Tổng thống Trump vào ngày 2 tháng 4 đã công bố việc áp thuế quan thương mại “đối ứng” đối với hầu hết các quốc gia làm ăn với Hoa Kỳ, gọi đây là “Ngày Giải phóng.” Mức thuế này được xác định theo một công thức có xét đến sự mất cân bằng thương mại của Hoa Kỳ với các quốc gia liên quan. Do Việt Nam có khối lượng xuất khẩu lớn sang Mỹ, chính quyền Trump đã công bố áp thuế 46% lên hàng hóa của Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử phái đoàn sang Washington để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn nhằm xóa bỏ thuế quan. Sau khi nói chuyện với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm ngay sau khi công bố mức thuế, ông Trump cho biết trên mạng xã hội rằng chính phủ Việt Nam sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận để Hoa Kỳ không phải trả thuế khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
“Vừa có cuộc gọi rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông ta nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế xuống mức KHÔNG nếu họ có thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. “Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong sớm được gặp trực tiếp”.
Trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phản ứng với “Ngày Giải phóng” bằng cách liên tục tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ. Vào thứ Hai (14/4), chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm – một nhóm gồm 17 nguyên tố thường được sử dụng trong sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng xanh, thiết bị quân sự và ắc quy. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tinh luyện đất hiếm hàng đầu thế giới, do quy trình tinh luyện gây hại nghiêm trọng cho môi trường, khiến các đối thủ tiềm năng do dự trong việc sản xuất quy mô lớn.
Tuần trước, hôm 9 tháng 4, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế quan đối ứng với tất cả các quốc gia trừ Trung Quốc, nói rằng chỉ có Trung Quốc từ chối đàm phán lại mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Mặc dù điều này đồng nghĩa rằng Việt Nam hiện không còn chịu mức thuế 46% khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhưng các chuyên gia vẫn dự đoán đây sẽ là một chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập đến Hà Nội vào thứ Hai (14/4) và thứ Ba (15/4).
Ông Trump khi đang ở Nhà Trắng hôm thứ Hai (14/4) đã nhắc đến chuyến thăm của ông Tập, mỉa mai gọi đó là “tuyệt vời” khi thấy hai quốc gia cộng sản bắt tay nhau.
“Tôi không trách Trung Quốc. Tôi không trách Việt Nam. Tôi không trách. Tôi thấy họ đang gặp nhau hôm nay. Tuyệt vời phải không?” ông hỏi các phóng viên. “Một cuộc gặp thú vị … như thể đang cố gắng nghĩ xem, ‘Làm sao để chơi xỏ Hoa Kỳ đây?’”
Ông Trump tiếp tục nói rằng ông “thích” ông Tập trên phương diện cá nhân và rằng “ông ấy cũng thích tôi”, bất chấp mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ông Tập đã đến Hà Nội với một lễ đón tiếp long trọng vào thứ Hai (14/4), được chào đón bởi một ban nhạc quân đội hoành tráng và đám đông nhiệt tình do chính quyền chỉ định. Dù không trực tiếp tham gia vào phản ứng gay gắt của Trung Quốc trước chính sách thuế của ông Trump, nhưng ông Tập cũng đã đề cập đến thuế quan trong một bài viết gửi người dân Việt Nam, được đăng trên báo Nhân Dân ngay trước khi ông ấy đến Hà Nội.
“Chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan sẽ không có người chiến thắng, và chủ nghĩa bảo hộ sẽ chẳng dẫn đến đâu. Hai nước chúng ta nên kiên quyết bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu ổn định, cũng như môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác”, ông Tập viết.
“Trong thời hiện đại, những người tiên phong cách mạng Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau tìm đường cứu nước và đóng góp quan trọng vào chiến thắng của Thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc”, ông Tập tuyên bố và khẳng định, “Cộng đồng Trung-Việt cùng chia sẻ tương lai dựa trên niềm tin chính trị mạnh mẽ”.
Thông điệp trên của ông Tập dường như không chỉ là phản ứng với chính sách thuế của Hoa Kỳ, mà còn là để đáp lại chính sách thuế của chính Việt Nam. Ngay trước “Ngày Giải phóng,” chính quyền Việt Nam đã thông báo sẽ tăng thuế đối với thép sản xuất từ Trung Quốc để đáp trả hành vi “bán phá giá” – tức là một quốc gia xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa thừa để làm giảm giá tại quốc gia nhập khẩu và gây tổn hại đến doanh nghiệp nội địa.
Dù có thể đã có những bất đồng dẫn đến thuế thép, nhưng điều đó không hề lộ rõ trong chuyến thăm của ông Tập đến Hà Nội. Hai nước đã ký khoảng 45 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực bao gồm việc cùng thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản, phát triển giao thông đường sắt và các phương tiện vận tải khác, cứu hỏa, chính sách môi trường, hợp tác quân sự và giao lưu nhân dân.
Một tuyên bố chung dài được hai nước công bố nhấn mạnh vị thế là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”. Hầu hết các điều khoản kinh tế trong tuyên bố chung tập trung vào phát triển giao thông đường bộ và đường sắt, đặc biệt trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc, nhưng tuyên bố cũng đề cập đến việc tăng cường thương mại song phương trong một số lĩnh vực.
“Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có năng lực và uy tín, với công nghệ tiên tiến, đầu tư vào nước nhau, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và thuận lợi. Hoan nghênh sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 5G. Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, phát triển xanh và kinh tế số”, tuyên bố chung nêu rõ.
Phạm Duy, theo Breitbart News
Theo cơ quan khí tượng, từ ngày 23/4, miền Bắc đón không khí lạnh, kết…
Từ ngày 1/5, tỉnh Quảng Ninh áp dụng thu phí với 3 hành trình tham…
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng thủ tướng tương lai…
Hoa Kỳ để ngỏ khả năng công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga như…
Ngay sau khi ông Tập Cận Bình vừa đi thăm một số nước Đông Nam…
Theo cuộc thăm dò dư luận mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew công…