Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba (23/1) đã bỏ phiếu chuẩn thuận đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, mở đường cho quốc gia Bắc Âu sớm trở thành thành viên thứ 32 của khối quân sự xuyên Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022, sau khi Nga xâm lược Ukraine. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào đầu năm 2023, trong khi đơn gia nhập của Thụy Điển bị đình trệ do Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối.
Theo Reuters, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển với 287 phiếu thuận, 55 phiếu chống. Đảng AK mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là thành viên ủng hộ nghị quyết, trong khi các nghị sĩ của các đảng cánh tả và Hồi giáo phản đối.
Ông Fuat Oktay, lãnh đạo ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và là thành viên của Đảng AK cầm quyền, nói trong buổi thảo luận hôm 23/1: “Chúng tôi ủng hộ mở rộng NATO để cải thiện nỗ lực răn đe của khối liên minh này… Chúng tôi hy vọng quan điểm chiến đấu với khủng bố của Phần Lan và Thụy Điển sẽ là tấm gương cho các đồng minh khác”.
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake nói trong tuyên bố bằng văn bản công bố hôm 23/1: “Tôi đánh giá cao quyết định hôm nay của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuẩn thuận Thụy Điển gia nhập NATO”.
Ông Jeff Flake nói rằng “sự cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Liên minh NATO biểu hiện rõ ràng cho mối quan hệ đối tác bền chặt của chúng ta”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và ông nói thêm: “Tôi cũng trông cậy vào Hungary hoàn thành chuẩn thuận sớm nhất có thể”.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã hoan nghênh sự chuẩn thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói: “Chúng tôi bây giờ mong chờ Tổng thống Erdogan ký vào văn bản phê duyệt này”.
Ông Erdogan sẽ phải ký phê duyệt chính thức và khả năng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành động thái này trong vài ngày tới. Như vậy, hiện tại chỉ còn duy nhất Hungary chưa chuẩn thuận Thụy Điển gia nhập NATO.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukaine và nhìn chung vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn là với các nguyên thủ của các quốc gia châu Âu.
Hải Đăng
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…