Hôm 4/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm dừng tiêm liều bổ sung cho đến cuối tháng tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc-xin COVID-19 cho các quốc gia nghèo.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Skorzewiak/Shutterstock)

“Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta, nhưng chúng tôi không thể và không nên chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc-xin toàn cầu tiếp tục dùng thêm nữa [để tiêm liều bổ sung], trong khi những người dễ bị nhiễm bệnh nhất trên thế giới vẫn không được bảo vệ”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 4/8.

Theo đó, WHO kêu gọi tạm dừng tiêm liều vắc-xin bổ sung ít nhất cho đến cuối tháng 9 để đảm bảo rằng 10% dân số của mọi quốc gia đều được tiêm 1 liều. Hơn 80% nguồn cung vắc-xin trên thế giới đã được chuyển đến các quốc gia giàu cho dưới 50% dân số toàn cầu.

Trước đó, các quan chức của WHO đã cảnh báo rằng việc các nước giàu mong muốn chỉ sản xuất vắc-xin cho người dân của họ có thể phản tác dụng bởi COVID-19 vẫn sẽ dễ dàng lây lan ở các nước nghèo và sau đó đột biến thành các biến thể có thể kháng lại khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Bên cạnh đó, một số quan chức WHO cho biết không có đủ bằng chứng cho thấy hiệu quả lâu dài của vắc-xin COVID-19, đồng thời lưu ý rằng chúng chỉ mới được sử dụng trong vài tháng.

Lời kêu gọi từ cơ quan y tế Liên Hợp Quốc được đưa ra khi Anh và Đức đều công bố kế hoạch cung cấp các liều vắc-xin bổ sung ngay trong tháng tới. Bắt đầu từ tuần trước, Israel, một trong những quốc gia tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, cũng đang cung cấp liều vắc-xin thứ 3 của hãng Pfizer cho công dân từ 60 tuổi trở lên.

Ở Đức, việc tiêm liều bổ sung sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng vắc-xin mRNA của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna, bất kể trước đó đã dùng loại vắc-xin nào, theo Bộ trưởng Y tế Liên bang Jens Spahn cho biết hôm 3/8.

Vào tháng 7, Pfizer đã thông báo rằng họ và đối tác BioNTech, sẽ xin phép Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ để phân phối liều vắc-xin bổ sung. Đáp lại, các quan chức của FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã từ chối và nói rằng người Mỹ không cần tiêm liều bổ sung.

CDC và FDA cho biết trong một tuyên bố chung: “Những người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ không cần tiêm liều bổ sung vào thời điểm này”.

Hôm 3/8 vừa qua, Tổng thống Joe Biden cho biết chính phủ liên bang đã chuyển hơn 110 triệu liều vắc-xin đến 65 quốc gia và sẽ chia sẻ nguồn cung của mình với phần còn lại của thế giới sau khi các vấn đề về hậu cần được giải quyết.

Tại các quốc gia khác, mới đây, giới chức trách Thái Lan và Indonesia đã tuyên bố rằng họ sẽ tiêm liều bổ sung cho các nhân viên y tế bằng loại vắc-xin được sản xuất tại Châu Âu hoặc Mỹ, trong bối cảnh một số nhân viên y tế đã bị nhiễm virus corona sau khi tiêm 2 liều vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã cho phép tiêm liều vắc-xin bổ sung của hãng Pfizer cho những người đã tiêm loại vắc-xin Sinopharm cũng do Trung Quốc sản xuất.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: