Tại thành phố Chicago, Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn chia tay người Mỹ khi chuẩn bị kết thúc hai nhiệm kỳ của mình, trong đó ông kêu gọi người dân Mỹ cảnh giác với những mối đe doạ nền dân chủ.
Trước 20.000 khán giả, ông Obama nói: “Có một phán quyết là tất cả chúng ta được sinh ra một cách bình đẳng, Tạo Hoá cho chúng ta những quyền không ai xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Nhưng những quyền này, theo ông Obama, mặc dù hiển nhiên, nhưng không thể tự hiện thực hoá, mà người dân, thông qua công cụ của nền dân chủ, hình thành một liên bang hoàn chỉnh hơn.
Ông khẳng định những thành tựu của mình, rằng “nước Mỹ đã tốt đẹp và mạnh hơn” tám năm trước, đồng thời cảnh báo “nền dân chủ đang bị đe dọa bất cứ khi nào chúng ta xem đó là điều hiển nhiên”.
“Trong 10 ngày tới, thế giới sẽ chứng kiến một dấu ấn của nền dân chủ chúng ta: sự chuyển giao quyền lực hoà bình từ một tổng thống được bầu chọn tự do cho người kế nhiệm. Tôi cam kết với Tổng thống tân cử Trump rằng chính quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, giống như Tổng thống Bush đã làm đối với tôi”.
Tuy nhiên ông Obama cũng vạch ra những mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ như bất bình đẳng kinh tế và chia rẽ sắc tộc.
Đầu tiên về bất bình đảng kinh tế, ông cho rằng “nền dân chủ của chúng ta không thể hoạt động nếu không đảm bảo được mỗi người dân đều có cơ hội kinh tế”. Ông Obama thừa nhận những thiếu sót dài hạn khó có thể sửa ngay trong nền kinh tế Hoa Kỳ như bất bình đẳng, top 1% dân số nắm giữa phần lớn của cải và thu nhập, quá nhiều gia đình ở các vùng sắc tộc và nông thôn bị bỏ rơi, nhà máy đóng cửa, công nhân, người lao động chân tay chật vật đóng hoá đơn.
“Không có giải pháp nhanh chóng cho những vấn đề dài hạn này. Tôi đồng ý rằng thương mại cần công bằng chứ không chỉ tự do. Nhưng làn sóng chuyển dịch kinh tế tiếp theo không đến từ bên kia bờ biển. Nó sẽ đến từ nhịp độ không ngừng của ngành tự động hoá sẽ thay thế rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu”.
Vì thế, ông Obama nói rằng cần đảm bảo giáo dục cho thế hệ tiếp theo, đảm bảo công nhân có thể đấu tranh đòi lương tốt hơn và cải cách luật thuế để những người giàu nộp thuế phù hợp với những gì họ thu được.
Ông cũng nói rằng nếu ông Trump tìm được một biện pháp thay thế chương trình bảo hiểm ObamaCare, thì ông cũng sẵn sàng ủng hộ nó.
Mối đe doạ thứ hai là về chia rẽ sắc tộc.
Ông Obama nói rằng sau khi ông thắng cử, tầm nhìn về một Hoa Kỳ không còn chia rẽ sắc tộc dù được thảo luận, lên kế hoạch, nhưng đến nay chưa thực hiện được như mong đợi.
Nhìn về tương lai, ông nói rằng người Mỹ cần tôn trọng luật chống phân biệt đối xử – trong việc thuê nhân công, mua nhà, giáo dục và hệ thống pháp lý.
“Nhưng luật thôi chưa đủ, trái tim chúng ta cần thay đổi … bạn không bao giờ hiểu được một người cho tới khi bạn nhìn sự vật bằng cặp mắt , đeo vào bộ da và đi bằng đôi chân của anh ta”.
Thứ ba, theo Tổng thống Mỹ là mối đe doạ về xung đột quan điểm chính trị.
Ông Obama cho rằng khi thảo luận, cần chấp nhận “những cơ sở thực tế chung”, mỗi bên cần chấp nhận thông tin mới, thừa nhận rằng đối thủ đưa ra lập luận đúng, rằng khoa học và lý luận có sức nặng”, nếu không thì không ai đạt được gì cả.
Ông nhắc đến những khác biệt đang gây tranh cãi gay gắt giữa hai Đảng Cộng hoà và Dân chủ sau chiến thắng của Donald Trump vừa rồi: Về thuế má, biến đổi khí hậu, và chủ nghĩa khủng bố.
“Làm sao những quan chức được bầu chọn nổi khùng lên về thâm hụt khi chúng ta đề xuất đầu tư vào trường mẫu giáo cho trẻ em, nhưng khi cắt giảm thuế cho doanh nghiệp lại không nói gì? “
“Chỉ trong 8 năm qua, chúng ta đã giảm một nửa sự phụ thuộc vào nguồn dầu ngoại quốc, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo và dẫn dắt thế giới tới một thoả thuận hứa hẹn sẽ cứu hành tinh này. Nhưng không có các hành động mạnh mẽ hơn, con cháu chúng ta sẽ không có thời gian mà tranh luận về sự tồn tại của biến đổi khí hậu, vì chúng phải bận rộn giải quyết hậu quả của nó: thảm hoạ môi trường, kinh tế gián đoạn, và những làn sóng dân tị nạn khí hậu tìm nơi an toàn trú ngụ”.
