Giáo hoàng Leo XIV mới được bầu lần đầu xuất hiện trên ban công trung tâm chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 8 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: ALBERTO PIZZOLI / AFP via Getty Images)
Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một vị giáo hoàng mang quốc tịch Hoa Kỳ đã được tuyển chọn. Tuy nhiên, ngoài quốc tịch Hoa Kỳ, nơi sinh tại thành phố Chicago, và biệt danh “Cha Bob”, thì không có điều gì khác nơi Giáo hoàng Leo XIV mang màu sắc Mỹ. Tín hữu gọi Giáo hoàng là Cha Bob – song không phải bằng tiếng Anh, vì ngôn ngữ này hoàn toàn vắng bóng trong bài phát biểu đầu tiên của Giáo hoàng với các tín hữu từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter. Tân Giáo hoàng Leo XIV đã phát biểu bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha – những ngôn ngữ mà đối với ông, trước đây là Hồng y Robert Francis Prevost (Prevo là cách phát âm tiếng Pháp), đã là hai ngôn ngữ làm việc chính của ông trong suốt nhiều năm qua. Với tư cách là bề trên tổng quyền của Dòng Augustinô, Giáo hoàng Leo XIV đã công du khắp nơi trên thế giới để thăm viếng các tu viện, sử dụng hai ngôn ngữ ấy để giao tiếp.
Vậy tân giáo hoàng là người theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ? Trong bối cảnh chính phủ Hoa Kỳ ngày càng nghiêng về các giá trị truyền thống (hãy nhớ chuyến viếng thăm Tòa Thánh của Phó Tổng thống Công giáo J.D. Vance ngay trước khi Giáo hoàng Francis từ trần, hay việc phát ngôn viên Nhà Trắng là cô Caroline Leavitt thường mở đầu các cuộc họp báo bằng một lời cầu nguyện), thì câu hỏi này lại mang ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, phe cánh tả tại Hoa Kỳ đã phạm phải một sai lầm đáng tiếc.
Ngay cả trước khi Hồng y Robert Francis Prevost chính thức trở thành Giáo hoàng Leo XIV, tờ Wall Street Journal – một tờ báo có khuynh hướng tự do cấp tiến – đã vội vã nhận định sai lạc. Vào đêm trước ngày mật nghị hồng y, tờ báo này quả quyết rằng quốc tịch Hoa Kỳ sẽ là trở ngại lớn trong việc Hồng y Prevost được bầu làm giáo hoàng. “Hộ chiếu Mỹ là một gánh nặng, đặc biệt là trong thời đại Trump”, tờ Wall Street Journal viết. Nhưng hóa ra sự việc lại chứng minh điều ngược lại: đó chỉ là một gánh nặng đối với giới cấp tiến Hoa Kỳ mà thôi. Người ta hoàn toàn có thể trở thành giáo hoàng với tấm hộ chiếu ấy. Tuy nhiên, không thể gọi Hồng y Prevost là một người theo chủ nghĩa Trump – nếu đúng vậy, ông hẳn đã không thể đắc cử.
Việc bầu chọn Hồng y Prevost trở thành Giáo hoàng Leo XIV đã làm rúng động thế giới Công giáo, vì từ trước đến nay, luôn tồn tại một điều cấm kỵ không chính thức rằng không nên có một vị giáo hoàng đến từ Hoa Kỳ. Với địa vị siêu cường của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, việc bầu một người Mỹ làm giáo hoàng từng được coi là một rủi ro. Do đó, những thay đổi lần này tại Vatican phần nào phản ánh gián tiếp sự suy yếu vị thế bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy dấu hiệu của một thế giới đa cực đang hình thành.
