Vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đang thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị cấp cao nhất tại Slovakia, theo kênh DPA của Đức hôm 6/8. Các diễn biến mới nhất của cuộc điều tra tại Đức cũng khiến quan hệ Đức-Việt căng thẳng.
Cuối tuần qua, tờ Dennik N của Slovakia dẫn lời một số sĩ quan cảnh sát nước này tiết lộ hồi cuối tháng 7/2017, ông Thanh đã bị bí mật đưa về Việt Nam trên một phi cơ công vụ của chính phủ Slovakia.
Theo mô tả của báo Đức và báo chí Slovakia, ông Thanh đã bị bắt đưa vào một chiếc xe tải từ Berlin đến thủ đô Bratislava của Slovakia qua ngả thủ đô Prague của Séc, sau đó được dồn chung vào phái đoàn của Bộ trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm rồi rời khỏi Slovakia trên phi cơ của chính phủ nước này.
Cả nhật báo Đức “Frankfurter Allgemeine Zeitung” và tờ “Dennik N” cáo buộc nhà chức trách Slovakia, bao gồm cả Bộ trưởng Nội Vụ vào thời điểm đó là ông Robert Kalinak, có dính líu tới “vụ bắt cóc”. Trên Facebook, ông Kalinak mạnh mẽ bác bỏ và gọi các cáo buộc là “chuyện viễn tưởng”.
Tuy nhiên, tin tức truyền ra đã gây rúng động thủ đô Bratislava. Tổng thống Slovakia Andrej Kiska, người không thuộc đảng phái nào, đã đòi bãi nhiệm bà Bộ trưởng Nội Vụ đương nhiệm Denisa Sakova, người kế nhiệm ông Kalinak.
Sau cuộc gặp thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, Tổng thống Slovakia tuyên bố ông không còn tin tưởng bà Bộ trưởng Nội Vụ nữa và cơ quan của bà chỉ là cánh tay phải của cựu Bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak, người “trực tiếp liên quan” tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Còn Thủ tướng Peter Pellegrini thì nói rằng ông sẽ điều Bộ trưởng Sakova và Cảnh sát trưởng Milan Lucansky đến Đức để hợp tác với cảnh sát nước này điều tra vụ việc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội Vụ Slovakia, bà Denisa Sakova cho hay trong khuôn khổ điều tra cáo buộc trên, bà đã đình chỉ công việc của người đứng đầu cơ quan Nhà nước bảo vệ an ninh cho nhân chứng quan trọng. Đồng thời, bà cho phép cảnh sát nước này tạm miễn quy định giữ im lặng và được phép khai chứng trong các cuộc điều tra sắp tới.
Vụ việc còn gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng tại Slovakia. Đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid hôm 6/8 nói rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Cùng ngày hôm Thứ Hai, Chưởng lý Jaromir Cizrna thỉnh cầu Tổng thống Slovakia triệu tập một cuộc họp với Thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội Slovakia nhằm giải quyết khủng hoảng.
Ngoài ra, vụ việc đã làm quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng và khiến Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế. Một tòa án Đức hồi tháng 7 đã kết án một người đàn ông Việt Nam 3 năm 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Phía Việt Nam bác bỏ cáo buộc “bắt cóc” của Đức, nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã “tự về nước đầu thú”. Ông Thanh đã bị kết án 2 lần tù chung thân trong hai phiên tòa xét xử ở Việt Nam về tội tham nhũng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…