Thời gian gần đây, hoạt động phạm tội của băng đảng Tren de Aragua ở Mỹ gây chú ý. Tổ chức tội phạm bạo lực này có nguồn gốc từ các nhà tù Venezuela và đã lợi dụng làn sóng người Venezuela nhập cư trong những năm gần đây để xâm nhập vào Mỹ. Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4 năm qua, trong đó có hàng trăm thành viên băng đảng.
Theo New York Post, vào tháng Một năm nay, chính quyền Biden đã buộc phải từ bỏ nỗ lực trục xuất hồi hương những tội phạm và thành viên băng đảng này vì Chính phủ Venezuela từ chối tiếp nhận các chuyến bay hồi hương từ Mỹ, dẫn đến một số lượng lớn những nhân vật nguy hiểm mắc kẹt ở Mỹ.
Vấn đề gai góc này sẽ được để lại cho Tổng thống đắc cử Trump giải quyết, và nó cũng liên quan đến việc liệu ông có thể thực hiện được lời hứa khi tranh cử là trục xuất hàng loạt người nhập cư hay không.
Ông Tom Homan, người được ông Trump bổ nhiệm làm giám đốc các vấn đề biên giới, cho rằng chính phủ mới có nhiều biện pháp để buộc Venezuela khởi động lại kế hoạch hồi hương, bao gồm tăng cường trừng phạt và đóng băng viện trợ. Chỉ riêng năm ngoái, Mỹ đã viện trợ 209 triệu USD cho Venezuela.
Ông Homan cho biết: “Ông Trump đã thuyết phục thành công El Salvador (một quốc gia tại Trung Mỹ) chấp nhận các thành viên băng đảng MS-13 và cũng thuyết phục được Mexico đồng ý với kế hoạch ‘Ở lại Mexico’. Tôi tin rằng ông ấy cũng có thể đạt được sự đồng thuận với Tổng thống Venezuela.”
Trong những năm gần đây, Venezuela đã trở thành một trong những nguồn nhập cư lớn nhất vào Mỹ. Tham nhũng và sụp đổ kinh tế dưới chế độ cộng sản của Tổng thống Nicolás Maduro đã buộc hàng triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước của họ.
Chính quyền Biden đã cung cấp tình trạng được bảo vệ tạm thời cho người Venezuela, điều này không chỉ bảo vệ họ khỏi bị trục xuất mà còn đẩy nhanh quá trình phê duyệt giấy phép lao động, điều này chắc chắn sẽ làm tăng thêm động lực để họ vượt biên vào Mỹ.
Băng Tren de Aragua nhìn thấy cơ hội và yêu cầu các thành viên trong băng nhóm giả làm người tị nạn và nộp đơn xin tị nạn. Để tránh bị đặc vụ biên giới phát hiện, nhiều thành viên thậm chí không còn mang hình xăm đặc trưng của băng đảng nữa.
Ron Vitiello, người từng giữ chức vụ quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết cho đến sau khi ông Biden nhậm chức, băng nhóm này đã không lọt vào tầm ngắm của cơ quan thực thi pháp luật.
Ông cho biết: “Trong dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới trước năm 2021, không có một hồ sơ bắt giữ nào đối với một thành viên của băng đảng Tren de Aragua này. Điều này đơn giản là không thể tin được. Tôi đã làm việc trong chính phủ 34 năm cho đến khi rời công việc của mình vào năm 2021, lần đầu tiên tôi nghe nói đến sự tồn tại của nó khi tổ chức này đang gây sóng gió ở New York.”
Ngày nay, tổ chức tội phạm này có nguồn gốc từ các nhà tù ở Venezuela và đã bén rễ ở 16 bang của Mỹ. Các thành viên của nó đã gây ra nhiều vụ án tàn ác, trong đó có vụ sát hại dã man Laken Riley, một sinh viên khoa y tá ở Georgia.
Do lệnh cấm trục xuất, ngay cả khi các cơ quan thực thi pháp luật xác định những thành viên băng đảng này là mối đe dọa đối với xã hội, thì cũng không thể trục xuất họ về nước.
