Fidel Castro, cựu lãnh tụ cách mạng Cuba, người từng duy trì quyền lực bàn tay sắt trong gần 50 năm và từng bị Mỹ coi là kẻ địch lớn, đã qua đời hôm qua, thứ Sáu 25/11, ở tuổi 90.

(Ảnh lưu trữ AP. Ngày 12/10/1976, Chủ tịch Cuba Fidel Castro chỉ tay trong bài phát biểu dài của mình trước Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc)

“Lịch sử sẽ xá tội cho tôi!” – Fidel Castro nói trước toà án năm 1953

Ông cũng là lãnh đạo duy nhất mà hầu như mọi người Cuba biết đến, nắm quyền qua 11 đời tổng thống Mỹ kể từ sau cách mạng 1959. Tuy khoẻ của ông suy giảm trong nhiều năm qua, nhưng ông vẫn dùng ảnh hưởng tiếp tục phát ngôn về đường lối bài Mỹ và tư bản chủ nghĩa của mình.

Hồi tháng 10/2014, Fidel Castro cho in lại một bài xã luận của tờ New York Times trên báo nhà nước, trong đó có lập luận rằng Mỹ nên dừng cấm vận Cuba. Bài in lại được giữ nguyên gần hết, chỉ bỏ một câu về việc chính phủ Havana thả tù chính trị.

>> Ước mơ báo mạng độc lập tại Cuba

Năm 2012 Fidel Castro viết một bài bình luận cho trang truyền thông nhà nước, trong đó ông gọi nỗ lực tranh cử của các ứng viên Đảng Cộng hoà ở Mỹ lúc đó là “cuộc đua vĩ đại nhất của sự ngu dốt” mà thế giới từng chứng kiến.

Một ví dụ khác về ảnh hưởng của Castro tiếp tục tồn tại ở chính trường nước Mỹ, bất chấp việc ông đã trao quyền cho em trai vào năm 2008, là vào năm 2012, Fidel là chủ đề của một câu hỏi trong cuộc tranh luận Đảng Cộng hoà tại thành phố Tampa, bang Florida.

Khi đó, Mitt Romney được hỏi rằng ông sẽ làm gì trước tiên trong vai trò Tổng thống nếu Fidel Castro qua đời, ông nói: “Trước hết, bạn cảm ơn thiên đường vì Fidel Castro đã trở về với đấng tạo hoá và sẽ được gửi đi một vùng đất khác”.

Một ứng viên khác lúc đó là Newt Gingrich nói: “Tôi không nghĩ rằng Fidel sẽ được gặp đấng tạo hoá. Tôi nghĩ rằng ông sẽ đi tới một nơi khác”.

Cựu luật sư, lãnh tụ cách mạng, người tạo được danh tiếng kèm theo sự nể sợ với cái tên của mình, sinh ngày 13/8/1926, là con của một chủ đồn điền mía đường và một người hầu Cuba. Ông không được cha mình công nhận cho đến năm 17 tuổi, khi ông đổi họ từ họ mẹ Ruz sang họ cha là Castro. Tuy vậy, tuổi thơ của ông trải qua trong giàu có và đầy đủ.

Fidel nhập học trường tu sĩ dòng Tên. Ông được biết là đứa trẻ thích thể thao, là tay ném bóng chày của đội El Colegio de Belen. Sau đó ông học luật tại Đại học Havana, nơi ông tham gia vào một nhóm theo đường lối dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập cách mạng và cầm súng chống lại chính phủ của tổng thống Fulgencio Batista. Năm 1953, ông lãnh đạo cuộc tấn công vào một trại lính quân đội nhằm kêu gọi sự phản kháng lớn hơn. Cuộc tấn công thất bại, Fidel bị bắt và đưa ra toà. Tại toà, ông tự bào chữa và nói một câu nổi tiếng: “Lịch sử sẽ xá tội cho tôi”.

Sau khi ra tù, ông bị đày tới Mexico, nơi ông gặp Ernesto Guevara hay còn gọi là “Che Guevara” – lãnh đạo Mac-xít nổi tiếng người Argentina và trở thành đồng chí của nhau.

Sau đó Castro cùng với Che Guevara tiếp tục thành lập lực lượng du kích khác, sau nhiều năm chiến đấu cuối cùng ông đã đánh bại tổng thống Batista năm 1959, trở thành lãnh đạo Cuba ở tuổi 32.

Ban đầu ông giữ chức Thủ tướng của chính quyền mới. Ông thực hiện một loạt thay đổi nhằm chặn ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trên hòn đảo nhỏ Cuba. Quan hệ giữa hai quốc gia nhanh chóng xuống dốc và khi Castro tới thăm Mỹ vào cuối năm 1959, tổng thống Dwight Eisenhower đã từ chối gặp mặt ông.