Biến đổi khí hậu là một trong tâm trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama, tuy nhiên những di sản này đang bị đe doạ bởi người kế nhiệm, do ông Trump thể hiện là người hoài nghi “biến đổi khí hậu”, và từng doạ sẽ rút Mỹ khỏi các hiệp định cắt giảm carbon – vốn là rào cản để ngành năng lượng hoá thạch Hoa Kỳ phát triển.
Cuối cùng, theo Obama, nền dân chủ Hoa Kỳ bị đe doạ chừng nào người Mỹ còn coi nó là điều đương nhiên.
Ông nói rằng nền dân chủ không phải là món quà tự nhiên mà có, mà phụ thuộc vào trách nhiệm tham gia của mỗi người dân Mỹ, bất kể đảng phái.
Ông cảnh báo nền dân chủ sẽ suy yếu khi “chúng ta cho phép đối thoại chính trị trở nên xấu xa tới mức những người tốt quay lưng lại với các cơ quan chính phủ”, phá hoại tới mức ta coi những người không đồng ý với mình không chỉ là “sai lầm”, mà còn là những kẻ xấu xa độc ác; khi chúng ta định nghĩa bản thân mình là “người Mỹ” hơn những người khác; khi chúng ta đổ vấy cho cả hệ thống chính quyền là không thể không tham nhũng, và lên án những lãnh đạo của ta mà không tự xét về vai trò của mình khi bầu lên họ.
Ông kêu gọi người dân hãy đấu tranh vì quyền dân chủ không chỉ ở những cuộc bầu cử, không chỉ khi quyền lợi của mình bị đe doạ, mà hãy đấu tranh suốt cả cuộc đời:
“Nếu bạn phát mệt khi tranh luận với những người lạ trên internet, hãy thử nói với nhau trong đời thực. Nếu thấy điều gì đó cần phải sửa, hãy buộc dây giày và tổ chức hoạt động gì đó. Nếu bạn thất vọng bởi vị quan chức mà bạn bầu lên, hãy cầm giấy bút và đi xin chữ ký, hoặc tự ra ứng cử. Hãy có mặt, xuất hiện và kiên trì. Có thể bạn sẽ chiến thắng hoặc thất bại… sẽ có thời điểm quá trình này thực sự làm bạn thất vọng. Nhưng với tư cách là người đủ may mắn chứng kiến tận mắt một phần của công việc này, tôi nói với các bạn rằng: nó có thể tiếp sinh lực và truyền cảm hứng cho bạn, khi đó, niềm tin vào nước Mỹ, người dân Mỹ của các bạn sẽ được củng cố”.
Barack Obama, tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, 55 tuổi, được bầu năm 2008 với thông điệp đem lại hy vọng và thay đổi. Hôm nay (10/1 theo giờ Mỹ) ông chào tạm biệt người dân với thông điệp quen thuộc, “bạn là thay đổi mà bạn đang tìm kiếm”:
“Nhân dân Hoa Kỳ, được phục vụ các bạn là một niềm vinh dự trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ không dừng lại; thực tế tôi sẽ ở ngay đây cùng các bạn, như một công dân, trong tất cả những ngày còn lại của mình. Từ bây giờ, dù các bạn còn trẻ ở tuổi tác hay tinh thần, tôi có một yêu cầu cuối cùng muốn gửi tới các bạn với tư cách là Tổng thống – cũng là yêu cầu mà tôi đã nói khi các bạn trao cho tôi cơ hội 8 năm về trước.
“Tôi yêu cầu các bạn hãy tin tưởng. Không phải vào khả năng mang đến thay đổi của tôi – mà là của các bạn“.
Diễn văn chia tay của tổng thống là truyền thống lâu đời của chính trị Mỹ.
Cựu tổng thống George W Bush và Bill Clinton đọc diễn văn từ biệt tại Nhà Trắng, trong khi George Bush cha phát biểu chia tay tại học viện quân sự West Point.
Khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama được 57% người Mỹ ủng hộ, theo thăm dò của AP và trung tâm NORC, tỷ lệ tương tự với Bill Clinton khi ông này rời Nhà Trắng.
Người kế nhiệm ông, Donald Trump, tuyên bố sẽ hủy bỏ một số chính sách mang dấu ấn của ông Obama. Ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.
Chọn Chicago thay vì Nhà Trắng để phát biểu chia tay, ông Obama trước đó nói rằng ông muốn trở về “nơi mọi thứ bắt đầu” với ông và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Chuyến đi Chicago là chuyến bay cuối cùng, hành trình lần thứ 445 của ông Obama với tư cách tổng thống trên chiếc Air Force One.
Hơn 20.000 người chứng kiến bài diễn văn từ biệt của ông tại McCormick Place, trung tâm hội nghị lớn nhất Bắc Mỹ.
Đây cũng là nơi ông đọc bài phát biểu sau khi đánh bại Mitt Romney trong cuộc bầu cử năm 2012.
Trọng Đức (T/H)
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…