Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) ngày 13/5 lần đầu công bố số liệu về những cái chết cô độc, cho biết có 21.716 người nước này qua đời tại nhà mà không ai biết trong ba tháng đầu năm, gần 80% số này trên 65 tuổi.
Dựa trên số liệu mới, cảnh sát Nhật Bản cho rằng nước này có thể ghi nhận tới 68.000 người cao tuổi qua đời một mình tại nhà mỗi năm. Số người chết một mình do tự cô lập, bỏ bê bản thân cũng dự kiến tăng cao.
Thuật ngữ koritsushi (chết trong cô độc) được biết đến ở Nhật Bản kể từ thảm họa động đất Kobe năm 1995, khi nhiều người cao tuổi buộc phải rời khỏi cộng đồng, sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Một số sau đó tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc mình hoặc nhận chăm sóc từ người khác.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các vấn đề trí nhớ và tâm thần, lưu ý chính phủ cần tìm cách hỗ trợ ngay cả khi những người cao tuổi từ chối được chăm sóc. Tác động của những cái chết cô độc với người ở lại như gia đình, hàng xóm cũng cần được xem xét.
70% các khu dân cư tại Nhật Bản trước đây không thống kê các trường hợp tử vong trong cô độc, 85% không có định nghĩa rõ ràng về điều này. Tháng 8/2023, chính phủ Nhật đã thành lập một nhóm chuyên gia để tìm hiểu về những cái chết đơn độc, như một phần trong bước xây dựng các biện pháp ứng phó cần thiết.
Theo định nghĩa công bố tháng 12/2023, koritsushi là “qua đời mà không ai biết và thi thể được tìm thấy sau một thời gian nhất định”. Tình trạng này có thể trở nên phổ biến hơn khi dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng và tỷ lệ hộ gia đình độc thân sẽ tăng cao từ mức 36% ở thời điểm hiện tại.
Phan Anh
Video: Thông minh vĩnh viễn không bù đắp được thiếu hụt đạo đức