Một số thành viên băng đảng bị bắt và được thả vì tội nhẹ và sau đó phạm tội bạo lực nghiêm trọng hơn.
Trường hợp điển hình là Niefred Serpa-Acosta, 20 tuổi. Đầu năm nay, anh ta bị cơ quan quản lý nhập cư bắt giữ vì nhiều vụ trộm, nhưng được thả vào ngày 17/7. Chỉ một tháng sau, anh ta lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vì tham gia vào một vụ cướp có vũ trang, vụ việc xảy ra tại một căn hộ ở vùng ngoại ô thành phố Aurora, tiểu bang Colorado.
Theo các nguồn tin trong Bộ An ninh Nội địa, trước khi cơ quan nhập cư thả Serpa-Acosta, anh ta đã thừa nhận rằng mình là thành viên của băng đảng Tren de Aragua và có những hình xăm mang tính biểu tượng của băng đảng này trên cơ thể.
Theo Wall Street Journal, trước tháng Một năm nay, hầu như tuần nào Venezuela cũng nhận được các chuyến bay trục xuất hồi hương từ Mỹ. Nhưng nỗ lực hồi hương đã bị dừng lại khi chính quyền Biden-Harris áp đặt một vòng trừng phạt mới đối với nước này.
Giờ đây, làm thế nào để nối lại việc trục xuất tội phạm Venezuela đã trở thành bài toán khó mà ông Trump phải đối mặt. Dưới đây là một số giải pháp khả thi:
Tăng cường trừng phạt và rút viện trợ
Vào năm 2012, ông Wes Tabor, người phụ trách văn phòng Cục Quản lý Thực thi Ma túy ở Caracas (thủ đô của Venezuela), cho rằng “các biện pháp thương mại” có thể được sử dụng để “đàn áp về mặt kinh tế” ‘gã khổng lồ’ dầu mỏ và buộc nước này phải khởi động lại hợp tác hồi hương.
Ông Tabor phân tích: “Với thái độ cứng rắn của ông Trump, Venezuela sẽ không còn lựa chọn nào khác. Nếu ông Trump tỏ ra tử tế trước và cố gắng đàm phán một cách hợp lý nhưng chính quyền Maduro không biết điều, thì ông Trump chắc chắn sẽ dùng mọi biện pháp có thể để đè bẹp họ về mặt tài chính.”
Buộc trục xuất các thành viên băng đảng
Ông Daniel Di Martino, một nhà bất đồng chính kiến người Venezuela và là thành viên tại Viện Manhattan, cho rằng bất chấp khó khăn, ông Trump vẫn có thể cân nhắc việc buộc trục xuất những thành viên băng đảng này mà không cần sự đồng ý của Chính phủ Venezuela.
Ông nói: “Mỹ đã có tiền lệ tương tự. Khi giải quyết vấn đề Haiti, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã buộc phải đưa người dân trở lại bờ biển Haiti mà không có sự đồng ý của Chính phủ Haiti”.
Hoạt động này có thể thực hiện bằng cách gửi những người bị trục xuất đến vùng biển Caribe hoặc Colombia và sau đó sắp xếp tàu đưa họ đến bờ biển Venezuela.
Tìm kiếm sự hợp tác của nước thứ ba
Một lựa chọn khả thi khác là trả tiền cho các quốc gia khác để tiếp nhận những người nhập cư bị trục xuất.
Ông John Fabbricatore, cựu lãnh đạo Văn phòng Denver của cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan, tin rằng ông Trump có thể cố gắng đàm phán với các nước như Colombia để trao đổi viện trợ và thương mại kinh tế lấy hợp tác.
Tuy nhiên, vì hiện tại Colombia đã tiếp nhận khoảng 3 triệu người tị nạn từ Venezuela, việc thuyết phục họ tiếp nhận những người có tiền án hình sự có lẽ sẽ không dễ dàng.
Cao Vân, Vision Times
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…