Thời điểm đó, chính phủ Castro đang gấp rút thiết lập quan hệ với Liên bang Xô viết. Tháng 4/1961, Fidel chính thức tuyên bố Cuba là một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Không lâu sau đó, Cuba nổ ra sự kiện Bay of Pigs, trong đó 1.400 người Cuba lưu vong được CIA huấn luyện đã thực hiện cuộc tấn công nhằm lật đổ Fidel. Đối mặt với đội quân Cuba 25.000 quân, lực lượng xâm lược đã thất bại thảm hại. 118 người thiệt mạng, 306 người bị thương và 1.202 người bị bắt.

Sau đó quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng càng căng thẳng hơn khi Fidel thắt chặt quan hệ với Liên Xô. Năm 1962, máy bay trinh sát Mỹ phát hiện ra Liên Xô chở tên lửa tới Cuba, gây ra một đợt căng thẳng mới giữa quan hệ Mỹ – Liên Xô.

Nhưng đến những năm 1980, Nga ngừng nhập đường của Cuba, khiến kinh tế Cuba kiệt quệ nhanh chóng và hàng ngàn người Cuba bỏ trốn sang Mỹ bằng đường biển.

Ông Castro thường nói bằng một giọng thù ghét và kinh miệt với những người chạy trốn sang Mỹ. Ông gọi những người Cuba lưu vong tại Mỹ là “guzanos”, từ tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “sâu bọ”, và phàn nàn rằng bọn Mafia ở Miami (thành phố bang Florida, nơi gần Cuba nhất) luôn muốn lật đổ ông.

Những người Cuba bỏ trốn cũng bày tỏ sự không ưa thích chủ tịch với thái độ tương xứng. Thậm chí nhiều người còn lập các tổ chức chỉ có một mục tiêu là tìm cách lật đổ ông Castro.

Nhiều người muốn ám sát ông Castro và trong nhiều năm, có vô số các tin đồn về cái chết của ông này trong cộng đồng người Cuba ở Mỹ.

Năm 1988, trong một bài phát biểu, ông Castro nói: “Tôi nghĩ rằng tôi có thể đã giữ kỷ lục là mục tiêu của nhiều âm mưu ám sát nhất trong số mọi chính trị gia, ở bất kỳ quốc gia nào, tại bất kỳ thời kỳ nào”.

“Ngày tôi chết thật, sẽ không ai tin”.

Ông giữ chức Thủ tướng Cuba tới năm 1976, sau đó trở thành Chủ tịch và nắm quyền tới năm 2008, sau đó trao quyền cho em trai là Raul, tuy vẫn giữ chức Thư ký đệ nhất của Đảng Cộng sản Cuba tới tháng 4/2011, khi đó ông 85 tuổi.

Thậm chí sau đó, khi rút hoàn toàn khỏi chức vị chính thức, ông vẫn là nhân vật chính trị nổi tiếng nhất Cuba.
Ông từng nói: “Con người không tạo ra số mệnh. Số mệnh tạo ra anh ta cho giờ phút đó”.

Fidel Castro từng là một kẻ địch lớn của nước Mỹ, và có báo cáo rằng CIA từng nhiều lần cố gắng hạ sát ông bằng nhiều cách khác nhau, kể cả những cách đặt biệt như cài bom vào điếu xì gà mà ông hay hút.

Đời sống cá nhân của Fidel Castro phức tạp và bí mật. Ông được cho là có 1 người con trai trong cuộc hôn nhân thứ nhất, một con gái ngoài giá thú với một mối quan hệ khác, 5 con trai từ cuộc hôn nhân thứ hai và một người con trai khác với một phụ nữ bí mật.

Tháng 3/2016, Barack Obama trở thành vị tổng thống Hoa Kỳ tại nhiệm đầu tiên tới thăm Cuba trong gần 90 năm, mở ra một thời kỳ nồng ấm hơn trong quan hệ nguội lạnh giữa hai quốc gia láng giềng. Fidel Castro đã viết một bức thư tiêu đề “Người anh em Obama” dài 1.500 chữ đăng trên truyền thông nhà nước. Trong đó ông gọi những kêu gọi thân thiện của Obama là những lời nói “bọc đường”.

Đề nghị khiêm tốn của tôi là ông ta [Obama] tự xét lại trách nhiệm của Mỹ tại Nam Phi, tại Cuba và tại Angola, và không cố gắng tạo ra các lý thuyết mới về chính trị của Cuba”.

Với đề nghị hỗ trợ Cuba của Tổng thống Mỹ, Fidel Castro nói Cuba không cần quà của Mỹ:

Chúng tôi có khả năng sản xuất thực phẩm và của cải vật chất cần thiết bằng lao động và trí tuệ của người dân chúng tôi”.

Trọng Đức (T/H)

Published by

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

1 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

2 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

3 giờ ago