Pháp hiện đang có kế hoạch tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung cho những người già và dễ bị nhiễm bệnh nhất ngay trong tháng tới, bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tạm dừng tiêm liều bổ sung cho đến khi có nhiều người hơn nữa được tiêm chủng trên toàn cầu.
“Đúng vậy, chúng tôi có thể sẽ cần phải tiêm liều thứ 3, không phải cho tất cả mọi người ngay lập tức, mà chỉ đối với người già và những người dễ bị nhiễm bệnh nhất”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.
Ông Macron xác nhận rằng nước Pháp đang triển khai việc tiêm liều thứ 3 bắt đầu từ tháng 9 tới đây, nhưng không xác định ngày cụ thể. Các liều bổ sung hiện chỉ có sẵn cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Tuyên bố của tổng thống được đưa ra 1 ngày sau khi WHO cho biết kêu gọi tạm dừng việc tiêm liều bổ sung ít nhất là cho đến cuối tháng 9 để đảm bảo rằng 10% dân số của mọi quốc gia đều được tiêm 1 liều. Hơn 80% nguồn cung vắc-xin trên thế giới đã được chuyển đến các quốc gia giàu có cho dưới 50% dân số thế giới.
“Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta, nhưng chúng tôi không thể và không nên chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc-xin toàn cầu tiếp tục dùng thêm nữa [để tiêm liều bổ sung], trong khi những người dễ bị nhiễm bệnh nhất trên thế giới vẫn không được bảo vệ”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 4/8.
Đức và Anh gần đây cũng đã thông báo rằng họ đang có kế hoạch tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung ngay trong tháng tới.
Theo Bộ Y tế Đức, các liều bổ sung ở nước này dành cho những nhóm nguy cơ bao gồm bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người già và người trong viện dưỡng lão, ngoài ra, họ cũng sẽ viện trợ ít nhất 30 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia nghèo hơn. Tại Anh, liều bổ sung sẽ bắt đầu được tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Trong khi đó, ở Israel, nước này đã cung cấp liều vắc-xin thứ 3 của hãng Pfizer cho các công dân từ 60 tuổi trở lên vào tuần trước.
Động thái này xảy ra trong bối cảnh các chính phủ trên khắp thế giới cố gắng giảm thiểu sự lây lan của biến thể Delta. Tháng trước, Bộ Y tế Israel đã 2 lần báo cáo tình trạng sụt giảm hiệu quả của vắc-xin trong việc bảo vệ chống lại bệnh nghiêm trọng.
Pháp và Đức cho đến nay đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 cho lần lượt 64,5% và 62% dân số của họ, trong đó 49% dân số Pháp và 53% người Đức đã tiêm chủng đầy đủ.
Tuần trước, hàng chục nghìn người đã đến hàng chục thành phố của Pháp để biểu tình phản đối việc bắt buộc áp dụng “thẻ thông hành y tế (health pass)”.
Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, nhưng cũng có một vài cuộc đụng độ lẻ tẻ. Hệ thống thẻ thông hành y tế (tương tự như hộ chiếu vắc-xin) đã được Quốc hội Pháp thông qua vào tuần trước, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 9/8. Người dân Pháp nếu muốn đến nhà hàng và một số địa điểm công cộng thì phải xuất trình loại giấy tờ này.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…