Được thụ phong chức vị linh mục vào năm 1982 khi mới 27 tuổi, Hồng y Prevost lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh St. Thomas Aquinas tại Rome. Hồng y Prevost từng phục vụ với tư cách là một nhà truyền giáo, linh mục giáo xứ, giảng viên và giám mục tại Peru. Cả cuộc đời Giáo hoàng Leo XIV là những chuyến viễn du, và điều ấy đã hun đúc nên lập trường đặc biệt của ông đối với người di cư – rất giống với Cố Giáo hoàng Francis. Giáo hoàng Leo XIV từng lên tiếng chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump đối với vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Chẳng hạn gần đây, vào ngày 14 tháng 4, Giáo hoàng Leo XIV khi đó còn là Hồng y Prevost đã chia sẻ lại một bài viết trong đó ông bày tỏ sự ủng hộ đối với những người lên án Nhà Trắng vì đã trục xuất ông Kilmara Abrego Garcia – một di dân bất hợp pháp và là cha của ba đứa trẻ, bị tình nghi có liên hệ với băng đảng MS-13 tại El Salvador. Hồng y Prevost cũng từng công khai tranh luận với Phó Tổng thống J.D. Vance về vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Năm 2017, vị giáo hoàng tương lai đã chia sẻ lại một bài viết bày tỏ sự ủng hộ đối với những người thuộc chương trình DACA – tức những di dân nhập cư bất hợp pháp được đưa đến Mỹ khi còn là trẻ nhỏ. Một năm sau đó, Hồng y Prevost lại chia sẻ một bài viết nói rằng: “Không có bất kỳ điều gì, dù chỉ là một chút, có thể được xem là mang tính Kitô giáo, tính Mỹ, hay [đạo lý nào] có thể biện minh được về mặt đạo đức cho một chính sách tách trẻ em khỏi cha mẹ và nhốt chúng trong những chiếc lồng. Chính sách này được thực thi nhân danh chúng ta, và tất cả chúng ta đều phải hổ thẹn vì điều đó”.
Vậy Giáo hoàng Leo XIV là người theo chủ nghĩa cấp tiến? Không hẳn vậy. Trong một bài phát biểu từ năm 2012 trước các giám mục, Hồng y Prevost từng than phiền rằng truyền thông phương Tây và nền văn hóa đại chúng đang khuyến khích ‘sự cảm thông đối với những tín ngưỡng và thực hành trái ngược với Phúc âm’. Hồng y Prevost từng nhắc đến ‘lối sống đồng tính’ và ‘các mô hình gia đình thay thế gồm những cặp đôi đồng giới và con nuôi của họ’. Trong thời gian làm Giám mục giáo phận Chiclayo tại Peru, Hồng y Prevost đã công khai phản đối một kế hoạch của chính phủ nhằm đưa giáo dục giới tính vào trường học. Hồng y Prevost phát biểu với báo chí địa phương rằng, ‘Việc cổ súy ý thức hệ giới tính là điều gây hoang mang, vì nó tìm cách tạo ra những giới tính không tồn tại’.
Một nhà cải cách trầm lặng, tiếp nối đường hướng của vị Giáo hoàng tiền nhiệm nhưng tìm cách làm dịu những mâu thuẫn gay gắt – đó là mô tả sơ khởi về đường lối tương lai của tân Giáo hoàng.
Tại Tòa Bạch Ốc, nơi người ta theo dõi làn khói trắng từ nhà nguyện Sistine với sự chú ý đặc biệt, dường như không có điều gì khiến họ phản đối. Tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến Giáo hoàng Leo XIV. Và điều ấy không có gì đáng ngạc nhiên.
Tín hữu Công giáo tại Hoa Kỳ hiện đại chiếm một phần năm dân số, mà phần lớn là người nói tiếng Tây Ban Nha – một khối cử tri then chốt mà Đảng Cộng hòa đang ngày càng thành công giành được sự ủng hộ, cạnh tranh trực tiếp với Đảng Dân chủ. Cả hai nhân vật được xem là ứng viên kế nhiệm tiềm năng của ông Donald Trump cho cuộc bầu cử năm 2028 – J.D. Vance và Marco Rubio – đều là người Công giáo. Trong bối cảnh như vậy, một vị giáo hoàng mang tinh thần hòa hiệp và tương đồng với giới lãnh đạo đương quyền tại Hoa Kỳ hẳn nhiên có thể được xem như một đồng minh đáng giá.
Valentin Bogdanov/ RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “làm mọi thứ có thể” để theo đuổi hòa…
UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành quyết định cấm đấu thầu với CIENCO4 sau…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (9/5) đã có bài phát biểu quan…
Chiến lược thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã thu hút sự chú ý…
Cơn mưa đạt hơn 225 mm sáng 10/5 khiến TP.HCM chìm trong nước, nhiều tuyến…
Việc sáp nhập 52 tỉnh, thành phố sẽ để lại 4.226 trụ sở công dôi…