Theo Reuters, hôm 20/12 phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan thông báo nước này đang thảo luận với Trung Quốc về các thoả thuận hợp tác quốc phòng trong tương lai gần trong bối cảnh quan hệ với Hoa Kỳ vẫn đang nguội lạnh.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bắt tay cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 22/12/2014
Phát ngôn viên Kongcheep Tantravanich nói với báo giới rằng nội dung những thoả thuận bao gồm việc xây dựng các cơ sở sửa chữa và bảo trì vũ khí ở Thái Lan, cũng như Bangkok muốn nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí.
Đây được xem là một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á.
Quan hệ giữa Thái Lan và Hoa Kỳ xấu đi nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2014 khi quân đội lật đổ chính quyền dân cử lên nắm quyền. Quân đội Thái Lan lập luận rằng cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm chặn đứng tình trạng hỗn loạn đã kéo dài nhiều tháng trời với những cuộc biểu tình rầm rộ. Tuy nhiên Nhà Trắng tuyên bố quan hệ với Thái Lan chỉ có thể trở lại bình thường một khi nền dân chủ ở Thái Lan được tái lập. Các tướng lãnh cầm quyền đã hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2017.
Cũng từ sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Thái Lan tìm kiếm một đối trọng trong quan hệ với Hoa Kỳ bằng cách sát lại gần Trung Quốc. Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh.
Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan, ông Prawit Wongsuwan đã nói với ông Thường Vạn Toàn rằng Bangkok rất quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở để sửa chữa và bảo trì các thiết bị quân sự Trung Quốc mà quân đội Thái Lan đang có trong tay. Cũng theo lời phát ngôn viên nói trên, Thái Lan còn muốn phía Trung Quốc giúp sản xuất các vũ khí nhỏ và các thiết bị an ninh như máy bay không người lái.
Thái Lan cũng đang thảo luận với Nga về việc xây dựng các cơ sở tương tự nhưng Bộ Quốc phòng chưa tiết lộ thêm chi tiết.
Ngoài dự định nói trên, trước đây Thái Lan đã mua xe tăng của Trung Quốc và cũng đã chọn Bắc Kinh thực hiện hợp đồng hàng tỷ đôla đóng các tàu ngầm đầu tiên cho Thái Lan. Không quân của hai nước cũng đã lần đầu tiên tập trận chung vào năm 2015.
Bangkok buộc phải dựa ngày càng nhiều vào Bắc Kinh bởi vì kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Hoa Kỳ đã đình chỉ mọi hỗ trợ về quốc phòng và an ninh cho Thái Lan. Washington cũng đã giảm bớt quy mô của các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với đồng minh châu Á này.
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ khiến mọi người lo ngại là Mỹ sẽ từ bỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á mà tổng thống Obama đã thực hiện trong những năm qua. AFP trích lời giáo sư chính trị học, ông Thitinan Pongsudhirak, thuộc Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nhận định: “Nếu Hoa Kỳ không thể đảm trách vai trò khu vực của họ, các nước trong khu vực không còn con đường nào khác là phải ngả theo Bắc Kinh”.
Phát ngôn viên Koongcheep nói quan hệ với Mỹ được kỳ vọng sẽ trở lại bình thường sau bầu cử ở Thái.
“Quan hệ giữa hai nước không hoàn hảo. Nhưng khi Thái Lan trở lại chế độ dân chủ, tôi hy vọng mối quan hệ này sẽ trở lại bình thường”, ông nói.
Đức Trí (T/H)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…